Hủy
Doanh Nhân

Việt Nam có thật sự là đã đáng sống?

Thứ Tư | 30/03/2016 08:30

Trong năm 2015, Việt Nam đã nhảy lên vị trí 116/188 quốc gia đáng sống nhất, theo Liên Hiệp Quốc. Liệu Việt Nam đáng sống đến thế nào?
 

Giữa năm 2014, Liên Hiệp Quốc công bố bảng đánh giá xếp hạng những quốc gia đáng sống và Việt Nam đứng vị trí 124, trong khi danh sách này chỉ có 125 quốc gia. Ðến cuối năm đó, trang tin Business Insider (Mỹ) lại xếp Việt Nam ở vị trí thứ 16 trong tốp 20 nước đáng sống. Chưa hết, Việt Nam còn đứng thứ 16/20 trong bảng xếp hạng những quốc gia tốt nhất dành cho người nước ngoài, do HSBC thực hiện và công bố năm 2015. Cũng trong năm này, Việt Nam đã nhảy lên vị trí 116/188 quốc gia đáng sống nhất, theo Liên hiệp Quốc. Liệu Việt Nam đáng sống đến thế nào?

Xem xét chỉ tiêu của các bảng xếp hạng cho thấy, năm 2014, Liên Hiệp Quốc chấm Việt Nam hạng 124/125 và chỉ đứng trên Lybia, một quốc gia có tình hình bất ổn. Kết quả này dựa theo 7 chỉ tiêu là đóng góp về khoa học công nghệ; đóng góp về văn hóa; đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới; đóng góp bảo vệ trật tự thế giới; đóng góp bảo vệ môi trường và hành tinh; đóng góp vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới; đóng góp về y tế, sức khỏe.

Trong khi đó, Business Insider lại đánh giá Việt Nam là 1 trong 20 nước đáng sống bởi lý do phong cảnh tươi đẹp, thức ăn ngon và chi phí dịch vụ thấp. Theo trang này, có đến 87% người nước ngoài sống tại Việt Nam cho biết họ yêu thích các món ăn Việt. Còn khảo sát  thường niên Expat Explorer do HSBC thực hiện, đánh giá về mức độ đáng sống của một quốc gia cho người nước ngoài dựa trên chất lượng cuộc sống, cũng xếp hạng Việt Nam khá cao nhờ chi phí sinh hoạt thấp. Vẻ đẹp của Việt Nam cũng luôn được đánh giá cao khi mới đây Ninh Bình đã được Hollywood chọn là nơi để quay ngoại cảnh cho bộ phim Kong: Skull Island.

Bàn về khái niệm Việt Nam đáng sống hay không có lẽ khá rộng. Nhưng nếu thu hẹp câu chuyện thì Việt Nam chắc chắn sẽ có không ít thành phố được công nhận là đáng sống, ví dụ như Đà Nẵng. Thành phố này được cho là đáng sống bởi nơi đây sở hữu những bãi biển đẹp tầm cỡ thế giới, có nhiều công trình cảnh quan, chi phí dịch vụ không cao nên đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, ẩm thực phong phú, di chuyển thuận tiện...

Trong khi Đà Nẵng thu hút được du khách nhờ thắng cảnh thì TP.HCM cũng được ghi nhận là một thành phố công nghiệp, giữ vai trò đầu tàu, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mức độ đáng sống của thành phố này sẽ được những người trẻ, năng động và có quyết tâm làm giàu nhìn nhận. Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM gấp 1,6-1,8 lần mức trung bình cả nước và đóng góp hơn 30% ngân sách nhà nước hằng năm.

Trong khi đó, ở vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng, Libya là đất nước có nhiều bất ổn về chính trị, nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề do các cuộc nội chiến. Tuy nhiên, với dân số khoảng hơn 6,5 triệu người, Libya có mức GDP bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất vùng Bắc Phi. Dường như đôi khi sự giàu có không mang lại hạnh phúc cho người dân.

Quay lại Việt Nam, với thông tin từ một số bảng xếp hạng, có thể thấy sự tiến bộ của nước ta đã được ghi nhận. Tất nhiên, kết quả đánh giá giữa các tổ chức vẫn có sự chênh lệch khá lớn bởi tiêu chí, mục đích của từng đơn vị. Nhưng hơn ai hết, chính người Việt mới có thể hiểu rõ nhất bản chất, những cái được và chưa được của môi trường sống. Chắc chắn, Việt Nam phải tiến bộ hơn rất nhiều nếu muốn được công nhận là nơi thực sự đáng sống, xét trên nhiều tiêu chí khác chứ không chỉ là thắng cảnh hay chi phí sinh hoạt.

Hoàng Quân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới