Hủy
Doanh Nhân

Năm 2009, sở hữu khối tài sản hơn 9.000 tỷ đồng đã trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán...còn năm 2019 thì sao?

Vũ Hoài Thứ Tư | 08/01/2020 09:52

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Vietnamfinance.

Sau 10 năm, tài sản tăng bằng lần nhưng Chủ tịch Trần Đình Long vẫn "yên vị" ở số 4 trên bảng xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán...
 

Trải qua những thăng trầm của thị trường chứng khoán, những đại gia trên thị trường ngày ấy và bây giờ ra sao?

Cùng nhìn về những năm 2009, khi chỉ số VN-Index tăng từ vùng 324 điểm lên vùng đỉnh của năm quanh ngưỡng 630 điểm và có những nhịp điều chỉnh sâu sau đó.

Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Vào thời điểm ấy, với khối tài sản hơn 9.000 tỷ đồng, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) và ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL (HoSE: HAG) trở thành hai người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ảnh: TNCK
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, người giàu nhất thi trường chứng khoán năm 2009. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Thời điểm ấy, được xem như thời kỳ hoàng kim của KBC khi cổ phiếu tăng từ vùng 24.000 đồng/cổ phiếu và chạm đỉnh của năm 2009 tại vùng giá 48.500 đồng/cổ phiếu. Ở thời điểm đỉnh cao, Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, bất động sản, năng lượng,...

Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc nợ vay cũng tăng lên khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, đỉnh điểm nhất là khoản lỗ hơn 430 tỷ đồng trong năm 2012, giá cổ phiếu KBC theo đó cũng lao dốc cùng đà trượt kết quả kinh doanh. Sau 10 năm, cổ phiếu KBC đang được giao dịch với mức giá 14.950 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 07/01). Và với hơn 75 triệu cổ phiếu KBC cùng một số cổ phiếu khác, hiện tại ông Tâm đang xếp thứ 53 trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.

Ảnh: Baomoi.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn HAGL. Ảnh: Baomoi.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, cổ phiếu của bầu Đức cũng phi mã, tăng hơn 100% trong năm 2009, kết năm này tại vùng giá 39.000 đồng/cổ phiếu. Trong thời gian 10 năm, Công ty của bầu Đức cũng trải qua nhiều biến động, và cho đến hiện tại, ông hầu như đã rút khỏi các lĩnh vực thủy điện, bất động sản,cao su, chăn nuôi bò,… để dồn nguồn lực phát triển nông nghiệp. Trải qua nhiều năm thăng trầm, cổ phiếu HAG đang được giao dịch ở mức giá 4.110 đồng/cổ phiếu (kết phiên 07/01) và bầu Đức hiện đang xếp thứ 51 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngược lại với hai vị Chủ tịch trên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) từ vị trí số 3 của 10 năm trước đã vươn lên dẫn đầu ở thời điểm hiện tại.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Soha.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Soha.

Cụ thể, vào thời điểm 2009, ông Vượng sở hữu khối tài sản hơn 8.300 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong top 5 những người giàu nhất thị trường thời điểm ấy. Sau khoảng thời gian 10 năm, cổ phiếu VIC hiện tại đang được giao dịch ở mức giá 114.700 đồng/cổ phiếu (kết phiên 07/01), trở thành một trong số những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường. Với khối tài sản hơn 213.000 tỷ đồng, ông Vượng đang là người giàu nhất thị trường Việt Nam. Cũng chính cổ phiếu VIC đã đưa bà Phạm Thu Hương vào top 5 những đại gia trên sàn chứng khoán Việt với khối tài sản hơn 17.000 tỷ đồng.

Bà
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT VietJet, người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt. Ảnh: 24h. 

So với bầu Đức với khối tài sản hơn 9.000 tỷ đồng ở thời điểm 2009, người sở hữu vị trí số 2 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất 2019 có khối tài sản hơn 30.900 tỷ đồng. Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Hàng không VietJet (HoSE: VJC). Với số lượng lớn cổ phiếu VJC và cổ phiếu của Ngân hàng HDBank (HoSE: HDB) đã đưa bà Thảo đến vị trí gần như dẫn đầu như hiện tại. Cổ phiếu VJC là một trong số những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại.

Ông
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát. Ảnh: Vietnammoi. 

Một điều khá thú vị từ số liệu thống kê, trải qua 10 năm, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vẫn giữ vững vị trí số 4 trong top 5 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. 10 năm trước, với khối tài sản hơn 2.600 tỷ đồng, ông Long đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng. 10 năm sau, khối tài sản của ông đã tăng gấp nhiều lần, đạt con số 16.800 tỷ đồng, tuy nhiên vị trí của ông trên bảng xếp hạng những người giàu vẫn bất biến.

Trong bảng xếp hạng này, có lẽ nhiều thay đổi nhất là bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Chủ tịch HĐQT, CTCP  Đầu tư Thương mại Thủy Sản (UPCoM: ICF). Nếu như vào năm 2009, cổ phiếu ICF của bà Xuân tăng bứt tốc từ vùng 6.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu (vào tháng 10/2009) đưa bà vào top 5 những đại gia giàu có nhất sàn chứng khoán Việt. Doanh nghiệp của bà Xuân khi ấy, mỗi năm báo lãi hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm với nhiều biến động,  Đầu tư Thương mại Thủy Sản bắt đầu kinh doanh sa sút từ những năm 2012-2013 khi khoản lãi chỉ còn vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Và trong 3 năm liên tiếp từ năm 2016-2018, Đầu tư Thương mại Thủy Sản đã báo lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Có lẽ cũng vì lý do đó mà cổ phiếu ICF hiện tại chỉ được giao dịch quanh mức giá 1.000 đồng/cổ phiếu. Và hiện tại, bà Xuân không còn xuất hiện trong top những người giàu nhất nữa.

Ảnh: Zing.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tích HĐQT Techcombank. Ảnh: Zing.

Vị trí số 5 trên bảng xếp hạng của năm 2019 thuộc về ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB).  Ngoài TCB thì ông Hùng Anh còn sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN). Hiện tại, khối tài sản của ông Hùng Anh có giá trị hơn 14.900 tỷ đồng.

Xét về giá trị, khối tài sản của Top 5 những đại gia trên sàn chứng khoán gấp hơn 9 lần khối tài sản năm 2009. Trong đó, một phần đến từ việc khi chỉ số VN-Index đã tăng từng vùng 500 điểm, lên vùng giá hơn 900 điểm như hiện tại.

(*) Số liệu có thể chênh lệch do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường và các giao dịch mua bán của các tỷ phú. 

►Cổ phiếu FPT tăng hơn 60%, Chủ tịch Trương Gia Bình vẫn rơi khỏi Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới