"Chậm nhất đến 2017 lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động"
Ngày 28/4/2013, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời về Luật Lao động sửa đổi.
Trước vấn đề đặt ra về quy định lương tối thiểu, mặc dù đã qua 10 lần sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Theo Bộ trưởng, báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu lộ trình tăng lương sao cho đến năm 2015, mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên phương án trên rất khó thực hiện do điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, mục tiêu đặt ra theo Bộ trưởng là chậm nhất đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu. Mục tiêu trên sát với thực tế hơn nhưng vẫn chịu sự chi phối từ khả năng phát triển kinh tế của đất nước.
Về vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng, con số nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay là 4.200 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đã nợ trên 6 tháng. Ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm:
Một là do cơ chế phạt chậm trả bảo hiểm xã hội còn thấp so với lãi vay ngân hàng, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp có điều kiện đóng nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vì tiền phạt vẫn thấp hơn lãi vay.
Hai là doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội do khó khăn trong kinh doanh.
Ba là doanh nghiệp đã thu của người lao động nhưng cố tình không đóng.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, các hướng xử lý sẽ rõ ràng đối với từng đối tượng nợ bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, với doanh nghiệp quá khó khăn sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ, cho phép chậm trả. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp lợi dụng cơ chế phạt còn thấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ điều chỉnh nâng mức phạt hành chính cao hơn.
Đặc biệt, riêng đối với doanh nghiệp đã thu của người lao động nhưng cố tình không đóng bảo hiểm xã hội sẽ phải chịu mức phạt nghiêm, thậm chí có thể điều chỉnh thêm bằng Luật hình sự.
Một hướng giải quyết khác, đó là người lao động khi chuyển công tác vẫn được đóng bảo hiểm xã hội nối tiếp, còn đơn vị cũ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội còn nợ.
Theo Bộ trưởng, các nội dung trên dự kiến được đưa vào Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội vào cuối năm nay.
Bên cạnh 4.200 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội, còn có hơn 300 triệu đồng nợ bảo hiểm thất nghiệp, do vậy ngoài nỗ lực từ chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức công đoàn phải phối hợp chặt chẽ nhằm giám sát quá trình thi hành luật của doanh nghiệp, đồng thời người lao động cũng cần tăng cường ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình đối với bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, một số nội dung nổi bật khác trong Bộ luật lao động sửa đổi bao gồm: chế độ nghỉ thai sản tăng từ 4 tháng lên 6 tháng, số ngày nghỉ lễ tết tăng thêm 1 ngày thành 10 ngày, một số trường hợp được kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người quản lý, người trình độ cao và một số trường hợp đặc biệt nhằm tận dụng chất xám và góp phần giải quyết vấn đề bình đẳng giới.
Nguồn Dân Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư