Ngân hàng “giống” bội thu
europeanspermbank.com
Lướt qua các website ghi rõ danh tính của người hiến tinh trùng có cảm giác giống như đang hẹn hò qua mạng. “Sanford là trọn gói như thế”, bắt đầu bằng một mẫu quảng cáo trực tuyến, mô tả anh có đôi mắt xanh sắc sảo và khuôn mặt mạnh mẽ. Với bằng tài chính và “phong cách ứng xử tao nhã, quyến rũ”, anh không chỉ là một khuôn mặt đẹp. Bạn có thể nghe được tiếng nói của Sanford do anh ghi âm. Nếu tất cả những đặc điểm này khiến bạn “động lòng”, bạn có thể mang thai đứa con của anh ấy mà không phải... mắc công đi hẹn hò. Với giá 635 USD, Seattle Sperm Bank (SSB), một ngân hàng tinh trùng, sẽ gửi đến bạn một lọ nhỏ chứa tinh trùng được đông lạnh của Sanford, giúp bạn thỏa mãn ước mơ có em bé.
Hiện các khách hàng chính của nhiều ngân hàng tinh trùng đều là phụ nữ độc thân và thực tế này đã giải thích cho chiêu marketing của Sanford cũng như nhiều website quảng cáo. “Họ (phụ nữ độc thân) thường là đối tượng có trình độ học vấn cao, thiếu kiên nhẫn và rất kén chọn”, Ole Schou, nhà sáng lập Cryos International, ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới có trụ sở đặt tại Đan Mạch, nhận xét. Website của Cryos được thiết kế giống với Match.com, một trang web hẹn hò, bởi vì “tìm một người hiến tinh trùng gần như chẳng khác gì tìm một người bạn đời”.
Ở bên ngoài văn phòng Cryos, luôn có một dòng người lũ lượt tiến vào phòng hiến tinh trùng. Sau khi họ làm xong “phận sự”, các kỹ thuật viên phòng lab làm các xét nghiệm và lọc mẫu theo chất lượng. Các mẫu tinh trùng được dán nhãn, đông lạnh và cất trữ ở trong 5 bể chứa nitrogen lỏng rất to ở nhiệt độ -196°C. Một khi có đơn đặt hàng, những mẫu này sẽ được chuyển đến các địa chỉ yêu cầu, phòng khám và các ngân hàng tinh trùng khác ở hơn 100 quốc gia.
Các ngân hàng tinh trùng thương mại như Cryos và SSB là một phần quan trọng của thị trường phục vụ nhu cầu sinh con đẻ cái đầy béo bở. Ngành ngân hàng tinh trùng toàn cầu có thể trị giá gần 5 tỉ USD đến năm 2025, theo Grand View Research. Và đáng nói là nhu cầu đang ngày càng tăng cao. Một phần vì những khách hàng ở các quốc gia giàu có đang lần lữa chuyện có con, kết quả là gặp khó khăn trong việc hoài thai. Nhưng một lý do còn quan trọng hơn là ngày càng nhiều nơi trên thế giới chấp nhận (cả về mặt luật pháp và xã hội) cho các cặp đồng tính nữ và phụ nữ độc thân có con. Những nhóm này hiện chiếm lần lượt 60% và 90% lượng khách hàng tại Cryos International và SSB.
Khi nhu cầu gia tăng, giới chính khách và các cơ quan điều hành luật pháp đều nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát tốt hơn thị trường này. Kết quả là hàng loạt các quy định ra đời, ảnh hưởng đến cả nguồn cung lẫn nguồn cầu. Tại một số nước như Anh và Hà Lan, những trường hợp hiến tinh trùng giấu tên đều bị cấm, góp phần khiến cho lượng cung hàng bị thiếu hụt. Ở những nước khác như Pháp và Tây Ban Nha, người hiến phải giấu tên. Ở Canada, luật pháp không cho phép trả tiền cho người cung cấp tinh trùng. Còn ở hầu hết các nước châu Âu, chỉ cho phép thanh toán các khoản chi phí của người hiến tinh trùng. Mỹ thì lại không có hạn chế đối với tiền thù lao trả cho người hiến.
Đối với người mua, nhiều người mong đợi luật pháp cho phép rút ngắn thời gian chờ nhận tinh trùng và giá cả thấp hơn hoặc làm các xét nghiệm kỹ càng hơn cũng như cung cấp thông tin nhiều hơn về người hiến. Họ cũng mong đợi luật pháp nước họ cởi mở hơn đối với việc nhận tinh trùng. Tại Hồng Kông và Thụy Sĩ, chẳng hạn, chỉ những cặp vợ chồng khác giới đã kết hôn mới hội đủ tiêu chuẩn được nhận tinh trùng của người hiến. Tại Pháp, những cặp đồng tính nữ và phụ nữ độc thân thì không được.
Những mớ quy định luật pháp này mang lại cơ hội cho những ai có thể xuất khẩu tinh trùng. Nhờ công nghệ đông lạnh, internet và các hãng vận chuyển như DHL, “hạt giống” chất lượng cao đã được giao dịch rất sôi động. Mặt khác, nhiều khách hàng cần từ 6-10 lọ tinh trùng mới có thể thụ tinh thành công và vì nhiều người cũng muốn có thêm em trai hoặc em gái cho con mình nên nhu cầu càng lớn.
Hiện tại, do lo ngại chi phí gia tăng và những vấn đề liên quan đến pháp luật, các phòng khám y khoa đã rời bỏ ngành kinh doanh béo bở này, để lại cơ hội cho các ngân hàng tinh trùng thương mại như Cryos và SSB nhảy vào. “Chúng tôi cung cấp những người hiến chất lượng cao nhất, tạo ra những đứa trẻ an toàn nhất có thể và những gia đình hạnh phúc nhất”, Fredrik Andreasson, Giám đốc Tài chính SSB, cho biết. SSB không chỉ tập trung vào những người hiến khỏe mạnh mà còn “có giá” như bác sĩ. Ngân hàng này tuyên bố chỉ tiếp nhận 1% trong tổng số người đến hiến và chú trọng làm các xét nghiệm đối với những căn bệnh về di truyền nhiều hơn bất kỳ ngân hàng nào khác.
Trong thập niên vừa qua, giá tinh trùng đã tăng gần gấp đôi tại nhiều ngân hàng. London Sperm Bank hiện tính mức giá 950 bảng Anh (1.261USD) mỗi lọ tinh trùng. Tại Cryos, những lọ giấu tên rẻ nhất có giá khởi điểm 40euro (48USD); loại chất lượng cao nhất có ghi rõ tên tuổi người hiến cùng với các xét nghiệm cộng thêm và nhiều thông tin hơn thì có giá lên tới 1.600euro. Các khách hàng có thể được “độc quyền tiếp cận” bằng cách mua đứt mẫu của người hiến với giá 12.000-30.000 euro. Các ngân hàng Mỹ có xu hướng tính thêm phí nếu khách hàng yêu cầu thêm thông tin. Chẳng hạn, muốn xem một bức hình hoặc nghe giọng của người hiến thì mức phí trả thêm là 25USD.
Đối với cặp đồng tính nữ Amy Graves và Claire Harrison, đến từ Anh, thông tin Cryos cung cấp về người hiến là rất quan trọng. “Khi tôi mang thai đứa bé, chúng tôi muốn biết những đặc điểm tương tự giữa người hiến và Claire. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi”, Graves cho biết. Cặp đồng tính nữ này đã quyết định chọn tinh trùng của một người hiến rất yêu đá banh giống như Claire, yêu thích võ thuật giống Amy, thích màu đỏ giống Claire và sở hữu một khuôn mặt có vài phần giống Claire.
Việc thương mại hóa tinh trùng hay trứng có thể khiến cho nhiều người cảm thấy khó chịu. Các ngân hàng tinh trùng thường tránh né khi nói về biên lợi nhuận. Dù vậy, có thể làm ước tính sơ bộ như sau: nếu một người hiến được trả 100USD mỗi mẫu, thường được chia ra thành nhiều nhất là 5 lọ, được bán với giá 500-1.000USD mỗi lọ, thì ước tính lợi nhuận sau khi trừ chi phí là một khoản rất béo bở.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Xuân Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuệ Anh (Nguồn: TTX)