Hủy
Công Nghệ

Nikkei: Apple tính dịch chuyển một phần lớn sản xuất từ Trung Quốc tới Đông Nam Á

Mạnh Đức Thứ Tư | 19/06/2019 17:31

Ảnh: Dancing Astronaut.

Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của mình đánh giá tác động chi phí của việc chuyển dịch 15%-30% sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Đông Nam Á.
 

"Táo khuyết" đang chuẩn bị thực hiện tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng của mình, Nikkei Asian Review (Nikkei) cho hay.

Yêu cầu của gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại California đã được kích hoạt bởi căng thẳng thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng nhiều nguồn tin nói rằng ngay cả khi thương chiến được giải quyết, điều này vẫn sẽ được tiến hành. Apple đã nhận định rằng những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất tại Trung Quốc là quá lớn và thậm chí đang tăng lên, Nikkei trích nguồn thạo tin cho hay.

"Tỷ lệ sinh giảm xuống, chi phí lao động cao hơn và rủi ro khi tập trung hoạt động sản xuất quá mức tại một quốc gia. Những yếu tố bất lợi này sẽ khó lòng được giải quyết", một giám đốc điều hành am hiểu tình hình nói với Nikkei. "Có hoặc không có vòng áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Apple vẫn sẽ tuân theo xu hướng lớn [dịch chuyển sản xuất để đa dạng hóa]," cho phép bản thân linh hoạt hơn, nguồn tin của Nikkei nói thêm.

Trung Quốc là cơ sở sản xuất chủ chốt, khởi nguồn cho thành công toàn cầu của Apple trong hai thập kỷ qua. Đất nước này không chỉ là nơi có thể cung cấp hàng trăm ngàn công nhân lành nghề trong thời gian ngắn, để đáp ứng các đơn đặt hàng tăng nhanh khi công ty phát triển, mà còn cung cấp một hệ sinh thái rộng lớn và phức tạp với nhà cung ứng thành phần, hậu cần và tài năng đã được xây dựng trong và xung quanh các địa điểm sản xuất của Apple.

Nikkei: Apple tinh dich chuyen mot phan lon san xuat tu Trung Quoc toi Dong Nam A
Số lượng nhà cung cấp cho Apple tại Trung Quốc hiện đã nhiều hơn từ Mỹ.

Các nhà cung cấp thừa nhận rằng việc sao chép mạng lưới nhà cung cấp như trên tại nơi khác sẽ cần thời gian và Trung Quốc có thể sẽ vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Apple trong tương lai gần. "Đó thực sự là một nỗ lực lâu dài và phải 3 năm tới mới cho ra một vài kết quả," một nhà cung cấp cho biết. "Thật đau đớn và khó khăn, nhưng đó là điều chúng tôi phải đối mặt".

Nhưng cuộc chiến thương mại đã khiến Apple lần đầu tiên nghiêm túc xem xét việc đa dạng hóa rộng lớn, nhiều nguồn thạo tin nói với Nikkei. Cũng theo những nguồn thạo tin này, vào cuối năm ngoái, công ty đã bắt đầu mở rộng cái gọi là nhóm nghiên cứu chi phí vốn. Đội ngũ hơn 30 người của Apple đang thảo luận về kế hoạch sản xuất với các nhà cung cấp và đàm phán với các chính phủ về các ưu đãi tài chính mà họ sẵn lòng cung cấp để thu hút sản xuất của Apple, cũng như các quy định và môi trường kinh doanh địa phương.

Các nhà lắp ráp iPhone chính như Foxconn, Pegatron, Wistron, nhà sản xuất MacBook lớn như Quanta Computer, nhà sản xuất iPad, Compal Electronics và các nhà sản xuất AirPods Inventec, Luxshare-ICT và Goertek đều được yêu cầu đánh giá các lựa chọn bên ngoài Trung Quốc, Nikkei trích dẫn các nguồn thạo tin cho hay. Nhiều nhà cung cấp khác của Apple cũng đang theo dõi động thái của các nhà cung cấp lớn này để dịch chuyển theo.

"Chúng tôi cần biết những nhà lắp ráp lớn này đang hướng tới đâu để chúng tôi cũng có thể bắt đầu kế hoạch của mình", một giám đốc tại một nhà cung cấp linh kiện của Apple nói với Nikkei.

Mặc dù Wistron, nhà cung cấp của Apple, đã lắp ráp iPhone giá rẻ ở Ấn Độ kể từ năm 2017 và Foxconn đã bắt đầu làm điều đó từ năm nay, sản lượng vẫn là rất nhỏ. Hơn 90% sản phẩm của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc. Năm ngoái, lần đầu tiên số lượng các nhà cung cấp ở Trung Quốc và Hồng Kông đã vượt qua các nhà cung cấp ở Mỹ và Nhật Bản, chiếm 41 trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu cho Apple, theo nghiên cứu của Nikkei.

Các quốc gia đang được xem xét để đa dạng hóa bao gồm Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ấn Độ và Việt Nam là những địa điểm yêu thích của Apple để đa dạng hóa mảng sản xuất điện thoại thông minh của mình, Nikkei trích dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Apple đã không đặt ra thời hạn cho các nhà cung cấp để gút lại các đề xuất kinh doanh của họ. Cả hai bên đang làm việc cùng nhau để xác định các ưu đãi có lợi nhất dành cho mình và xem xét môi trường kinh doanh bên ngoài Trung Quốc.

Nikkei: Apple tinh dich chuyen mot phan lon san xuat tu Trung Quoc toi Dong Nam A
Các địa điểm sản xuất chủ chốt của Apple. Ảnh: Nikkei.

Nhưng dường như không có nơi nào có thể chào mời điều kiện tốt hơn là những gì Trung Quốc đang cung cấp. Đầu những năm 2000, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng như nước, tiện ích, đường xá và thậm chí là ký túc xá cho công nhân. Họ cũng cung cấp các quy trình xuất nhập khẩu được đơn giản hóa, và nới lỏng các quy định về lao động. "Tất cả những gì Apple phải làm là đưa ra quyết định và việc sản xuất có thể được điều chỉnh trơn tru ở Trung Quốc", nguồn thạo tin nói với Nikkei.

► Apple và đối tác sẽ khó lòng di dời khỏi Trung Quốc?

► Dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam

Các quốc gia khác, với cơ sở hạ tầng kém phát triển, có thể khó lòng đáp ứng các ưu đãi như vậy. Một số nhà cung cấp đã dành "ba đến năm tháng để đánh giá một địa điểm", chỉ để sau đó phát hiện ra rằng nơi đó có nguy cơ thiếu điện, Nikkei trích một nguồn thạo tin cho biết.

Sẽ mất ít nhất 18 tháng để bắt đầu sản xuất sau khi chọn địa điểm, cũng theo các nguồn thạo tin này. "Dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple rất phức tạp và khi bắt đầu, họ sẽ chỉ tiến hành với sản lượng nhỏ để kiểm tra", một giám đốc điều hành nói với Nikkei.

Nguồn Nikkei Asian Review


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới