Hủy
Kinh Doanh

Chương trình thu mua tạm trữ gạo của Thái Lan: Được hay mất của nữ thủ tướng?

Thứ Hai | 01/07/2013 09:40

Chương trình mua gạo tạm trữ khổng lồ ngốn tới gần 3,5% GDP Thái Lan đang làm đau đầu chính phủ của bà Yingluck Shinawatra
 

Hôm qua, Bộ trưởng bộ thương mại Thái Lan ông Boonsong Teriyapirom chính thức bị cách chức do chương trình mua lúa gạo đầy tốn kém mà chính phủ Thái Lan đang theo đuổi.

Câu chuyện mua gạo tạm trữ hoàn toàn không mới mẻ với các nước sản xuất gạo lớn nhưng chuyện thu mua gạo tạm trữ với giá gấp đôi giá thị trường thì mới thấy xảy ra ở Thái Lan dưới sự lãnh đạo của nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử. Vậy chương trình mua gạo tạm trữ táo bạo, ngốn hàng chục tỷ USD này mang đến kết quả gì trong suốt 2 năm thực hiện?

Lá bài then chốt của bà Yingluck Shinawatra

Ngày 5/8/2011, bà Yingluck Shinawatra đắc cử trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, vượt qua đối thủ là thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva. Đạt được thành công này, trong lúc chính trị Thái Lan nhiều xung đột rối ren giữa các đảng phái, bà Yingluck đã có chiến dịch vận động tranh cử hiệu quả với hàng loạt cam kết nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân tránh xung đột sắc tộc.

Kế hoạch thu mua gạo tạm trữ khổng lồ tăng thu nhập cho người nông dân chính là cam kết then chốt mang lại chiến thắng cho nữ thủ tướng. Bà đã lấy được lòng tin và sự tín nhiệm của phần lớn của người dân khu vực nông thôn, số lượng này chiếm phần lớn trong dân số Thái Lan do nước này vốn là nước nông nghiệp truyền thống.

Thủ tướng Thái Lan vận động tranh cử
Bà Yingluck Shinawatra vận động tranh cử

Giữ đúng cam kết trước khi đắc cử, bắt đầu từ ngày 7/10/2011, bà Yingluck chính thức tung gói tài chính khổng lồ mua gạo tạm trữ từ người nông dân với giá cao gấp đôi thị trường. Cụ thể, giá mua mà Chính phủ Thái Lan đưa ra là 15.000 baht/tấn đối với thóc gạo thường, 20.000 baht/tấn đối với thóc gạo thơm Hom Mali ở khu vực Đông Bắc, 18.000 baht/tấn đối với thóc gạo thơm các tỉnh, và 16.000 baht/tấn đối với thóc nếp hạt dài vào thóc gạo thơm Pathum Thani. Nhiều báo đưa tin gói tài chính bà Yingluck tung ra cho chương trình này lên đến 470 tỷ baht tương đương 16 tỷ USD.

Kết quả, trong vụ lúa chính đầu tiên thực hiện chính sách này, chính phủ Thái Lan chỉ mua được gần 7 triệu tấn lúa của gần 1,3 triệu hộ nông dân trị giá khoảng 105 tỷ baht tương đương 3,5 tỷ USD. Liên tiếp hai vụ sau đó, với số hộ nông dân tham gia nhiều hơn, tổng khối lượng lúa mua được lên tới gần 29 triệu tấn. Tổng số tiền chính phủ Thái Lan chi cho chương trình mua gạo tạm trữ này là 588,7 tỷ baht. Riêng mua gạo tạm trữ trong niên vụ gần nhất, chính phủ tiêu tốn 376 tỷ baht, tương đương 3,4% GDP cả nước.

Việc tăng cường mua tạm trữ đã khiến kho dự trữ gạo Thái Lan tăng kỷ lục. Theo ước tính của Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO) ước tính, kết thúc niên vụ này, lượng gạo dự trữ Thái Lan sẽ lên 18,2 triệu tấn dẫn tới nguy cơ không đủ kho dự trữ.

Chương trình mua gạo tạm trữ này đã góp phần tăng thu nhập người nông dân, cải thiện mức sống nông thôn, đảm bảo quyền lợi những cử chi đã ủng hộ Yingluck lên thủ tướng. Tuy nhiên, những hệ lụy từ nó cũng đang gia tăng đáng kể.

Tiến thoái lưỡng nan

Chương trình đã làm thiệt hại lớn ngân sách Thái Lan trong bối cảnh giá gạo thế giới giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp. Theo Bangkok Post, cựu phó thủ tướng Pridiyadhorn Devakula đã phải kêu gọi chính phủ cần xem lại ngay lập tức chương trình trợ giá gạo. Theo ước tính của ông, thiệt hại từ chương trình này khoảng 140 tỉ baht (4,7 tỉ USD) trong vụ mùa 2011-2012. Con số thiệt hại này có thể sẽ tăng lên trên 210 tỉ baht (7 tỉ USD) trong vụ mùa 2012-2013.

Không những tiêu tốn tiền từ ngân sách chính phủ, chương trình này còn làm cho gạo Thái Lan giảm cạnh tranh trên thị trường quốc tế do giá cao hơn tới 150-170 USD/tấn so với gạo cùng loại các nước khác. Sau 1 năm thực hiện chương trình mua gạo tạm trữ, Thái Lan từ vị thế dẫn đấu thế giới về xuất khẩu gạo xuống vị trí thứ 3 sau Ấn Độ và Việt Nam. Năm 2012, lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm 35% so với năm 2011 chỉ còn 6,9 triệu tấn, trong khi Ấn Độ xuất được 9,5 triệu tấn gạo và Việt Nam là 7,8 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2013 tiếp tục giảm về 6-6,5 triệu tấn gạo.

gạo Thái Lan xuất khẩu

Chính phủ Thái Lan ngày 18/6 buộc phải thảo luận giảm giá thu mua gạo tạm trữ. Đến ngày 19/8, bộ trưởng thương mại Thái Lan tuyên bố từ ngày 1/7 tới, Thái Lan sẽ giảm giá gạo tạm trữ 20% từ 15.000 bạt/tấn xuống còn 12.000 bạt/tấn (tương đương 390 USD/tấn) đối với gạo thường. Bloomberg cho rằng chính phủ của nữ thủ tướng có thể đối mặt với rủi ro chính trị sau quyết định giảm giá này do sự phản ứng dữ dội của người dân.

Ngày 24/6, một nhóm các nông dân do Hiệp hội nông dân Thái Lan và Hiệp hội xúc tiến nông nghiệp Thái Lan tổ chức biểu tình trước tòa nhà chính phủ, đòi đệ trình kiến nghị lên văn phòng chính phủ. Nhóm biểu tình yêu cầu Chính phủ giữ nguyên giá thu mua gạo cũ đến ít nhất là tháng 9 tới do người dân chưa chuẩn bị tâm lý giá giảm bất ngờ niên vụ này.

Biểu tình của nông dân Thái Lan
Biểu tình của nông dân Thái Lan

Phản ứng mạnh mẽ của người dân làm lung lay vị thế chính trị của thủ tướng Yingluck Shinawatra, vốn đã dùng chương trình này làm công cụ đắc cử và duy trì ổn định tâm lý người nông dân suốt gần 2 năm cầm quyền. Thái Lan vốn là nước nông nghiệp truyền thông với dân số nông thôn chiếm trên 70% dân số cả nước.

Chính phủ buộc phải đồng ý phải xem xét lại quyết định giảm giá gạo tạm trữ. Đồng thời các nhà lãnh đạo cấp cao cũng đang nghiên cứu biện pháp giảm sức ép dự trữ lớn hiện nay thông qua đẩy mạnh giao dịch liên chính phủ và tìm cách bán gạo qua thị trường kỳ hạn. Oryza đưa tin Thái Lan sẽ bán đấu thầu 10 triệu tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia vào tháng 7 tới.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

So sánh sản xuất gạo Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, như vị trí, sản phẩm gạo và thị trường tiêu thụ. Do vậy, chương trình tạm trữ gạo Thái Lan có ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu gạo Việt Nam. Ngay sau khi Thái Lan tung ra gói tài chính khổng lồ mua gạo tạm trữ, giá gạo nước này tăng vọt và giảm sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường.

Tính đến tháng 10/2012, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Thời điểm này, Việt Nam bán ra được khoảng 5,9 triệu tấn gạo, Ấn Độ bán 5,6 triệu tấn, và Thái Lan 5,2 triệu tấn. Giá gạo nội địa cao khiến các thương lái Thái Lan có giai đoạn phải nhập khẩu gạo từ Campuchia và Việt Nam để xuất khẩu. Tuy nhiên kết thúc năm 2012, Ấn Độ bất ngờ vượt lên trên và chiếm vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng xuất khẩu gạo.

Sang năm 2013, sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn bỏ xa Thái Lan. 5 tháng đầu năm nay, lượng gạo Thái Lan xuất khẩu tiếp tục giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái còn 1,47 triệu tấn, trong khi lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đạt gần 2,5 triệu tấn.

Gạo Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về giá so với Thái Lan. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vẫn chưa thể tăng đột phá, chủ yếu do chất lượng sản phẩm chưa được cải thiện và thiếu thương hiệu trên thị trường.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới