Hủy
Kinh Doanh

“Giải cứu” nguyên liệu cho khẩu trang y tế

Minh Anh Thứ Tư | 06/05/2020 11:37

Ảnh: tngfashion.vn

Không chỉ Việt Nam mà ngay cả Trung Quốc cũng khan hiếm vải kháng khuẩn, đó là lý do Wakamono Việt Nam nghiên cứu vải kháng khuẩn.
 

Qua màn hình trực tuyến, từ Canada ông Phan Quốc Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Wakamono Việt Nam đã chia sẻ về câu chuyện 90 ngày mất ngủ vì sáng chế vải kháng khuẩn.

Tăng sức cạnh tranh xuất khẩu về giá và chất lượng nguyên liệu đầu vào

Theo ông Công nhận định, COVID-19 là dịch bệnh nguy hiểm nên từ cuối tháng 12.2019 đội ngũ chuyên gia của Wakamono Việt Nam, chuyên nghiên cứu và đưa ra các sáng kiến về những nguyên liệu nano hữu cơ bằng công nghệ Nano Biotech. Đặc biệt, vải kháng khuẩn áp dụng công nghệ Nano Biotech của Wakamono thay thế hàng nhập khẩu đang khan hiếm trên thị trường.

Cũng theo ông, việc nghiên cứu và bản quyền công nghệ sản xuất của Wakamono cùng với việc sử dụng máy móc thiết bị sẵn có nên sản phẩm vải kháng khuẩn của Công ty có giá cạnh tranh so với hàng nhập khẩu nên mức giá hiện thấp hơn 30% so với giá thị trường. 

Ông Công cho biết, kết quả phân tích từ Phòng thí nghiệm phân tích - Analytical Laboratories (Singapore), BV Lab (Canada), Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã xác định vải kháng khuẩn nano thiên nhiên Wakamono an toàn và có khả năng diệt khuẩn tới 99,99%. Ngoài ra, hiệu quả kháng khuẩn của loại vải này đạt 99,9% theo tiêu chuẩn Mỹ AATCC 100.

Nhà máy đặt tại Khu Công nghệ cao quận 9, TP.HCM (SHTP) của Công ty Wakamono hiện có năng suất sản xuất khoảng 20 tấn loại vải này mỗi ngày và đã chạy hết công suất. Tuy nhiên Công ty cũng đang xúc tiến để nâng công suất lên đạt 50 tấn/ngày vì quá nhiều đơn hàng được đặt.

Hiện có một số đối tác ở Thái Lan, Nam Phi, Phillipines, Hàn Quốc... đã tìm đến để mua sản phẩm, nhưng Công ty chỉ tập trung cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may và sản xuất khẩu đồ bảo hộ y tế Việt Nam. Đã có 20 doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng và sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn này của Wakamono. Chằng hạn như 2 ông lớn trong ngành dệt may là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn đã sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn của Wakamono cung cấp.

Phòng nghiên cứu của Vikamono. Ảnh: Vikamono cung cấp
Phòng nghiên cứu của Wakamono. Ảnh: Vikamono cung cấp

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sáng kiến này của Wakamono góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh xuất khẩu về giá và chất lượng nguyên liệu đầu vào, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề sản xuất và việc làm cho đội ngũ lao động đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Giải bài toán phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc

Sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế của Việt Nam hiện còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu của Trung Quốc. Đối với riêng mặt hàng khẩu trang y tế, theo thông tin từ Bộ Công Thương, hai loại nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế là vải không dệt và vải kháng khuẩn.

Trong đó, trong nước đã sản xuất được vải không dệt và thời gian tới có thể tăng cường sản lượng nhưng không nhiều. Riêng vải kháng khuẩn, hiện Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% từ Trung Quốc, 30% còn lại nhập từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật, châu Âu...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh và nhu cầu về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng cao, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu; Hàn Quốc và Nhật rơi vào tình trạng khan hàng, không có nguồn cung để xuất khẩu; còn nhập khẩu từ châu Âu thì giá rất cao. Nhiều nước khác cũng có nguồn nguyên liệu nhưng doanh nghiệp dệt may khó tiếp cận và nếu tiếp cận được thì giá cũng rất cao.

Theo nhiều doanh nghiệp, giá nguyên liệu sản xuất khẩu trang tại Việt Nam tăng nhanh, có nơi tăng đến 60-70% so với trước Tết. Giá cao khiến cho mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế của các doanh nghiệp Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh rất lớn đến từ Trung Quốc hay các quốc gia khác có thế mạnh về hàng dệt may.

Ông Công nhận định, việc Thủ tướng Chính phủ gần đây yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện ngay các thủ tục cần thiết, tháo gỡ ngay các rào cản để xuất khẩu khẩu trang y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế... sẽ là cơ hội thuận lợi để sản phẩm Công ty có cơ hội tăng công suất nhằm xuất khẩu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới