Hủy
Công Nghệ

Đã đến buổi bình minh cho xe điện

Khánh Đoan Thứ Năm | 02/03/2017 07:30

Công nghệ cải tiến và các quy định môi trường chặt chẽ hơn sẽ đưa xe điện từ chỗ chỉ là một thị trường ngách sang thị trường chủ đạo.
 

Tiếng động cơ quá êm tai của một chiếc xe hơi điện có thể nghe không đã như tiếng gầm gừ của một động cơ đốt trong. Nhưng bù lại, động cơ điện lại cho phép chiếc xe, dù là chiếc xoàng xĩnh nhất, vọt lên rất nhanh. Cũng như động cơ của nó, xe điện ra đời đã được dự báo một tương lai thẳng tiến về phía trước. Công nghệ cải tiến và các quy định siết chặt hơn đối với lượng khí thải từ động cơ đốt trong sẽ đưa xe điện từ chỗ chỉ là một thị trường ngách sang thị trường chủ đạo. Tuy nhiên, sau hơn 1 thế kỷ dựa vào nhiên liệu hóa thạch, con đường từ chạy xăng chuyển sang chạy điện sẽ vô cùng gập ghềnh đối với các hãng xe.

Xe điện tăng tốc chỉ trong thời gian gần đây. Hiện cứ 100 chiếc bán ra thì có 1 chiếc xe hơi chạy bằng điện. Tỉ lệ xe điện chạy trên các con đường khắp thế giới vẫn còn dưới 1%. Hầu hết các chuyên gia dự báo cho rằng đến năm 2025, tỉ lệ này sẽ tăng lên khoảng 4%. Những ước tính đó dựa trên cơ sở các hãng xe công bố tăng mạnh sản xuất xe điện. Morgan Stanley dự báo đến năm 2025, lượng xe điện bán ra sẽ đạt tới 7 triệu chiếc mỗi năm và chiếm tới 7% lượng ô tô chạy trên đường. Còn BNP Paribas thì cho rằng tỉ lệ này có thể lên tới 11%. Nhưng với việc các hãng xe dự định sẽ tăng mạnh công suất pin, thậm chí các con số này rồi sẽ sớm được xem là “quá khiêm tốn”.

Ông chủ của Ford rất tin tưởng vào tương lai của xe điện. Vào tháng 1, Mark Fields tuyên bố “thời đại bình minh của xe điện đang ló dạng”. Ông tin rằng số mẫu xe điện sẽ vượt qua xe 100% động cơ đốt trong chỉ trong vòng 15 năm. Ford cam kết sẽ làm ra 13 mẫu xe điện mới trong 5 năm tới. Những công ty khác còn “hoành tráng” hơn. Volkswagen, hãng xe lớn nhất thế giới, năm ngoái cho biết sẽ triển khai một chiến dịch sản phẩm vào năm 2020 và tung ra 30 mẫu xe chạy pin mới vào năm 2025, khi xe điện chiếm tới 25% doanh số bán của hãng xe này. Đối thủ Đức Daimler gần đây cũng đặt ra mục tiêu tham vọng lên tới 20% doanh số bán vào cùng thời gian trên.  

Da den buoi binh minh cho xe dien
Mark Fields, ông chủ của hãng xe Ford, tuyên bố “thời đại bình minh của xe điện đang ló dạng”. Ảnh: Getty Images

Cuộc bùng nổ xe điện có 2 lý do: chi phí gia tăng trong việc tuân thủ các quy định thải khí và chi phí pin đang ngày càng giảm. Xe chạy hoàn toàn bằng điện không thải khí CO2 trực tiếp vào không khí. Còn xe lai thì tạo ra ít lượng khí thải hơn nhiều so với động cơ truyền thống. Vì thế, xe điện (và xe lai) là một cách để đáp ứng các mục tiêu khí thải của châu Âu, nhưng lại đắt đỏ. Tuy nhiên, những lợi ích từ các phương thức rẻ hơn như tăng áp các động cơ nhỏ hơn, công nghệ stop-start (công nghệ giúp động cơ tự động tắt khi xe dừng lại và lập tức khởi động lại khi tài xế nhấc chân phanh hoặc đạp ga), hay việc giảm trọng lượng xe sẽ không còn đủ, vì sau vụ gian lận kiểm tra khí thải của Volkswagen, một cơ chế kiểm tra khí thải sẽ được ra mắt, khiến các mục tiêu thải khí càng khó đạt được.

Hơn nữa, dù rằng các cải tiến sâu rộng hơn về động cơ đốt trong có thể giúp xe đạt mục tiêu thải khí vào năm 2021, nhưng theo chuyên gia Andrew Bergbaum thuộc hãng tư vấn AlixPartners, các hãng xe cần phải chuẩn bị tâm lý vì các cơ quan quản lý sẽ đặt ra các mục tiêu mới khó khăn hơn. Những mục tiêu thải khí carbon này vẫn chưa được EU thống nhất, nhưng có thể ở mức thấp tới 68g/km vào năm 2025 so với 130g/km hiện nay.

Ở bên ngoài châu Âu, các quy định về mục tiêu thải khí cũng siết chặt hơn. Tại Trung Quốc, hơn 400.000 xe chạy hoàn toàn bằng điện được bán ra vào năm ngoái, đưa nước này trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc hiện nỗ lực làm sạch bầu không khí đang bị ô nhiễm nặng nề nên dự định buộc 8% lượng bán ra là xe điện hoặc xe lai vào năm 2018. Và cho dù Tổng thống Donald Trump có “thả lỏng” các tiêu chuẩn thải khí Mỹ thì điều đó cũng không ngăn được quá trình “điện hóa”. California và 7 bang khác ở Mỹ đã áp dụng các quy định về thải khí và đặt ra mục tiêu 3,3 triệu chiếc xe điện chạy trên đường vào năm 2025.

Da den buoi binh minh cho xe dien
Morgan Stanley dự báo đến năm 2025, lượng xe điện bán ra sẽ đạt tới 7 triệu chiếc mỗi năm. Ảnh: businessinsider.com

Công nghệ cũng có sức ảnh hưởng không kém gì mệnh lệnh của cơ quan quản lý. Công nghệ mới đang giúp làm giảm chi phí pin. Điều này sẽ khiến cho chi phí sở hữu và vận hành xe điện cũng bằng với chi phí mua một chiếc xe truyền thống tại châu Âu vào đầu thập niên 2020, thậm chí không cần các khoản trợ cấp lớn của chính phủ. Pin tốt hơn cũng sẽ khiến cho người lái không còn lo ngại về quãng đường chạy mỗi lần sạc pin, vì hiện tại, hầu hết xe chạy 100% bằng điện chỉ hết pin sau khi chạy khoảng 100 dặm (161 km). Nếu chi phí pin tiếp tục giảm và hoạt động xe được cải thiện với tốc độ như hiện nay, giá một chiếc xe chạy 300 dặm mỗi lần sạc pin có thể chỉ còn khoảng 30.000 USD/chiếc vào đầu thập niên 2020, theo Exane BNP Paribas. Công nghệ cũng sẽ giúp cho thời gian sạc pin chỉ tính bằng phút thay vì bằng giờ. 

Dù vậy, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc sạc pin vẫn còn khiến người mua e dè, nhưng đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Tại Mỹ, số điểm sạc pin đã tăng hơn 25% lên gần 40.000 điểm trong năm 2016. Thậm chí Shell và Total cũng có kế hoạch đặt các điểm sạc pin trước các trạm đổ xăng của họ ở khắp châu Âu.

Nhưng cũng chính vì pin mà xe điện chưa phải là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cho các hãng xe. Tesla vẫn chưa tạo ra được lợi nhuận hằng năm. Chiếc Model 3 của hãng xe điện này dự kiến sẽ được bán ra vào cuối năm nay. Thậm chí hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới Renault-Nissan cũng đang bị thua lỗ đối với các mẫu xe điện.

Da den buoi binh minh cho xe dien

R&D cũng tốn một gia tài đáng kể. Daimler nói rằng sẽ bỏ ra tới 10 tỉ euro vào năm 2025 để phát triển 10 mẫu xe chạy pin. Tái cấu trúc cũng tốn kém. Trong 1 thế kỷ, các hãng xe đã xây dựng các nhà máy, thuê lao động và phát triển một chuỗi cung ứng xoay quanh động cơ đốt trong. Vì thế, chuyển sang xe điện sẽ là cả một quá trình cam go. Trong một kịch bản, Morgan Stanley cho rằng toàn mảng ô tô của Volkswagen có thể lỗ trong giai đoạn 2025-2028 khi hãng xe này chuyển đổi.

Một số hãng xe có vị thế tốt hơn các đối thủ khác khi thực hiện chuyển đổi. Các nhãn xe hạng sang làm ăn sinh lời như Daimler và BMW có nguồn lực để đầu tư và có thể tự tin rằng các khách hàng giàu có của họ sẽ là những người đầu tiên chuyển sang các dòng xe điện đắt tiền hơn. Trong khi đó, theo Patrick Hummel, chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng UBS, các nhà sản xuất dòng xe đại chúng trải qua chặng đường gian nan hơn. Mặc dù chi phí đang giảm nhưng một chiếc xe điện giá rẻ cho thị trường đại chúng vẫn còn xa vời.

Khánh Đoan 

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới