Hủy
Kinh Doanh

Kinh tế năm 2014 vẫn đối mặt với nhiều cú sốc

Thứ Sáu | 13/12/2013 11:44

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” diễn ra tại Hà Nội 12/12/2013.
 

Theo bà Mai Thị Thu-Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư), năm 2014 là năm nhiều cơ chế, chính sách sẽ đồng thời phát huy tác dụng. Theo đó, mục tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10% hoàn toàn có thể đạt được nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu ngày càng hoàn thiện theo hướng tích cực.

Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu thiết yếu do vậy ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU… Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử- máy tính- linh kiện và dệt may- giày dép vẫn còn rất tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, giày dép đã nhận được đơn hàng quý I và II/2014.

Tuy nhiên năm 2014, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp, cân đối ngân sách còn nhiều thách thức và các DN vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn; sức mua kém, tồn kho vẫn cao...

Phân tích nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng chủ yếu là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, khiến cho mức tăng giá thấp. Năm 2014, dự báo số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thể sẽ vẫn tăng và tổng số vốn đăng ký thành lập mới của DN vẫn giảm (11 tháng năm 2013 đã giảm 15,4%). Nhìn chung nền kinh tế sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, dòng tín dụng chưa được hấp thụ tốt, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khiến sản xuất khó tăng trưởng mạnh.

Theo các nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, năm 2014, trên thế giới lĩnh vực tài chính tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro lớn. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2014. Hơn nữa, thị trường lao động việc làm sẽ tiếp tục ảm đạm vào năm 2014.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị: Việt Nam cũng phải đề phòng những cú sốc từ bên ngoài có thể tác động tới giá cả trong nước, chẳng hạn những biến động khó lường do tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, Đông Á. Hay việc tham gia TPP cũng tạo ra áp lực cho Việt Nam khi ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến chưa phát triển. Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và việc điều chỉnh chính sách, mô hình tăng trưởng của các nước mới nổi với xu hướng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có thể giảm.

Nguồn Dân việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới