Hủy
Công Nghệ

“Trò chơi vương quyền” của những gã khồng lồ trực tuyến

Thứ Bảy | 08/12/2012 08:29

Cuộc chiến giữa những người khổng lồ công nghệ giống như thời trung cổ hỗn mang nơi tương lai, dù chắc chắn tươi sáng, vẫn bất định về thời gian.
 

Đây là một câu chuyện đậm chất sử thi về cuộc chiến tại miền đất lạ và đổi thay liên tục, câu chuyện về tập kích và bao vây, âm mưu và phản trắc, về vinh quang chiến địa và sự xảo trá của đồng tiền.

Loạt tiểu thuyết giả tưởng “Bài ca của nước và lửa” nổi tiếng của George R.R. Martin khởi đầu với tập "Trò chơi vương quyền", mà HBO chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài tập rất ăn khách, đưa ra một trải nghiệm dạng nhập vai vào một thế giới xa lạ, vốn luôn là thứ quen thuộc với dân công nghệ.

Google, Apple, Facebook và Amazon đang chẹt cổ nhau bằng mọi cách

Thung lũng Silicon tuy chẳng có rồng lửa hay ma sói, nhưng câu chuyện của Martin về một thế giới đã mất đi những ông vua phản ánh thực tại ngành công nghệ hiện nay, nơi các chiến tuyến giữa bốn công ty lớn nắm giữ phần lớn người dùng của thế giới công nghệ theo cách này hay các khác - Google, Apple, Facebook và Amazon - diễn ra liên tục và cuồng bạo.


Steve Jobs, vị vua của Apple ra đi hồi năm ngoái đã lấy mất của giới công nghệ một thứ gì đó gần giống nhất với thứ mà một vương quốc phải có. Nhưng ngay từ trước khi Jobs qua đời, căng thẳng cũng đã ngày càng tăng giữa bộ tứ quyền lực của thế hệ web khi sự khởi đầu của điện toán di động đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực trước đó.

Ngành công nghệ có một lịch sử tranh đấu khắc nghiệt: IBM và Apple trong thập niên 80, Microsoft và Netscape trong những năm 90. Nhưng hình thái cạnh tranh trên thị trường ngày nay thậm chí còn đa dạng và phức tạp hơn vì công nghệ thay đổi chóng mặt và còn có thêm dấu ấn cá nhân.

Ba trong bốn ông lớn vẫn đang được dẫn dắt bởi các tỉ phú sáng lập hoặc đồng sáng lập nên đế chế của họ. Tại Amazon là Jeff Bezos, Larry Page và Sergey Brin của Google cùng với Mark Zuckerberg ở Facebook. Và dù Steve Jobs không còn dẫn dắt Apple nữa, chính ông đã chuẩn bị để Tim Cook trở thành người kế nhiệm mình. "Trong lịch sử công nghệ chúng ta chưa từng chứng kiến một nhóm các nhà điều hành và nhà sáng lập mang tính gắn kết như vậy", trích lời một nhân vật trong giới đầu tư mạo hiểm.

Giới công nghệ cũng chưa từng chứng kiến các hãng có tuổi đời non trẻ, đầy hăng hái và có sức mạnh tài chính lớn tới mức này khi Apple, kẻ già đời nhất trong bộ tứ cũng mới chỉ được lập nên vào năm 1976.


Mỗi công ty trong số này đã phát triển một mô hình kinh doanh đầy sức mạnh. Google đã biến tìm kiếm thành một cỗ máy in tiền khổng lồ bằng cách gắn vào quảng cáo. Facebook đang trên đường làm điều tương tự với việc biết rõ sở thích và các mối quan hệ trên mạng xã hội. Amazon biến việc đặt hàng hóa online trở nên rẻ và tiện dụng còn Apple kiếm bộn tiền nhờ việc bán các món đồ công nghệ đẹp mắt với mức giá rất cao.

Các công ty này đã có tiền để vận hành cỗ máy chiến tranh của họ. Cả bốn đều lớn mạnh khi công nghệ tính toán đồng nghĩa với thứ gì đó đặt trên bàn hay cùng lắm là một chiếc laptop. Giờ đây, cũng giống như tại vương quốc giả tưởng Westeros, nơi mà người đọc luôn được nhắc nhở rằng "đông dài đang tới", người dùng trong thế giới thực có lẽ sẽ thấy thế giới của họ đang thay đổi mạnh mẽ.

Điện thoại lên ngôi

Khi internet di động và điện toán đám mây trở nên phổ biến, ranh giới giữa lãnh địa và chiến lược của các công ty cũng bị xóa nhòa. Sự pha trộn giữa cơ hội và thách thức đã khiến bốn ông lớn dồn sức lực để tấn công sang các lĩnh vực khác, đôi khi là khoảng đất trống, đôi khi là lãnh địa của các hãng khác. Và họ chẳng phải là những kẻ duy nhất trong cuộc xung đột này.

Hàng loạt công ty khởi nghiệp như Twitter với dịch vụ tiểu blog hay Square trong thanh toán di động đều tìm cách có được chỗ đứng để từ đó hy vọng được bốn ông lớn mua lại hay tự tìm lấy quyền lực của mình.

Ngoài ra cũng không nên quên một đế chế lâu đời là Microsoft, kẻ đã cho ra đời chiếc máy tính bảng đầu tiên của mình thời gian gần đây và đang cố gắng mạnh mẽ để trở lại cuộc chơi sau khi đã quá để tâm tới lợi nhuận từ mảng phần mềm máy tính suốt nhiều năm.

Tuy vậy, trận chiến giữa bốn ông lớn sẽ có ảnh hưởng quyết định tới cách con người tìm kiếm thông tin, tiêu thụ nội dung và mua sắm cũng như tới việc ai sẽ kiếm được tiền.

Chiến trường của họ, cũng giống như hầu hết các chiến trường, hỗn loạn và rắc rối. Và có rất nhiều chiến trường như vậy. Apple và Google đã so gươm trên mặt trận hệ điều hành cho smartphone và máy tính bảng. Hai hãng này với Amazon lại đụng đầu trong lĩnh vực phần cứng.

Google và Facebook là kẻ thù trên lĩnh vực mạng xã hội và nhiều đối thủ thậm chí còn xâm nhập vào ngành thương mại điện tử vốn là pháo đài của Amazon.

Dù cố gắng xâm nhập vào những lĩnh vực mình chưa phải là tay chơi lớn, các công ty trên đều có thành trì cần bảo vệ. Với Google, đó là cỗ máy tìm kiếm đem lại lợi nhuận lớn cho họ và công ty vẫn tiếp tục đổ tiền vào để nâng cấp cỗ máy này. Bên cạnh đó, Google cũng gia cố lại tường thành bằng việc mua các dịch vụ tìm kiếm khác như ITA Software, hãng cung cấp dữ liệu về các chuyến bay và thông tin du lịch.

Công cụ tìm kiếm và công cụ bao vây

Sẽ chẳng dễ dàng gì nếu muốn cướp miếng bánh lớn này từ tay Google nhưng những người khổng lồ internet khác đều mơ ước giật được một mảnh. Có thể mối đe dọa lớn nhất tới từ Apple dù hai hãng từ có mối quan hệ bền chặt kỳ lạ, tới mức Eric Schmidt, người sau đó trở thành CEO của Google lại từng ngồi trong bản quản trị của Apple từ năm 2006 tới 2009. Giờ đây họ đấu với nhau quyết liệt không kém gì các cuộc phân tranh trong tác phẩm của George Martin.

Trung tâm chính là cuộc chiến hệ điều hành di động. Một bên là iOS, trái tim của iPhone và iPad trong khi bên kia là Android, hệ điều hành mã nguồn mở được hàng loạt hãng như Samsung và HTC sử dụng.

Google mua lại hãng tạo ra Android năm 2005 trong một động thái phòng ngự, khi mà họ lo ngại rằng công cụ tìm kiếm và các dịch vụ khác sẽ bị đối thủ loại khỏi các thiết bị di động.

Kể từ đó, Android đã trở thành đối thủ ghê gớm của iOS. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, Android chiếm 3/4 trong số 181 triệu smartphone xuất xưởng trong quý 3 năm nay. Google trong khi đó tuyên bố họ kích hoạt 1,3 triệu thiết bị Android mỗi ngày.

Điều Google coi là hệ thống mở thông minh với Apple lại là lời tuyên chiến, từ đó dẫn tới việc Steve Jobs từng dọa sẽ dùng "chiến tranh hạt nhân" để hủy diệt Android.

Dịch vụ trợ lý ảo Siri chính là một phần của cuộc tấn công khi khi chương trình này cho phép người dùng tìm kiếm bằng giọng nói và cung cấp thông tin bất cứ lúc nào. Quyết định loại bỏ Google Maps khỏi iOS và thay bằng ứng dụng bản đồ tự phát triển cũng là một cách để Apple thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào dịch vụ của Google.

Một số chuyên gia cho rằng Amazon cũng là một mối đe dọa trong cuộc chiến tìm kiếm. "Google từng là kẻ thu phí cầu đường trên đại lộ dẫn tới Amazon," trích lời một nhà phân tích công nghệ lâu năm. "Giờ đây người ta ngày càng bỏ qua chuyện đó và tới thẳng Amazon để tìm và mua đồ." Số liệu cho biết 30% người mua hàng online tại Mỹ tìm sản phẩm trực tiếp tại website Amazon chỉ ra rằng chuyên gia này nói có lý. Facebook cũng được đồn đại là đang phát triển công cụ tìm kiếm xoay quanh mạng xã hội khổng lồ của mình và ngay thời điểm này, họ cũng đã xử lý hàng tỷ câu hỏi mỗi ngày của người dùng khi tìm bạn bè và các thứ khác.

Apple lại tranh đấu với Amazon trên một mặt trận khác để trở thành nhà cung cấp nội dung online tốt nhất. Sau khi ra mắt iPod, Apple đã có một vị trí mà họ cũng không ngờ tới với gian hàng nhạc số iTunes.

Các nội dung tại đây giúp tăng doanh số bán iPod và ngược lại, dẫn tới việc họ trở thành đối thủ mới của Amazon, hãng xuất thân từ một cửa hàng sách giữa những năm 90 nhưng sau đó nhanh chóng đa dạng hóa bản thân, bán thêm đĩa CD và giờ đây là quần áo, đồ gia dụng và nói chung là tất cả mọi thứ. Nhưng cũng cần nhớ là năm ngoái, 37% trong số 48 tỉ USD doanh thu của Amazon tới từ nội dung số.


Màn so gươm khó khăn nhất giữa họ là với ebook. Amazon chiếm 2/3 thị trường ebook tại Mỹ năm ngoái còn Apple chỉ có 5% nhưng đã lôi kéo được một số nhà xuất bản với chiến lược rất quyết liệt, đó là cho phép các nhà xuất bản tự đặt giá sách thay vì phải theo chuẩn nhất định như chính sách Amazon đang thi hành. Với nhạc số, tình hình lại ngược lại khi dịch vụ của Amazon đang quá thất thế trước thị phần khổng lồ của iTunes. Cả hai lại đang phải chạy theo Netflix trong mảng cung cấp video trực tuyến.

Bậc thầy về nội dung

Facebook và Google cho tới giờ chưa đầu tư nhiều vào mảng này dù cả hai đều biết tầm quan trọng của nó. Chiến lược của Facebook là biến mạng xã hội thành trung tâm cho nội dung của các hãng khác.

Chẳng hạn, họ hợp tác với Netflix và Spotify, một công ty cung cấp nhạc trực tuyến, để người dùng có thể chia sẻ những gì họ đang nghe hay đang xem với bạn bè. Dịch vụ Youtube của Google dẫn đầu thế giới về nội dung do người dùng tự sản xuất nhưng công ty vẫn chưa thể cạnh tranh với cả Amazon và Apple về nội dung đa phương tiện khác.

Vào tháng 3, Google đã tập hợp các dịch vụ nhạc số, ebook và ứng dụng thành một thể thống nhất là Google Play nhằm tập trung nguồn lực. Tuy vậy, không phải nỗ lực nào của Google cũng thành công như với Android, chẳng hạn họ đã tấn công mạnh vào pháo đài mạng xã hội của Facebook mà vẫn chưa đem lại gì đáng kể và Google Play cũng chưa có tiếng vang lớn.

Trong số các thành phần của Google Play có gian hàng ứng dụng di động vốn từng là một dịch vụ riêng. Những người khổng lồ khác cũng đưa ra dịch vụ tương tự và đây là một cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng để cung cấp trải nghiệm tốt nhất khi làm việc với thiết bị di động.

Cuộc tam hùng phân tranh này diễn ra giữa Apple, Amazon và Google. Cả 3 đều sản xuất thiết bị, thiết lập hệ điều hành và có gian hàng ứng dụng của riêng mình. Trong đó Apple là kẻ đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của hệ sinh thái trên khi kết hợp iPod với iTunes và nhờ vậy chiếm ưu thế.

Lợi nhuận từ việc bán iPhone cao tới mức họ chiếm 60% tiền lãi của ngành công nghiệp điện thoại thông minh trong quý III/2012 dù chỉ chiếm 16% số điện thoại xuất xưởng trong cùng thời gian.


Nhưng hiện tại Apple đã phải cạnh tranh với các đối thủ có nhiều cách kiếm tiền khác nhau. Amazon tạo ra máy đọc sách và máy tính bảng Kindle, các thiết bị dùng một phiên bản Android được sửa đổi để phù hợp với thiết bị hơn. Sau đó họ bán máy với giá gần như giá gốc. Nếu Apple dùng iTunes để bán iPod, Amazon lại dùng máy tính bảng của họ để bán mọi thứ trên đời.

Kế hoạch dành cho nền tảng của Google vẫn chưa được định hình rõ ràng như vậy. Thời gian đầu họ hài lòng với việc các điện thoại và máy tính bảng Android sẽ do các đối tác phần cứng sản xuất.


Nhưng vào năm 2011, họ quyết định bỏ ra 12,5 tỉ USD mua lại bộ phận di động của Motorola, một hãng sản xuất thiết bị. Google cũng đã đưa ra thị trường các máy tính bảng hiệu Nexus của riêng mình với phần cứng đặt hàng Asus và Samsung sản xuất. Ngoài ra, Google còn bán các netbook giá rẻ chạy một hệ điều hành tự sản xuất khác là Chrome.

Các nhà phân tích cho rằng Google muốn bán phần cứng giá rẻ để người dùng sử dụng khi tìm kiếm thông tin và các dịch vụ khác, từ đó nhìn thấy quảng cáo.

Còn một đế chế khác là Microsoft, công ty chiếm vị trí thứ 2 trong mảng tìm kiếm sau Google. Họ cũng có một hệ điều hành và một đối tác phần cứng chặt chẽ là Nokia. Gần đây Microsoft cũng tự làm một máy tính bảng của họ là Surface và hình thành nền tảng di động cho mình. Có thể coi Microsoft giống như một gia tộc từng cầm quyền thời xa xưa nay đang nỗ lực để quay lại vị trí vốn có.

Facebook hiện đang đứng ở vị trí trung lập nhưng họ không bỏ qua cuộc cạnh tranh để tạo nên trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt nhất, một trong những lý do mà các hãng đua nhau tạo ra nền tảng cho riêng mình.

Điều này đồng nghĩa với việc các hãng chiếm một phần đất của Amazon. Facebook đã tạo ra dịch vụ quà tặng dựa trên sở thích và các mối quan hệ của người dùng để khuyến khích họ gửi quà cho nhau. Họ cũng mua lại một dịch vụ quà tặng và hợp tác với hơn 100 công ty bao gồm cả công ty bán cà phê thành phẩm lớn nhất thế giới Starbucks.

Google hiện đang thử nghiệm một dịch vụ giúp người dùng tìm các món đồ trực tuyến, đặt hàng và giao hàng ngay trong ngày với chi phí thấp. Tính năng này tương tự như dịch vụ Prime vốn đã rất thành công của Amazon khi cho phép người Mỹ tham gia với chỉ 79$ một năm.

Thay vì cạnh tranh với hệ thống kho vận đồ sộ của Amazon, Google lại hợp tác với các công ty giao nhận và các nhà bán lẻ. Nhưng nếu muốn chiếm vị trí của Amazon, Google sẽ phải mua lại một hãng hậu cần mà UPS có thể là một cái tên hợp lý.

Nền tảng là vũ khí để các hãng bảo vệ lãnh thổ và đi xâm chiếm thêm các vùng đất mới. Còn bằng sáng chế là vũ khí trực tiếp để họ gây thương vong cho kẻ địch.

Trong đa số trường hợp, đó là cuộc cạnh tranh giữa các ông lớn và đôi khi một bên chỉ cử ra các công ty nhỏ hơn đóng vai trò nanh vuốt. Apple đã tiến hành hàng loạt vụ kiện. Google mua lại một phần hãng Motorola để bổ sung hàng ngàn bằng sáng chế vào kho vũ khí của mình và từ đó phòng ngự tốt hơn.

Với hàng loạt cuộc chiến như vậy, rất khó để chỉ ra sự thay đổi chiến lược của các công ty khi mà thất bại hôm nay có thể tạo cơ sở cho thắng lợi về sau. Mạng xã hội Google+ có nhiều điểm yếu còn dịch vụ bản đồ của Apple rất tệ hại, điể hình cho những thất bại khởi đầu. Nhưng nếu muốn tiến lên, họ đều phải đánh cược lớn.

Không ai có vẻ sẽ đánh nhanh thắng nhanh và đây là tin tốt cho người dùng vì họ sẽ có lựa chọn phong phú hơn, rẻ hơn từ các sáng tạo công nghệ. Tất cả các hãng lớn đều phải vừa đề phòng các chiêu kiện tụng từ đối thủ trong lúc vẫn phải tránh vi phạm các luật lệ.

Bài học tiền tỉ của Microsoft sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ kết tội độc quyền vẫn còn đó. Và cuối cùng không thể quên các cổ đông, những người luôn muốn nhận tiền chia cổ tức trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái.

Kẻ nào làm được tất cả những điều trên sẽ đường đường chính chính ngồi lên ngai vàng nhưng khả năng tạo nên một vương triều trường tồn là không cao. Cũng giống như trên phim Game of Thrones, trận chiến công nghệ hứa hẹn sẽ còn rất nhiều tập chờ đợi.

Nguồn Economist/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới