Ecofarm: Chợ quê lên phố
Chị Hồ Ngọc Trâm, CEO Dalat Ecofarm. Ảnh: TL
Sau 2 năm kinh qua nhiều vị trí quản lý cấp cao tại một công ty Hàn Quốc, Hồ Ngọc Trâm (quê An Giang) đã quyết định có phần gây sốc là nghỉ việc để lên Đà Lạt trồng rau sạch. Với số vốn 60 triệu đồng được sếp tặng, Trâm cùng một người bạn là kỹ sư nông nghiệp quê tại Đà Lạt đem hết đầu tư cho Công ty Dalat Ecofarm và vườn rau tại huyện Đức Trọng.
Sản phẩm đầu tiên Dalat Ecofarm trồng là măng tây và xà lách, sau đó tới dưa leo, cà chua. Vốn thận trọng, Trâm đưa tới những vị đầu bếp nổi tiếng, nhờ họ dùng thử và góp ý. Không ngại đường sá xa xôi, Trâm lặn lội đến nhiều nông trại để tìm hiểu các phương pháp trồng rau quả hữu cơ.
Sau nhiều lần thử sai như vậy, sản phẩm mới được giới thiệu tới khách hàng tại các siêu thị mini ở TP.HCM. Sau đó, Ngọc Trâm mở cửa hàng nhỏ với 3 nhân viên và bắt đầu phân phối thực phẩm sạch ra nhiều tỉnh thành khác. Đến nay, Dalat Ecofarm có 3 vườn, mỗi vườn rộng 1ha. Hằng ngày, 3 vườn này cung cấp từ 500kg đến 1 tấn sản phẩm mỗi loại.
Sau 3 năm tạo dựng, đến nay, Ngọc Trâm đã sở hữu 2 công ty và 3 cửa hàng thực phẩm sạch với doanh thu 5-6 tỉ đồng/năm. Chị chia sẻ: “Vì sinh ra trong gia đình khó khăn nên mình tự nhủ lúc nào cũng phải mạnh mẽ, tự lập và cố gắng hết mình”.
Không dừng lại ở nông sản sạch, Trâm tiếp tục cùng một người bạn kỹ sư nghiên cứu kỹ thuật trồng dưa lưới tại Bình Phước sau một năm khởi nghiệp. Mẻ dưa lưới đầu tiên cho ra gần 2 tấn trái đã đặt ra một bài toán khó cho Trâm: Làm sao để tiêu thụ hết khi thị trường vẫn còn mặc định dưa lưới là loại trái cây dành cho nhà giàu vì giá thành đắt đỏ. Nhưng sự đam mê dưa lưới của cô gái trẻ đã thuyết phục một doanh nhân chấp nhận nhập toàn bộ số dưa lưới cho hệ thống cửa hàng tại Hà Nội, mở ra tiềm năng cho loại nông sản này tại thị trường miền Bắc. Sau đó, Ngọc Trâm cũng nhanh chóng hợp tác mở một cửa hàng nông sản riêng tại Bình Phước và được đón nhận nồng nhiệt từ chính quyền và người dân địa phương. Vì quá thích dưa lưới nên cô gái 8x còn có biệt danh Trâm Melon.
Năm 2018 là một năm biến động khiến Trâm thua lỗ đến 1,5 tỉ đồng vì nhiều biến cố bất ngờ. Nhưng Trâm vẫn quyết định mua lại Chợ Phố ở TP.HCM khi cửa hàng có nguy cơ đóng cửa vào năm 2018. Chợ Phố là cửa hàng đầu tiên chấp nhận mua từng bó rau của Ecofarm thời gian đầu. Để mua lại Chợ Phố, Trâm phải có số tiền đầu tư gấp 10 lần số vốn hiện có thông qua một số nhà đầu tư, bạn bè.
Đến 80% hàng hóa tại Chợ Phố là nhập khẩu, trong khi cửa hàng trước của Trâm chỉ bán rau trong nước, đối tượng khách hàng khác nhau. Trâm lúng túng dẫn đến thua lỗ. Khi nhận ra nguyên nhân chính là do chưa chuẩn bị về nhân sự và nguồn đầu ra cho sản phẩm thì cũng là lúc nhân sự và nhà đầu tư cá nhân ra đi vì mất niềm tin ở Trâm.
Ngọc Trâm cho biết: “Chấp nhận gắn bó với Chợ Phố đã giúp tôi bước qua một bước ngoặt rất lớn trong sự nghiệp và cuộc đời”. Rất may mắn, Trâm đã gặp được một người bạn là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tại Mỹ và cũng là cộng sự gắn bó lâu dài sau này. Chính người bạn này đã vạch ra kế hoạch tài chính và cùng Trâm đồng hành trên con đường phát triển Dalat Ecofarm bằng cách mua lại Chợ Phố.
Thế nhưng, những thành công hiện tại không thể khiến Trâm quên khó khăn khi có Chợ Phố trong tay. Mỗi sáng thức dậy, cô bị bủa vây bởi vô số áp lực, nợ ngân hàng, chi phí hằng tháng, phải tái cơ cấu và xây dựng lại cửa hàng trong tình trạng thiếu vốn, thiếu nhân sự… “Họa vô đơn chí”, trong khi Chợ Phố chưa ổn định, Trâm gặp tai nạn trên đường đi thăm nông trại tại Đà Lạt. Những ngày trên giường bệnh, không thể đi đứng và phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác, suy nghĩ của Trâm đã thay đổi rất nhiều...
Quyết tâm hơn trên con đường làm nông nghiệp sạch khi cô tham dự Chương trình đào tạo nữ doanh nhân ngành nông nghiệp do Lãnh sự quán Úc kết hợp cùng Trường Đại học Western và BSSC tổ chức. Chuyến đi này đã giúp Trâm lần đầu tiên được tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại của thế giới, tiếp thêm lửa và nhiệt huyết để tiếp tục bước đi trên con đường kinh doanh nông nghiệp sạch một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Sau một năm nỗ lực, Chợ Phố dần đi đến hòa vốn sau 1 năm tái khai trương. Đến nay, doanh thu đã tăng gấp 4 lần so với ngày đầu chuyển nhượng, thu về hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng. Ngoài ra, Công ty đã có đến 2 trang trại trồng rau sạch tại Đà Lạt, Long An. Một trang trại lớn Bình Phước, 1 trang trại Củ Chi trồng dưa lưới hữu cơ, cung cấp sản lượng lớn cho cả nước. Đặc biệt, sản lượng dưa lưới tại các trang trại đang tăng lên mỗi tháng gần 30-40 tấn. Hiện Trâm đang trong giai đoạn nghiên cứu sản phẩm và có thể xuất khẩu vào 2 năm tới với các sản phẩm dưa lưới sấy khô, dưa lưới dẻo...
Trâm mở rộng mảng bán lẻ và đang chuẩn bị để mở thêm 3-5 cửa hàng tại TP.HCM. Bán lẻ dưa lưới sẽ giúp Trâm tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và có thể giảm mức giá trung gian cho khách hàng đến 20%, Trâm chia sẻ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Diễm Trang