Hủy
Công Nghệ

Fintech: Buôn tài không bằng dài vốn

Huy Vũ Thứ Ba | 01/11/2016 07:30

Liệu mô hình so sánh sản phẩm tài chính có thể thành công ở Việt Nam, khi mà các nguồn thu còn khá hạn chế?
 

Dịch vụ BankGo vừa ra mắt và công bố nhận được khoản đầu tư cá nhân. GoBear (Singapore) đang rốt ráo chuẩn bị vào thị trường Việt Nam. CompareAsiaGroup (Hồng Kông) cũng phát đi thông báo sẽ sớm hoạt động ở thị trường Việt Nam. Cả 3 tên tuổi này đều là đại diện đình đám cho các doanh nghiệp fintech (công ty công nghệ tài chính) cung cấp dịch vụ so sánh tài chính ở Việt Nam.

BankGo đóng vai trò là kênh so sánh các sản phẩm tài chính trong lĩnh vực tín dụng cá nhân, nguồn thu là khoản hoa hồng từ những giao dịch thành công. Ông Vũ Việt Hưng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của BankGo, nhận định trước khi nhận vốn, giá trị của BankGo là 3 triệu USD. Dù thông tin là phiên bản thử nghiệm nhưng qua trao đổi với báo giới, ông Hưng cho biết tổng giá trị các khoản vay được đăng ký trên hệ thống đã đạt mốc 250.000USD.

Theo website e27, BankGo hoạt động tương tự CompareAsiaGroup và BankBazaar (Ấn Độ).

Theo đó, CompareAsiaGroup là một trong những dịch vụ so sánh tài chính khá nổi tiếng ở châu Á. Công ty đã có mặt ở Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Thái Lan. CompareAsiaGroup hiện sở hữu website MoneyHero.com.vn ở Việt Nam nhưng chưa chính thức hoạt động. Thành lập vào năm 2013, tính đến nay, CompareAsiaGroup đã được đầu tư 46 triệu USD và được định giá khoảng 120 triệu USD.

Trong khi đó, GoBear chú trọng việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm các sản phẩm tài chính của người dùng. Với định hướng tạo ra một nền tảng, không tổng hợp thông tin cũng không bán sản phẩm, GoBear chỉ cung cấp cho người sử dụng một công cụ so sánh mang tính dựa trên nhu cầu tài chính của họ. Sau gần 2 năm thành lập, GoBear hiện có 4 triệu người sử dụng ở Singapore, Thái Lan, Philippines, Hồng Kông và Malaysia. Chiến lược của Công ty trong thời gian tới là mở rộng thị trường sang Indonesia và Việt Nam.

Không khó hiểu khi Việt Nam trở thành điểm nóng trong mắt 3 doanh nghiệp trên. Theo thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, năm 2010 cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ, đến năm 2015, con số này đã tăng gấp đôi. Giới trẻ Việt Nam có xu hướng mua sắm nhiều hơn, họ cần các giải pháp giúp việc giải quyết thủ tục cho vay được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn so với cách truyền thống. Đây chính là thế mạnh của BankGo, GoBear hay CompareAsiaGroup.

 Fintech: Buon tai khong bang dai von
Ông Vũ Việt Hưng, CEO của BankGo. Ảnh: techinasia.com

Hệ sinh thái các lĩnh vực liên quan fintech vẫn còn nhỏ với khoảng 30 công ty, nhưng đây là một trong những xu hướng đầu tư hấp dẫn các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Mặc dù vậy, sự thành công của mô hình so sánh các sản phẩm tài chính thực sự là một ẩn số. Không chỉ ở Việt Nam, mà cả các doanh nghiệp trong khu vực cũng đang gặp phải vấn đề này. Chẳng hạn, BankBazaar của Ấn Độ hiện là kênh bán hàng cho các ngân hàng như ICICI, HDFC, Axis… và 2 công ty bảo hiểm là India Assurance và Aegon Religare. Các khách hàng ở Ấn Độ muốn vay từ các ngân hàng tư nhân nói trên phải thông qua một  trang web được duy trì bởi BankBazaar. Tuy nhiên, Công ty không thể kiếm thêm thu nhập từ quảng cáo ngoài việc chia hoa hồng từ các hợp đồng tín dụng thành công vì chỉ có các ngân hàng mới có thể quảng cáo trên đây.

Đã vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể chuyển qua một doanh nghiệp có dịch vụ tương tự BankBazaar. Điều BankBazaar có thể làm tốt nhất là trở thành hệ thống bán hàng trực tuyến cho các ngân hàng với chi phí hoa hồng, theo giới phân tích là không nhiều. Tuy nhiên, các nhà sáng lập BankBazaar vẫn duy trì hệ thống này vì qua đó, Công ty có thể hiểu được khách hàng nhiều hơn, từ đó hợp tác với các ngân hàng đưa ra các gói vay có lãi suất phù hợp với từng nhóm, thậm chí là từng khách hàng.

Nhưng từ khi thành lập từ năm 2008, Công ty được rót vốn hai lần vào năm 2011 và 2014, với tổng số tiền hơn 100 triệu rupee và vẫn chưa có lãi. BankBazaar từng kỳ vọng sẽ hòa vốn vào năm 2013 nhưng không thành. Đến đầu năm 2014, Giám đốc Điều hành Adhil Shetty của BankBazaar lại nhắc đến vấn đề này một lần nữa và khẳng định Công ty đang đến gần điểm hòa vốn. Tương tự, CompareAisaGroup vẫn trong giai đoạn phát triển và vừa được các nhà đầu tư rót thêm 40 triệu USD hồi tháng 4 năm ngoái để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tại thị trường Việt Nam, các vấn đề BankBazaar gặp phải có thể xảy ra. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, các công ty như BankGo, GoBear hay CompareAsiaGroup trong thời gian tới chỉ có nguồn thu duy nhất từ hoa hồng cho các hợp đồng thành công. Việc tìm kiếm thu nhập từ quảng cáo của các ngân hàng là không đảm bảo vì chỉ cần một doanh nghiệp không thu phí ngân hàng, số còn lại buộc phải miễn phí để giữ chân nhóm khách hàng này. Còn thu phí khách hàng là điều không thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các công ty fintech cung cấp dịch vụ so sánh các sản phẩm tài chính sẽ phải đầu tư rất nhiều về công nghệ phân tích dữ liệu, để có thể hiểu rõ khách hàng từ đó đề xuất các khoản vay hiệu quả cho ngân hàng. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm lên ứng dụng di động để phục vụ khách hàng cũng tiêu tốn chi phí không nhỏ.

Cuối cùng, những công ty dẫn đầu thị trường này như BankBazzar hay CompareAsiaGroup đang ráo riết mở rộng hoạt động kinh doanh ở các thị trường khác để tăng giá trị công ty. Qua đó, buộc các doanh nghiệp khác phải chạy đua để cạnh tranh. Ở góc độ này, các doanh nghiệp Việt Nam như BankGo có vẻ yếu thế hơn, nên phải phát triển nhanh ra các nước trong khu vực hoặc chấp nhận bị thôn tính một ngày không xa.

Huy Vũ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới