Hủy
Công Nghệ

Bất thường vốn đầu tư mạo hiểm

Văn Quốc Thứ Ba | 19/10/2021 13:30

Chainalysis, công ty bán phần mềm dò tìm gian lận tiền mã hóa, đã có 4 lần gọi vốn mới kể từ tháng 7 năm ngoái. Ảnh: Ảnh: angel.co

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm đang trở nên “quá khích” trên thị trường.
 

Chainalysis, một công ty bán phần mềm dò tìm gian lận tiền mã hóa, đã trải qua một đợt tăng sóng ngoạn mục trong suốt giai đoạn dịch bệnh. Công ty này đã có 4 lần gọi vốn mới kể từ tháng 7 năm ngoái. Vào tháng 11/2020, Addition, một hãng đầu tư chuyên nhắm đến các công ty ở giai đoạn đầu và giai đoạn phát triển, đã dẫn dắt một khoản đầu tư mà trao cho Chainalysis danh hiệu startup tỉ USD.

Bốn tháng sau đó, một vòng gọi vốn khác dẫn dắt bởi nhà đầu tư tiền mã hóa Paradigm đã định giá Chainalysis hơn 2 tỉ USD. Chỉ trong vòng 3 tháng, Coatue Management, một công ty đầu tư khác, đã định giá công ty này còn cao hơn nhiều, lên tới 4,2 tỉ USD. Nhìn lại một năm trước đó, các nhà đầu tư chỉ định giá Chainalysis chưa tới 300 triệu USD. Làn sóng tăng giá này chính là điều đã và đang xảy ra trên thị trường vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu.

Số liệu từ PitchBook cho thấy các nhà đầu tư mạo hiểm đang tăng mức định giá cho các startup với tốc độ điên cuồng nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đó, các công ty tư nhân chưa niêm yết được rót vốn đầu tư mạo hiểm đang chứng kiến mức định giá doanh nghiệp của họ tăng gấp đôi sau mỗi vòng gọi vốn, mức tăng trung bình lớn nhất kể từ khi PitchBook ghi nhận dữ liệu. Trong khi đó, mức tăng giá trung bình của năm ngoái là 1,5x (được tính bằng cách chia mức định giá hiện tại của một startup cho giá trị mà công ty này nhận được trong vòng gọi vốn trước đó). 

 

Dữ liệu trên đã chỉ ra một thực tế mới tại Thung lũng Silicon là hầu như không có một nhà đầu tư mạo hiểm nào lại bỏ qua một thương vụ nóng sốt cho dù có đắt đỏ so với trước kia đi nữa. “Tất cả chúng tôi đều nhảy vào,” Keith Rabois, một đối tác tại Founders Fund, nhận xét. Founders Fund đã thực hiện các khoản đầu tư ban đầu vào các công ty như Airbnb, Stripe và SpaceX. Cùng với một năm gọi vốn kỷ lục, môi trường giá cao đã làm dấy lên những mối quan ngại mới về sự hưng phấn "quá khích" của dòng vốn đầu tư mạo hiểm, có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của một hình thức đầu tư luôn mang về suất sinh lời cao trong suốt một thập kỷ qua. 

Những nhà đầu tư rót vốn vào các startup đã ghi nhận giá trị các khoản nắm giữ của họ tăng trung bình hơn 26% trong quý I và quý II năm nay, theo số liệu từ Zanbato. Trong khi đó, mức sinh lợi của chỉ số S&P 500 (bao gồm cả cổ tức) là 15,3% trong 6 tháng đầu năm 2021. “Mức sinh lời đang là động lực thúc đẩy sự gia tăng đầu tư vào các thị trường tư nhân”, Nico Sand, CEO của Zanbato, nhận xét. 

Khi mức định giá tăng cao hơn, số tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm phải bỏ ra để tích lũy số cổ phần đáng kể trong các startup đang được thèm khát cũng phải nhiều hơn. Quy mô của một thương vụ Series A trung bình đã tăng hơn 1/3 lên tới hơn 10 triệu USD trong năm nay, theo số liệu của PitchBook. PitchBook tính toán mức định giá dựa trên dữ liệu từ các công ty và những nguồn thông tin công khai cũng như các báo cáo doanh nghiệp và hồ sơ nộp lên cơ quan chức năng.

 

Về phía giới đầu tư mạo hiểm, họ chỉ ra mức lợi nhuận khổng lồ mà các công ty công nghệ lớn tạo ra và một loạt thương vụ niêm yết khủng là một bằng chứng cho thấy một thị trường đang phình to đối với các dịch vụ công nghệ, đặc biệt ở những lĩnh vực như phần mềm doanh nghiệp và tài chính. 

Một phần tốc độ tăng trưởng này là nhờ “chất xúc tác” COVID-19, vốn đã giúp những startup trong các lĩnh vực mua sắm trực tuyến và tương tác nơi làm việc hưởng lợi lớn. Ngược lại, những startup trong mảng lữ hành và các ngành dựa vào tương tác trực tiếp lại đang lao đao hoặc phải co cụm như công ty cho thuê căn hộ Stay Alfred đã phá sản vào tháng 5/2020 khi khủng hoảng COVID-19 leo thang. 

Đáng chú ý, hầu hết các nhà đầu tư đặc biệt tỏ ra hứng thú đối với các công ty fintech. Bằng chứng là mức định giá của những công ty này đã tăng trung bình 2,4 lần qua các đợt gọi vốn đầu tư mạo hiểm trong năm nay. 

Ảnh: igeeksblog.com
Ảnh: igeeksblog.com

Tại Mỹ, các công ty thương mại điện tử và phần mềm doanh nghiệp ít nhất đã tăng gấp đôi về giá trị mỗi lần họ gọi vốn mới. Một ví dụ là Clubhouse, ứng dụng mạng xã hội trò chuyện bằng âm thanh. Đầu năm nay, Andreessen Horowitz đã dẫn dắt một vòng gọi vốn định giá Clubhouse khoảng 1 tỉ USD. 3 tháng sau, công ty đầu tư mạo hiểm này đã dẫn dắt một vòng gọi vốn khác mà đã tăng gấp 4 lần định giá của Clubhouse, thậm chí khi dữ liệu di động cho thấy đã có ít người hơn tải xuống ứng dụng này.

Theo nhận định của Will Gornall, Giáo sư Tài chính tại Đại học British Columbia, đại dịch COVID-19 đã có "tác động khác biệt" đối với các startup, khi làm tăng mạnh giá trị của những công ty đang ở bên thắng của cuộc chuyển đổi sang các dịch vụ số. “Có một thực tế là mức định giá đã và đang bị thổi phồng bởi dòng vốn chảy vào ngành này”, ông nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới