Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp nội đứng đâu trên thị trường sữa bột?

Thứ Hai | 23/06/2014 05:06

Hiện hãng sữa ngoại chiếm hơn 75% thị phần sữa bột tại Việt Nam, dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán.
 

Tình hình tiêu thụ sữa bột tại việt Nam

Với hơn 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng, thị trường Việt Nam thực sự là miếng bánh béo bở cho các hãng sữa. Thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng sữa những năm gần đây tăng nhanh, khoảng 20%/năm; sản lượng sữa tiêu dùng (quỹ sữa tươi) khoảng 1,4 tỷ lít, bình quân hơn 15 lít/người/năm.

Riêng về sữa bột, năm 2012, sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 65.000 tấn, trong đó chỉ có 20.000 tấn (30%) được sản xuất trong nước, còn lại 45.000 tấn (70%) là phải nhập khẩu.

Về mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người, theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 1990 đạt 0,47kg/người/năm. Trong vòng 20 năm sau, con số này tăng hơn 30 lần, đạt 14,4kg/người/năm vào năm 2010, và năm 2014 hiện khoảng 16 kg. Đến năm 2020, con số tiêu thụ sữa dự kiến sẽ đạt 27-28kg/người/năm.

Nguồn:Bộ Công Thương.

Thị trường sữa bột liên tục tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm gần đây khoảng 7%/năm. Doanh thu thị trường này năm 2012 khoảng 2.359 tỷ đồng (chiếm 1/4 doanh thu toàn thị trường sữa), và tăng lên 2.800 tỷ đồng năm 2013, dự kiến đạt 4.800 tỷ đồng vào năm 2017.

Nguồn Bộ Công Thương.
Nguồn Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp Việt Nam đứng đâu trên thị trường sữa bột

Mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, trong đó riêng sản phẩm sữa bột phải nhập tới 70%. Hiện trên thị trường Việt Nam có gần 30 công ty sữa với khoảng 80 thương hiệu sữa khác nhau, trong đó chủ yếu là hãng sữa ngoại.

Theo thống kê của Bộ Công thương, về chủng loại sữa bột, sữa ngoại chiếm khoảng 75% thị phần. Trong đó đứng đầu là Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady (Freisland Campina), Dumex, Nestlé… Với tỷ lệ này, các hãng sữa ngoại hoàn toàn dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán.

Trong đó, Abbott với hơn 120 nhãn sữa đang bày bán trên thị trường nội địa đã chiếm khoảng 30%, với mức doanh thu trung bình 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Thị phần của Mead Johnson tại Việt Nam dao động khoảng 14,4%. Thị phần sữa của Nestlé trên thị trường Việt Nam rất thấp, ở mức một con số.

Nguồn: EuroMonitor
Nguồn: EuroMonitor

Ngoài những dòng sữa kể trên, trên thị trường hiện nay còn rất nhiều loại sữa nhập ngoại khác như Gallia, Nutriben của Pháp, Aptamin của Anh, Đức, Meiji của Nhật. Ngoài ra, có một thị phần không nhỏ của sữa bột dành cho các thương hiệu khác không có nhà phối chính thức (sữa xách tay). Các dòng sản phẩm này đang chiếm khoảng 14% thị phần sữa hiện tại.

Hiện các doanh nghiệp nội đang ra sức tăng thị phần trong bối cảnh nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn phụ thuộc lớn từ bên ngoài. Do đó, việc đầu tư và đưa vào hoạt động “siêu nhà máy sữa bột” tại Bình Dương của Vinamilk đã thật sự tạo một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đặc biệt là phân khúc sữa bột trẻ em.

Vinamilk hiện nắm thị phần tương đối và một số mặt hàng ở thế áp đảo như sữa chua, sữa đặc có đường, nhưng ở một số phân khúc như sữa tươi và sữa bột cũng còn hạn chế. Cụ thể, Vinamilk chiếm 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua, 50% thị phần sữa tươi và khoảng 25 - 30% thị phần sữa bột của Việt Nam. Với công suất thiết kế khá lớn của 2 nhà máy mới này, Vinamilk đặt kế hoạch sẽ chiếm lĩnh 50% thị 60% thị phần sữa nước trong những năm tới.

Hiện tại, Vinamilk mới chỉ đáp ứng được 30% nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, 70% nguồn nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, Mỹ và các nước EU.

Vinamilk có tổng cộng 13 nhà máy sản xuất sữa. Trong năm 2013, Vinamilk đưa vào vận hành 2 nhà máy sữa bột và sữa nước có công suất khá lớn: nhà máy sữa bột với công suất 54.000 tấn/năm và nhà máy sữa Việt Nam với công suất thiết kế 400 triệu lít sữa/năm (giai đoạn 2 sẽ nâng công suất nhà máy lên 800 triệu lít sữa/năm vào năm 2015).

Vinamilk hiện đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sữa. Sau khi đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước hiện đại tại Bình Dương, Vinamilk tiếp tục tăng vốn đầu tư từ 121 triệu NZD (tiền New Zealand) lên gần 148 triệu NZD để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 19.33% vốn tại Nhà máy sữa Miraka ở New Zealand.

Ngoài ra, Vinamilk cũng nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho khoản góp vốn trị giá 7 triệu USD vào Công ty Driftwood tại Mỹ, tương đương 70% vốn chủ sở hữu tại công ty sữa này. Năm 2014, Vinamilk dự kiến sẽ mở thêm một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chuyên sản xuất sữa đặc, sữa chua, sữa tiệt trùng.

Năm 2014, 2015 Vinamilk sẽ tiếp tục triển khai đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại mới tại Tây Ninh (quy mô 10.000 con), Hà Tĩnh (quy mô 3,000 con), Thanh Hóa 2 (quy mô 3.000 con) và Nông trường Thống Nhất, Thanh Hóa (quy mô 20.000 con).

GAFIN

Về tính cạnh tranh, giá cả có thể coi là điểm mạnh của Vinamilk so với các sản phẩm của các đối thủ trong nước và ngoại nhập. Mặc dù giá sữa nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh trong năm 2013 khoảng 25%, giá bán sản phẩm chỉ tăng có 7%, nhưng tỷ lệ giá vốn/DTT năm 2013 sụt giảm so với năm 2012. Nguyên nhân là do Vinamilk bên cạnh tăng giá bán để bù đắp chi phí thì sản lượng hàng bán cũng tăng 10% giúp tận dụng nguồn lực sẳn có về con người và máy móc hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, báo Đầu tư Chứng khoán dẫn nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng quy định về việc áp dụng trần giá bán đối với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chính thức có hiệu lực hôm 21/6 vừa qua và giá sữa nguyên liệu tăng sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận trong mảng kinh doanh của Vinamilk bị ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể, so với giá bán buôn trước đây, giá trần theo quy định mới đối với các sản phẩm sữa bột của Vinamilk sẽ thấp hơn từ 10-15%. Với doanh thu sữa bột hiện chiếm khoảng 19% tổng doanh thu, quy định này sẽ khiến doanh thu của Vinamilk bị ảnh hưởng khá nhiều.

Theo bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk, nếu điều chỉnh đúng với giá trần, các mặt hàng của doanh nghiệp phải giảm giá trung bình khoảng 21%.

Theo BVSC, Vinamilk không thể tăng giá nếu muốn duy trì và gia tăng thị phần trước tình hình cạnh tranh gay gắt và sức tiêu thụ chậm. Trong khi đó, nguyên liệu sữa bột hiện chiếm khoảng 60% tổng giá vốn đã tăng mạnh trong quý I/2014 và dù đang có xu hướng giảm, nhưng ước tính giá nguyên liệu sữa bột trung bình năm 2014 sẽ cao hơn mức năm ngoái.

Tương lai thị trường sữa bột không chỉ trông chờ vào Vinamilk, trong khi bức tranh thị phần dường như chưa thay đổi trong năm nay.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới