Hủy
Công Nghệ

Doanh nghiệp tư nhân đổ xô lên vũ trụ

Thứ Tư | 08/07/2015 08:30

Trước đây, khai phá vũ trụ là việc chỉ dành cho chính phủ các cường quốc nhưng nay thì thị trường đã được mở ra đối với khối tư nhân.
 

Cuối tháng 6 vừa qua, tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX (Mỹ) chở hàng tiếp tế cho Trạm không gian quốc tế ISS, đã nổ tung không lâu sau khi được phóng lên. Tuy nhiên, thất bại này chắc chắn sẽ không làm cuộc đua vào không gian của các công ty tư nhân giảm bớt sức nóng.

Nếu như trước đây, công nghệ vũ trụ chỉ là lĩnh vực dành riêng cho chính phủ các cường quốc thì nay, thị trường đã được mở ra đối với khối tư nhân, đặc biệt là ở Mỹ. Được khơi nguồn cảm hứng từ thành công của SpaceX do tỉ phú Elon Musk thai nghén, ngành công nghiệp thương mại vũ trụ trên toàn cầu đã tăng trưởng gấp 6 lần kể từ năm 2010, đạt con số hơn 800 công ty vào thời điểm hiện tại, theo hãng nghiên cứu NewSpace Global. Đến cuối năm nay, dự kiến tổng mức đầu tư vào lĩnh vực này sẽ đạt 10 tỉ USD. Trong đó, SpaceX dẫn đầu với 1 tỉ USD vốn từ Google và một nhà đầu tư lớn khác.

“Nhiều doanh nhân ngày nay từng lớn lên vào thời điểm các quốc gia bắt đầu chạy đua chinh phục vũ trụ, nên khám phá không gian cũng là ước mơ của họ bấy lâu nay. Đến khi các nhà đầu tư nghe mùi tiền từ những cơ hội này, càng có nhiều công ty tham gia vào cuộc đua mới”, Steve Jurvetson, nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Mỹ, giải thích.

Đương nhiên, không phải công ty tư nhân nào tham gia vào ngành công nghiệp thương mại vũ trụ cũng có khả năng phóng tàu không người lái chở hàng và kinh doanh du lịch không gian như SpaceX. Đối với các hãng quy mô khiêm tốn hơn, cơ hội của họ sẽ đến từ việc thiết kế, sản xuất vệ tinh, phóng lên không gian với chi phí thấp và kinh doanh những dữ liệu thu được.

Planet Labs của Mỹ là một ví dụ. Thành lập năm 2010, đến nay, công ty tư nhân này đã thu hút được hơn 160 triệu USD vốn đầu tư và phóng thành công 73 vệ tinh kích thước tí hon cỡ lòng bàn tay lên vũ trụ.

Ở quy mô nhỏ hơn nữa còn có hãng Accion Systems do hai cựu sinh viên MIT sáng lập năm 2014, thu hút được 2 triệu USD vốn ban đầu để nghiên cứu chế tạo động cơ đẩy cho vệ tinh nhỏ. Hay như hãng Spire ở San Francisco đã gọi được 25 triệu USD hồi năm ngoái để phóng 20 vệ tinh cỡ nhỏ cho phép theo dõi các tuyến vận tải và thời tiết.

Dù vậy, rót vốn cho những công ty vũ trụ cũng có nhiều điểm tương đồng với chuyện đầu tư mạo hiểm vào các khởi nghiệp công nghệ. Năm ngoái, khi Google chi ra 500 triệu USD tiền mặt để mua lại Skybox Imaging, công ty này mới chỉ phóng thành công được 1 vệ tinh.

“Quy trình định giá những thương vụ như vậy không đặt nặng vấn đề công nghệ, mà quan trọng là tiềm năng của việc phóng vệ tinh giá rẻ có hiệu suất thu thập dữ liệu ổn định. Lượng thông tin thu về sẽ được thương mại hóa. Nhưng vẫn chưa rõ liệu mô hình kinh doanh có bền vững và sẽ thành công hay không”, John Roth, phụ trách bộ phận vũ trụ của hãng Sierra Nevada, nhận định.

Không chỉ vậy, nguy cơ thiệt hại mà các hãng công nghệ không gian luôn phải chấp nhận cũng là rất đáng kể. Trước vụ nổ tên lửa Falcon 9 của SpaceX mới đây, Planet Labs cũng từng mất cùng lúc 26 vệ tinh trong lần phóng thất bại vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, cơ hội vẫn rất hấp dẫn.

“Lĩnh vực không gian đang trải qua thời kỳ giống như internet vào những năm 1990. Từ chỗ chỉ được đầu tư bởi chính phủ, ngành này đã được mở ra cho tư nhân. Và chính tư nhân đã góp phần hạ giá thành dịch vụ xuống. Thị trường cũng rất rộng, riêng mảng kinh doanh dữ liệu thời tiết cũng đã đáng giá hàng tỉ USD rồi”, Stephen Messer, người rót vốn đầu tiên vào hãng Spire, nói.

Phương Hà


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới