Hủy
Doanh Nghiệp

Chưa kể thị trường Trung Quốc, nhu cầu sữa nội địa hồi phục sẽ dẫn dắt tăng trưởng của Vinamilk

Vũ Hoài Thứ Tư | 12/02/2020 13:00

Ảnh: TMTT.

Sau giai đoạn giảm tốc tăng trưởng năm 2018, nhu cầu ngành đã phục hồi trở lại...
 

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhờ sự phục hồi nhu cầu sữa ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu (chủ yếu ở khu vực Trung  Đông), hoạt động kinh doanh của Vinamilk (HoSE: VNM) ghi nhận mức tăng trưởng tích cực hơn so với mức cơ sở thấp năm 2018.

 

Bước sang 2020, nhờ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods (HoSE: GTN) cùng việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm mới, VDSC kỳ vọng doanh thu Vinamilk sẽ tăng trưởng cao hơn so với 2019.

VDSC đánh giá nhu cầu sữa nội địa hồi phục sẽ dẫn dắt tăng trưởng của Vinamilk. Sau giai đoạn giảm tốc tăng trưởng năm 2018, nhu cầu ngành đã phục hồi trở lại. Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2019, ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa đạt mức tăng trưởng tích cực, lần lượt 15% và 7% về giá trị tại khu vực nông thôn và thành thị.

Với vị thế đầu ngành cùng tiềm lực tài chính vững mạnh, VDSC cho rằng Vinamilk sẽ tiếp tục duy trì việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và đẩy mạnh truyền thông quảng cáo sản phẩm để  thúc đẩy tăng trưởng hữu cơ.

Đánh giá về thương vụ mua lại GTNFoods, VDSC đánh giá đây là bàn đạp để Vinamilk đa dạng hóa danh mục sản phẩm và gia tăng thị  phần sữa tại khu vực miền Bắc. 

 

Thông qua việc sở  hữu 75% cổ  phần GTNFoods, Vinamilk gián tiếp sở hữu MCM – thương hiệu tên tuổi tại thị trường miền Bắc (chiếm 23% thị phần sữa nước miền Bắc, 9% thị phần sữa nước toàn quốc) và danh mục sản phẩm hiện hữu từ MCM (sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa chua, bơ, phomai…). Bên cạnh đó, Vinamilk có thể tăng quy mô đàn bò thêm 23.500 con từ MCM lên khoảng  153.500 con, giúp tăng khả  năng tự  chủ nguồn nguyên liệu sữa tươi.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, quan điểm của VDSC cho rằng biên lợi nhuận gộp của Vinamilk nhiều khả năng sụt giảm từ mức 47,2% trong năm 2019 về mức 45,6% trong năm 2020. Nguyên nhân được chỉ ra do giá nguyên liệu bột sữa gầy tăng mạnh, dù giá bột béo giảm nhẹ.

Cụ thể, giá sữa bột gầy chốt trong tháng 10/ 2019 ước tính tăng 11% so với đợt chốt giá nguyên liệu trước đó vào tháng 03/ 2019, giá sữa bột béo ước tính giảm 4% không đủ để bù đắp mức tăng từ sữa bột gầy. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ việc hợp nhất GTNFoods vốn có tỷ suất lợi nhuận gộp thấp (trong 9 tháng đầu năm 2019, biên lãi gộp của GTNFoods là 15,3%) cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong năm này.

Dự phóng trong năm 2020, VDSC dự báo doanh thu và lãi sau thuế của Vinamilk sẽ tăng trưởng lần lượt 9,4% và 3,5% so với năm 2019. 

Đồng thời, VDSC cũng chỉ ra những rủi ro mà Vinamilk có thể sẽ gặp phải xoay quanh việc giá nguyên liệu sữa bột gầy, sữa bột béo tăng mạnh cùng với nhu cầu về sữa bò suy giảm. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu Trung Đông bất ổn chính trị, giảm nhu cầu nhập khẩu sản phẩm sữa.

►Nếu bỏ qua thị trường Trung Quốc, động lực tăng trưởng của Vinamilk là gì?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới