Hủy
Công Nghệ

Cách mạng in 3D nhìn từ... bà nội trợ

Hà Cúc Thứ Tư | 12/04/2017 08:00

Với các công cụ như Sting Ray và 3DS Max, ngay cả bà nội trợ cũng có thể trở thành kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất.
 

Trung Quốc gần đây đã giới thiệu một chiếc máy in 3D khổng lồ có thể xây dựng được 10 ngôi nhà chỉ trong vòng 24 giờ. Hai tòa nhà 5 tầng được xây dựng trong khu công nghiệp ở tỉnh Giang Tô được cho là công trình cao nhất thế giới xây bằng công nghệ in 3D. Đây là thành quả của Công ty WinSu, có trụ sở tại Thượng Hải. Các bức tường được in theo từng lớp, sau đó ghép lại để dựng thành khối hoàn chỉnh. “Mực in” là chất thải xây dựng có thể tái chế như sắt, thủy tinh, xi măng và chất phụ gia đặc biệt. Với máy in 3D, quy trình sử dụng vật liệu tái chế này có thể hạn chế khí thải carbon.

Tòa nhà văn phòng được dựng nên bằng công nghệ in 3D cũng mới mở cửa tại Dubai. Chỉ trong 17 ngày, tòa nhà một tầng có diện tích 250m2 đã được xây dựng xong bởi một chiếc máy in 3D khổng lồ cao đến 6m, sử dụng chất liệu đặc biệt được trộn từ bê tông, sợi nhựa gia cố và thạch cao lõi sợi thủy tinh. Họ đã hoàn thành công việc với giá chỉ 140.000USD bao gồm cả phí xây dựng và nhân công, chỉ bằng một nửa so với khi xây dựng bằng phương pháp thông thường.

“In ra” một tòa nhà đã trở thành hiện thực với máy in 3D. Người ta gọi đó là một trong những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS). Máy in 3D công nghiệp đang xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có khả năng xử lý ngày càng nhiều các vật liệu khác nhau, qua đó mở rộng khả năng “in” trong mọi lĩnh vực từ y tế, xây dựng, sản xuất cho đến hàng không.

Được dẫn dắt bởi các phần mềm, robot, máy “dệt kim” và máy in nên khả năng thiết kế, thay đổi quy trình sản xuất một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, trong cuộc cách mạng này, Adidas sẽ thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, cũng như có thể tạo nên một cuộc cách mạng cho toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất, bằng việc ra mắt Speedfactory. Một nhà máy sẽ chỉ gồm 160 nhân công, đa phần là các kỹ sư để điều khiển và kiểm soát các hoạt động của robot. Các robot trong đó có nhiều máy in 3D sẽ in trực tiếp ra những đôi giày đủ mọi thiết kế... Alcoa, nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới, cho biết sẽ cung cấp cho Airbus các bộ phận thân máy bay in từ titanium 3D. Alcoa đang chi 60 triệu USD mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Pennsylvania để thúc đẩy việc phát triển các vật liệu và quy trình in ấn 3D tiên tiến.

Thật hoành tráng! Nhưng hãy nhìn cuộc cách mạng này dưới góc nhìn của một... bà nội trợ. Nếu muốn xây nhà, trước đây, bà nội trợ này chỉ được xem bản vẽ của kiến trúc sư trên giấy, mà nhiều khi chẳng hiểu gì. Còn bây giờ, với Sting Ray và 3DS Max, bà có thể “đi vào” các phòng để thấy rõ ghế, tủ, tranh ảnh... một cách sống động và như thật. Thậm chí, nếu không ưng ý, bà nội trợ này có thể ra lệnh thay đổi màu sắc, kiểu thiết kế những đồ vật... cho đến khi vừa mắt thì thôi.

Cach mang in 3D nhin tu... ba noi tro

Tương lai này không phải xa vời vì thực tế, đã có công ty tại TP.HCM cung cấp dịch vụ thiết kế trực quan để giúp mọi người hình dung mọi thứ trong kiến trúc, xây dựng. Thậm chí, với ứng dụng Generative Design của Autodesk, chúng ta có thể đưa ra yêu cầu và robot có thể thiết kế hàng ngàn mẫu theo thuật toán. Nhìn nhận về điều này, theo ông Phan Trung Hiếu, Giám đốc Autodesk thị trường Việt Nam và Campuchia, “xu hướng tự thiết kế sản phẩm sẽ lên ngôi”. Theo đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, ai cũng có thể trở thành những nhà thiết kế và thiết kế mọi vật dụng sinh hoạt, thậm chí là cả ngôi nhà của mình...

Tuy nhiên, để đáp ứng được sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi có một nguồn nhân lực thích ứng. Theo ông Hiếu, Autodesk đưa ra dự báo, cuộc cách mạng 4.0 dự báo tới năm 2030 mới bùng nổ nhưng bây giờ, những ai bắt đầu những công việc sau không bao giờ lo thất nghiệp. Đó là công việc trải nghiệm thế giới thực và ảo. Ví dụ những người thiết kế xe máy, trước giờ chỉ trên máy, còn bây giờ thiết kế ra mô hình thật, có thể đi lại, điều khiển. Đây là công việc đã bắt đầu với ứng dụng Hollyland của hãng Microsoft. Công việc huấn luyện robot cũng trở thành một ngành hấp dẫn trong tương lai. Bởi vì, khi đưa một con robot mới vào môi trường làm việc, người ta phải “dạy” cho nó các tác vụ cần thực hiện nhiều lần hay bắt robot học mọi thứ từ đầu...

Việt Nam đang xây giấc mơ trở thành công xưởng của thế giới, dù là còn rất nhỏ so với quy mô của Trung Quốc, nhưng có thể tận dụng công nghệ máy in 3D và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nên hiệu quả. Thực tế, Việt Nam đã có nền tảng cho giấc mơ trở thành công xưởng của thế giới khi hàng loạt các hãng sản xuất đặt cơ sở tại Việt Nam, từ công nghệ đến may mặc. Việt Nam đã đặt kỳ vọng rất lớn về việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ đầu tư lớn cho hoạt động R&D tại đây. Đặc biệt khi Việt Nam thu hút hàng chục tỉ USD đầu tư của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, từ Intel tới Samsung, LG, Microsoft…

Về sản xuất, mới đây, Lever Style, một nhà cung cấp khác của nhãn hiệu Nhật đã giảm 1/3 nhân công Trung Quốc và dự kiến sản xuất 40% sản phẩm ở Việt Nam từ đây đến năm 2020. Từ đầu thập niên này các nhãn hiệu lớn quốc tế và giới gia công của họ dần dần rời bỏ Trung Quốc, như Tập đoàn Đài Loan Bảo Thành (Pou Chen) gia công cho Adidas, Nike, Puma, Lacoste..., đã đầu tư hơn 2 tỉ USD vào khu công nghiệp gần TP.HCM. Theo Hiệp hội Các công ty vải sợi - may mặc Việt Nam, 65% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các công ty vốn nước ngoài hay của đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Đại diện của  dòng sản phẩm máy in DesignJet HP tại Việt Nam chia sẻ, khả năng ứng dụng của máy in 3D vô cùng lớn. Công nghệ này sẽ giúp thay đổi, cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam có những bước tiến lớn nếu biết tận dụng. Việt Nam đang loay hoay chưa tìm được lối ra cho ngành công nghiệp quá lạc hậu so với thế giới. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có công nghệ in 3D, để bắt kịp với trình độ chung các nền sản xuất tiên tiến nhất. Cuộc cách mạng sản xuất mới này mạnh đến mức, Google dự báo rằng, tất cả các mô hình kinh doanh nằm ngoài cuộc cách mạng này sẽ thất bại. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là nhập cuộc càng nhanh càng tốt.

Hà Cúc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới