Hủy
Công Nghệ

Cơn bão live stream đã xuất hiện tại Việt Nam

Thứ Tư | 03/02/2016 08:30

Công nghệ live stream cho phép mỗi cá nhân trở thành một đài truyền hình thu nhỏ, chỉ với thiết bị di động có thể quay phim và kết nối mạng.
 

15.000 khán giả đã theo dõi trực tiếp buổi ra mắt single “Âm thầm bên em” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, thông qua tính năng live stream của YouTube. Tính năng mới cập nhật này đã giúp Sơn Tùng tiếp cận được lượng khán giả khổng lồ dễ dàng trong cùng một thời điểm, mà không phải tốn nhiều chi phí tổ chức.

Rõ ràng, đã qua rồi cái thời người hâm mộ phải canh lịch phát sóng trực tiếp trên truyền hình để xem thần tượng của mình biểu diễn. Người nổi tiếng cũng không còn quá phụ thuộc vào quyền lực của nhà đài, khi chính bản thân có thể tạo ra một kênh truyền hình trực tuyến riêng trên internet. Sức mạnh này lại càng được phát huy với sự ra đời của tính năng live stream.

Live stream cho phép người xem theo dõi một sự kiện tại bất cứ đâu theo thời gian thực, mà không cần phải có máy thu, phát tín hiệu hay thiết bị vệ tinh phức tạp. Công cụ duy nhất họ cần là một thiết bị di động kết nối internet. Mặt khác, công nghệ live stream còn cho phép mỗi cá nhân có thể trở thành một đài truyền hình thu nhỏ, chỉ với thiết bị di động có thể quay phim và kết nối mạng.

Live stream từ lâu đã được áp dụng tại Mỹ và một số nước châu Âu. Năm 2009, các nghệ sĩ như Pixie Lott, Eric Gales hay David Gray đã dùng live stream để truyền hình trực tiếp nhiều buổi trình diễn thông qua Livestream, một trong những công ty tiên phong trong công nghệ này. Người hâm mộ có thể theo dõi trực tiếp buổi trình diễn của thần tượng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà không cần phải tốn tiền vé máy bay.

Năm 2015, YouTube đã tung ra YouTube Gaming, dịch vụ cho phép người chơi game có thể phát sóng trực tiếp trò chơi lên internet, sau khi công ty mẹ Google thất bại trong thương vụ thâu tóm hãng chuyên cung cấp dịch vụ Live Stream Twitch và để lọt vào tay Amazon. Trước đó, năm 2014 Amazon đã chi 970 triệu USD để mua lại Twitch, trong bối cảnh dịch vụ này đang nắm hơn 40% thị phần live stream tại Mỹ, thu hút hơn 100 triệu người theo dõi và 1,5 triệu game thủ tham gia phát sóng. 10.000 người trong số những game thủ đó đang có thu nhập ổn định từ các dịch vụ quảng cáo trên kênh cá nhân.

Tháng 8.2015, mạng xã hội Facebook cũng cho phép những người nổi tiếng dùng tính năng live stream để chia sẻ thông tin với người hâm mộ. Sau 4 tháng, tính năng này đã được mở rộng cho tất cả người dùng đăng nhập Facebook trên hệ điều hành iOS. Đại diện Facebook cho biết, các hệ điều hành khác như Android hay Windows Phone dự kiến sẽ được hỗ trợ tính năng này vào đầu năm 2016.

Ðáng chú ý, mới đây người Hàn Quốc đã dùng tính năng live stream để thu hút giới trẻ Việt Nam. Ðó là việc hãng công nghệ Naver giới thiệu ứng dụng di động mang tên V Live tại thị trường Việt Nam, cho phép người hâm mộ theo dõi và tương tác trực tiếp với thần tượng thông qua các buổi live stream. Được biết, Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên được Naver chọn để giới thiệu ứng dụng này.

Theo công bố của Naver, trên toàn cầu, V Live có 13 triệu lượt tải chỉ sau 4 tháng từ khi ra mắt, cùng 240 triệu lượt xem và 3,12 tỉ lượt thích. Để đạt được những con số trên, ứng dụng này đã quy tụ hơn 120 ngôi sao âm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc như BigBang hay EXO. Và dù chỉ mới ra mắt tại Việt Nam, nhưng V Live đã lôi kéo được những sao trẻ như Chi Pu hay Đông Nhi tham gia tạo kênh cá nhân và phát sóng trực tiếp hình ảnh.

Khi internet ngày càng phổ biến và mạng 4G đang được các nhà mạng đầu tư phát triển mạnh, chắc chắn live stream sẽ càng phổ biến tại Việt Nam. Những đột phá trong công nghệ truyền tải hình ảnh cũng sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cách tiếp thị nội dung số, vì đến năm 2019, dự kiến gần 85% nội dung trên internet sẽ là video.

Gia Vân

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới