Hủy
Kinh Doanh

Đạm Phú Mỹ hưởng lợi nhờ giá dầu thấp

Kim Anh Chủ Nhật | 20/09/2020 15:19

Đạm Phú Mỹ hưởng lợi nhờ giá dầu thấp. Ảnh: DPM.

Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá tích cực triển vọng nửa cuối 2020 của Đạm Phú Mỹ nhờ giá dầu ở mức thấp và nhu cầu tiêu thụ ổn định.
 

Điểm sáng giá dầu và nhu cầu tiêu thụ

Nửa cuối năm 2020 kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) được dự kiến tích cực nhờ vào nhu cầu phân bón ổn định cùng với giá khí đầu vào ở mức thấp.

 

VNDirect dự báo nhu cầu ure trong 6 tháng cuối năm 2020 tốt nhờ vụ Đông Xuân 2019-2020 được mùa và giá gạo xuất khẩu cao giúp người nông dân có nguồn lực tái đầu tư vào vật tư nông nghiệp như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng gạo đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 489 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 26.8.2020, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đạt 480-490 USD/tấn mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Ngoài ra, theo VNDirect nhu cầu tiêu thụ phân bón dự kiến ổn định nhờ vào điều kiện thời tiết cải thiện trong năm 2020. Xác suất xảy ra hiện tượng La Nina trong mùa đông năm 2020-2021 cao (60%), có thể gây mưa nhiều và hỗ trợ việc tiêu thụ phân bón, trong khi năm 2019 bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.  Theo đó, VNDirect dự phóng sản lượng tiêu thụ ure tăng 15% so với cùng kỳ năm trước trong 2020, đạt 794.000 tấn, cao hơn 1% so với kế hoạch năm 2020 của DPM.

 

Một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của DPM trong nửa cuối năm 2020 đến từ giá khí đầu vào giảm thúc đẩy biên lợi nhuận gộp tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá dầu giảm trung bình 36,4% so với cùng kỳ năm trước xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nhờ đó biên lợi nhuận  gộp của DPM cải thiện 8,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước lên 23,5%.

VNDirect kỳ vọng giá dầu sẽ duy trì quanh mức 42-43 USD/thùng trong nửa cuối của năm 2020. Do vậy, công ty chứng khoán này giảm dự phóng giá dầu trung bình cả năm từ 62 USD/thùng trước đó xuống 43 USD/thùng. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 của DPM đạt 23,6%, cao hơn 4,7 điểm % so với dự phóng trước đó là 18,9%.

Lo ngại về chi phí

Mặc dù xuất hiện nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh doanh nửa cuối năm 2020 của DPM, nhưng vẫn còn đó nhiều lo ngại. Trong 6 tháng đầu năm 2020, DPM đã chốt các điều khoản hợp đồng mua khí từ PVGas cho năm 2020, trong đó DPM sẽ nhận khí bổ sung từ các mỏ khác tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn để bù đắp cho lượng khí thiếu hụt tại mỏ Bạch Hổ với tỉ  lệ 60:40 (tỉ lệ 2019: 50:50).

Mức phí vận chuyển áp dụng cho nguồn Cửu Long khác và Nam Côn Sơn cao hơn mức áp dụng cho mỏ Bạch Hổ (3,22 USD/mmBTU và 1,41-1,44 USD/mmBTU so với 1,02 USD/mmBTU). Theo ước tính của VNDirect, chi phí vận chuyển khí trung bình sẽ tăng từ 1,4 USD/mmBTU trong năm 2019 lên mức 1,7 USD/mmBTU trong năm 2020 do đóng góp cao hơn của nguồn khí bổ sung trong bối cảnh nhà máy chạy hết công suất.

 

Từ năm 2021 trở đi, VNDirect cho rằng DPM sẽ chịu tác động kép của việc tăng giá dầu và tăng nguồn cung từ các mỏ có chi phí vận chuyển cao. Mặc dù doanh nghiệp có thể giảm bớt phần nào tác động nhờ việc đàm phán lại tỉ trọng nhận khí bổ sung nghiêng về phía nhận khí ở các nguồn có chi phí vận chuyển thấp hơn như bể Nam Côn Sơn.

VNDirect dự báo biên lợi nhuận gộp của Công ty vẫn bị ảnh hưởng mạnh. Theo đó dự báo lợi nhuận ròng của DPM giai đoạn 2021-2022 giảm 12%/21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, quý II/2020 vừa qua, DPM là một cái tên nổi bật trong những doanh nghiệp “vượt bão COVID-19” thành công. Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và đến sớm làm thiệt hại một diện tích lớn cây trồng, khiến giảm nhu cầu tiêu thụ phân bón thì mảng kinh doanh hoá chất đã bù đắp đáng kể vào kết quả hoạt động sản xuất và lợi nhuận của DPM. Tổng kết quý II, Công ty báo lãi hơn 308,3 tỉ đồng, tăng 748,4% (tức là gấp hơn 8,48 lần) so với quý II/2019.

Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu DPM trên thị trường. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay (18.9), giá cổ phiếu DPM đã tăng hơn 40,8% từ vùng 12.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá 16.900 đồng/cổ phiếu (kết phiên 18.9).

Tuy nhiên, ở khía cạnh đầu tư, VNDirect đã nâng dự báo EPS trong năm 2020 lên 41% để phản ánh giá dầu thấp hơn kỳ vọng, nhưng giảm dự báo EPS năm 2021-2022 7-27% do điều chỉnh chi phí vận chuyển khí đầu vào. Theo đó, VNDirect đánh giá trung lập đối với cổ phiếu DPM trên thị trường.

* mmBTU: Một triệu BTU

* BTU (British Therm Unit): Đơn vị nhiệt trị của Anh quốc

* Có thể bạn quan tâm 

►Nam Long: Quỹ đất lớn cho nhà nhỏ

►Online hóa hội chợ kết hợp công nghệ thực tế ảo


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới