Hủy
Doanh Nhân

Những đại gia mất tiền nhiều nhất trên sàn chứng khoán năm 2019

Như Mai Chủ Nhật | 05/01/2020 07:14

Ảnh: Dân Trí.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp con cưng lao dốc khiến giá trị tài sản của nhiều đại gia suy giảm...
 

Nổi bật nhất là vị chủ tịch của CTCP Yeah1, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Những rắc rối phát sinh từ sau sự cố YouTube đã khiến cổ phiếu Yeah1 lao dốc mạnh, từ mức 235.000 đồng về chỉ còn 37.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Và điều này khiến giá trị tài sản của ông Tống mất đến 2.580 tỷ đồng, về chỉ còn hơn 480 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Ảnh: TL

Trong khi đó, với sự chậm lại của ngành xây dựng, ông vua của ngành là CTCP Coteccons cũng báo lãi đi lùi so với những năm trước, khi lợi nhuận 9 tháng năm 2019 chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới phân tích cho rằng, CTD đang là “nạn nhân” của chính những bước tăng trưởng mạnh mẽ của mình trong quá khứ.

Cụ thể, những năm 2015-2017, công ty có bước tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận, từ mức 660 tỷ đồng lên 1.653 tỷ đồng vào năm 2017, và điều này cũng giúp cổ phiếu của công ty thăng hoa mạnh, lên mức hơn 200.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017. Bước sang năm 2019, những triển vọng ảm đạm của ngành đã hiển thị vào kết quả kinh doanh của CTD. Điều này có lẽ đã khiến giá cổ phiếu công ty lao dốc mạnh về chỉ còn 51.300 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019, so với mức 160.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm kết thúc năm 2018. Theo đó, giá trị lượng cổ phiếu CTD mà ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch HĐQT công ty, nắm giữ giảm hơn 424 tỷ đồng, về chỉ còn hơn 200 tỷ đồng như hiện tại.

Ông Nguyễn Bá Dương.
Ông Nguyễn Bá Dương. Ảnh: Vietnam Finance.

Nếu như trong năm 2018, CTCP Vĩnh Hoàn có bước tăng trưởng mạnh mẽ, khi lợi nhuận công ty đặt 1.442 tỷ đồng, gấp 2,3 lần trong năm 2017, điều này giúp cổ phiếu công ty có sự thăng hoa từ mức quanh 25.000 đồng/cổ phiếu lên 50.000 đồng/cổ phiếu (theo giá đã điều chỉnh sau đợi chia tách cổ phiếu 1:1 vào ngày 31/12/2019 vừa qua). Bước sang năm 2019, lợi nhuận của VHC lại giảm nhẹ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty đã đạt được sau 9 tháng chỉ đạt 981 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu công ty cũng suy giảm từ mức hơn 46.470 đồng/cổ phiếu về quanh mức 38.300 đồng/cổ phiếu như hiện tại, điều này khiến giá trị lượng cổ phiếu VHC mà chủ tịch công ty, bà Trương Thị Lệ Khanh, giảm hơn 646 tỷ đồng, về mức hơn 3.000 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm 2019.

Bà Trương Thị Lệ Khanh. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán.
Bà Trương Thị Lệ Khanh. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch CTCP tập đoàn Masan, cũng có lúc mất danh hiệu tỷ phú USD, sau thương vụ sáp nhập Masan Consumer với VinEco và VinCommerce khiến giá cổ phiếu MSN lao dốc. Nhưng vào ngày 31.12.2019, Forbes đã cập nhật rằng ông Quang đã trở lại vị thế là một tỷ phú USD, giảm 300 triệu USD so với mức 1,3 tỷ USD hồi tháng 4/2019.

Ông Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Forbes
Ông Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Forbes

Đại gia Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) và CTCP Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS), cũng mất hơn 6.000 tỷ đồng khi cổ phiếu ROS giảm hơn 55% giá trị trong năm 2019, khiến tài sản trên sàn chứng khoán niêm yết của ông chỉ còn gần 6.000 tỷ đồng. Dù vậy, tài sản trên sàn chứng khoán của vị đại gia này hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong năm 2020 khi 2 cổ phiếu Bamboo Airways (mã BAV) và FLC Homes (mã FHH) dự kiến sẽ chào sàn. Tham khảo trên sanOTC.com, hai cổ phiếu này đang được rao bán ở mức hơn 40.000 đồng cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu lần lượt là 39,08% và 52,49% tại hai công ty trên.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới