Hủy
Công Nghệ

Alibaba có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắm của ông Trump

Mai Nam Thứ Sáu | 14/08/2020 10:30

Nguồn ảnh: CNN.

Sau TikTok và WeChat, Alibaba có thể là mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ của Tổng thống Trump.
 

Đưa Alibaba vào tầm ngắm

Theo CNN, Mỹ đã nhắm vào một số tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, từ TikTok của ByteDance đến WeChat của Tencent. Alibaba, một trong những tập đoàn bán lẻ và internet lớn nhất thế giới có thể là mục tiêu tiếp theo.

Các hành động chống lại các công ty Trung Quốc đã đánh dấu sự leo thang đáng kể trong việc chính quyền Trump đẩy lùi sức mạnh công nghệ đang lên của Bắc Kinh. Điều này buộc các công ty toàn cầu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Alex Capri, Giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Hiện tại, sự thay đổi mô hình và địa chính trị đang trải qua một sự chuyển đổi lịch sử. Các quan chức Washington đang đưa ra nhiều cáo buộc hơn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Đây là một dấu hiệu cho thấy chính quyền đang thực sự tìm cách tách rời ngành công nghiệp công nghệ”.

Không giống như ByteDance hay Huawei, những công ty có khả năng mở rộng toàn cầu đang bị chững lại sau khi chính quyền Washington cắt đứt công nghệ, Alibaba chưa thành công nhiều khi mở rộng sang thị trường phương Tây. Nhưng thực tế, Alibaba là một nhà vô địch công nghệ quốc gia ở Trung Quốc. Điều này đủ để Washington nhắm vào Alibaba, theo ông Alex Capri.

Alibaba vẫn chưa bị đe dọa với các lệnh trừng phạt tương tự như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất hoặc áp dụng đối với các công ty công nghệ Trung Quốc khác. 

Tổng thống Trump nói chuyện trìu mến với người sáng lập Alibaba ông Jack Ma, gọi ông là “bạn của tôi” vào đầu năm nay sau khi tỉ phú Trung Quốc thông báo sẽ quyên góp vật tư để chống lại đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Nguồn ảnh: CD.
Tổng thống Trump nói chuyện trìu mến với người sáng lập Alibaba ông Jack Ma, gọi ông là “Bạn của tôi” vào đầu năm nay sau khi tỉ phú Trung Quốc thông báo sẽ quyên góp vật tư để chống lại đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Nguồn ảnh: CD.

Cho dù vậy, Alibaba vẫn trong tầm ngắm của các quan chức Mỹ. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kiểm tra Alibaba khi ông kêu gọi các công ty Mỹ loại bỏ công nghệ không đáng tin cậy do Trung Quốc sở hữu khỏi mạng kỹ thuật số của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết: Washington muốn bảo vệ thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của người Mỹ và tài sản trí tuệ có giá trị nhất của doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả nghiên cứu vaccine COVID-19 khỏi bị truy cập trên các hệ thống dựa trên điện toán đám mây do các công ty như Alibaba và Tencent điều hành.

Các công ty như Alibaba được nuôi dưỡng trong một môi trường được bảo vệ hoàn toàn ở Trung Quốc, vốn khép kín với các đối thủ nước ngoài. Họ chiếm được thị phần mà không phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Ông Alex Capri cho rằng: “Bây giờ những công ty như Alibaba đang mạo hiểm và muốn cạnh tranh trên các thị trường mở, họ đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội”.

Washintong giăng lưới rộng hơn

Alibaba điều hành các nền tảng thương mại điện tử phổ biến rộng rãi, chủ yếu có sẵn ở Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á khác. Công ty này cũng bắt đầu phổ biến Alipay, một trong những ứng dụng thanh toán thống trị nhất ở Trung Quốc, cùng với WeChat Pay của Tencent.

Do đó, bất kỳ hành động nào của Washington cũng khó ảnh hưởng đến hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh bán lẻ của công ty tại Trung Quốc, vốn chiếm gần 80% trong tổng doanh thu hàng năm 509,7 tỉ nhân dân tệ (73,5 tỉ USD) của Alibaba. Doanh thu bán lẻ và bán buôn quốc tế chiếm 7% tổng doanh thu của Alibaba. Ngay cả các lệnh trừng phạt đối với hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba tại Mỹ cũng tác động ở mức tối thiểu. Các dịch vụ điện toán đám mây mà Alibaba không phân chia theo khu vực, chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, với lệnh hành pháp mơ hồ được ban hành chống lại WeChat và TikTok vào tuần trước cho thấy rằng Washington có thể chuẩn bị giăng ra một mạng lưới rộng lớn hơn.

Theo nhà phân tích công nghệ Dan Wang thuộc công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, lệnh cấm giao dịch với WeChat có thể ngăn cản tất cả người dân Mỹ và các công ty Mỹ làm việc với bất kỳ thứ gì liên quan đến ứng dụng nhắn tin. Ông cho rằng: Điều đó có thể cắt bỏ WeChat khỏi tất cả các công nghệ của Mỹ. Động thái này sẽ ngăn Tencent khỏi phần mềm và chất bán dẫn mà nó cần để duy trì WeChat hoạt động.

 

Ông Dan Wang nói: “Nếu Mỹ làm điều gì đó với Alibaba, đó cũng sẽ là một cú đánh khá lớn”. Bởi lẽ, Alibaba có các hoạt động điện toán đám mây rất lớn ở Trung Quốc và cần phần mềm cùng chất bán dẫn của Mỹ để tiếp tục các hoạt động này.

Tuy, Alibaba tạo ra ít doanh thu ở Mỹ, nhưng quốc gia này vẫn là một thị trường quan trọng. Năm ngoái, Alibaba đã mở cửa kinh doanh thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ. Lần đầu tiên Alibaba tung ra phiên bản tiếng Anh của nền tảng Tmall. Theo đó, công ty này tìm cách tăng gấp đôi số lượng thương hiệu nước ngoài trên Tmall, dự kiến lên đến 40.000 thương hiệu trong 3 năm. Rất nhiều công ty lớn của Mỹ đã bán hàng trên Tmall, bao gồm Apple, Nike và Johnson & Johnson.

Các mối quan hệ khác của Alibaba với Mỹ cũng sâu sắc hơn khi công ty này chọn niêm yết cổ phiếu vào năm 2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Đợt chào bán đáng kinh ngạc này đã huy động được 25 tỉ USD, lập kỷ lục toàn cầu. Năm ngoái, đợt IPO của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới Aramco Saudi cũng chỉ huy động được 25,6 tỉ USD. 

Có thể bạn quan tâm:

► Tencent nỗ lực "xoa dịu" nỗi lo nhà đầu tư sau lệnh cấm của Mỹ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới