Hủy
Kinh Doanh

Lên thẻ chip

Việt Dũng Thứ Ba | 11/06/2019 10:00

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trải nghiệm tính năng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa. Ảnh: VD

Thay đổi công nghệ thẻ là sự kiện lớn của giới ngân hàng.
 

Sự thay đổi về công nghệ thẻ thanh toán nội địa được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho người dân quẹt thẻ nhiều hơn trong thời gian tới.

Thay đổi công nghệ

Đến hết năm 2021, toàn bộ số thẻ thanh toán nội địa hiện nay (hay gọi là thẻ ATM) sẽ biến mất và thẻ mới được gắn thêm chip thay cho công nghệ thẻ từ cũ kỹ. Trên thực tế, công nghệ thẻ chip theo tiêu chuẩn quốc tế EMV đã được giới thiệu từ lâu với các dòng thẻ tín dụng gắn tên của các tổ chức như Visa, MasterCard hay JCB. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành thẻ Việt Nam bởi từ bây giờ, thẻ quốc tế và thẻ nội địa đã không còn nhiều khác biệt.

Trước hết, sự thay đổi về mặt công nghệ là cần thiết bởi trên thực tế, việc thẻ từ bị skimming (lấy cắp thông tin) vẫn còn tồn tại rất nhiều. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip.

Cùng lúc với sự ra mắt công nghệ thẻ chip nội địa của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), có 7 ngân hàng nhanh chân phát hành thẻ mới và chuyển đổi thẻ cũ cho khách hàng, bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và các ngân hàng tư nhân gồm Sacombank, TPBank và ABBank. Nhóm này chiếm thị phần lớn về lượng thẻ nội địa phát hành trên thị trường.

Len the chip
 

Từ góc độ này, các chủ thẻ hiện hữu buộc phải đổi thẻ công nghệ mới cũng là một cơ hội để thị trường loại bỏ bớt các loại thẻ rác, được định nghĩa là thẻ không kích hoạt hoặc thẻ không sử dụng, vốn chiếm đến 41,7% trong tổng số 132 triệu thẻ ngân hàng, theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng vào năm ngoái.

Như vậy, trong số hơn 70 triệu thẻ từ đang lưu hành, các chủ thẻ có nhu cầu giao dịch thật sự sẽ tự nguyện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. “Việc chuyển đổi loại thẻ cũng là cơ hội để các ngân hàng nhìn nhận lại việc sử dụng thẻ thực tế của khách hàng, để có những cơ chế và chương trình phù hợp nhằm kích thích khách hàng giao dịch nhiều hơn”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn còn nằm ở vấn đề chi phí, đặc biệt là với những ngân hàng có số lượng thẻ nội địa đang lưu hành lớn. Việc chuyển đổi tốn kém không chỉ vì chi phí thẻ chip (cao gấp 5-7 lần so với phôi thẻ từ), mà còn chi phí nâng cấp hệ thống cho việc phát hành và chấp nhận thẻ nội địa.

Len the chip
 

“Để có thể chuyển đổi được toàn bộ thì cũng là một bài toán không hề đơn giản và tùy từng thực trạng triển khai ở mỗi ngân hàng để có thể đưa ra được lộ trình chuyển đổi cho phù hợp”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank, nhận định.

Ví dụ, Vietcombank hiện có 14 triệu thẻ đang lưu hành, chiếm gần 20% thị phần số lượng thẻ và trên 20% thị phần doanh số sử dụng. Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank, cho biết ngân hàng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng tốt nhất cho quá trình chuyển đổi, nhưng cũng cần sự phối hợp từ phía khách hàng để các ngân hàng đạt mục tiêu đề ra.

Không chỉ có 7 ngân hàng đầu tiên rốt ráo với việc chuyển đổi, nhiều ngân hàng khác cũng cam kết tiến hành theo lộ trình mà cơ quan quản lý vạch ra. Chẳng hạn, TPBank sẽ có những chương trình ưu đãi phí cho khách hàng trong giai đoạn đầu chuyển đổi.

Sacombank sẽ không thay đổi phí phát hành và phí thường niên hay thu thêm phí khác liên quan đến việc sử dụng thẻ chip, đồng thời thực hiện chuyển đổi miễn phí cho khách hàng có nhu cầu trong tháng 6 và tháng 7. Còn Vietcombank đặt mục tiêu hạn chế tối đa phát sinh thêm chi phí cho khách hàng khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip và không làm ảnh hưởng đến việc thanh toán của khách hàng.

Thay đổi thói quen

Thẻ thanh toán nội địa công nghệ mới được ra mắt với kỳ vọng đặt ra rất lớn của cơ quan quản lý lẫn các ngân hàng trong quá trình phát triển kinh tế không sử dụng tiền mặt. Một điểm nhấn mới của thẻ chip là người dùng có thể thanh toán các khoản mua hàng có giá trị nhỏ (mức mà NAPAS đề xuất là 1 triệu đồng, cụ thể tùy ngân hàng) mà không cần phải xác thực thông tin (không cần xác nhận lại mã PIN, hay ký tên như thẻ tín dụng).

Cơ hội cho thẻ nội địa còn nằm ở tiềm năng con chip gắn thêm. “Với công nghệ thẻ chip thông minh, thông tin của chủ thẻ sẽ được bảo mật tốt hơn và hệ sinh thái dịch vụ xoay quanh thẻ sẽ được kết nối rộng rãi hơn nhờ khả năng lưu trữ thông tin nhiều hơn, thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng thanh toán trong giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên cùng một chiếc thẻ”, ông Tâm, Sacombank, nhận định.

Len the chip
 

Hiện nay, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là cạnh tranh khốc liệt, tốc độ tăng trưởng thẻ nội địa khoảng 15%/năm, thẻ tín dụng 10%/năm. Thẻ nội địa được nâng cấp trong bối cảnh xã hội hiện đang bùng nổ phong trào các loại hình thanh toán tiện dụng khác như ví điện tử hay QR Code nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng và bảo mật. “Tỉ lệ tăng trưởng doanh số giao dịch thanh toán của thẻ nội địa trong 3 năm trở lại đây có phần chậm lại do sự phát triển mạnh mẽ từ thẻ quốc tế và một số ứng dụng tài chính”, đại diện Sacombank nhận định.

Dù vậy, tiềm năng thẻ thanh toán nội địa vẫn còn rất lớn. Theo ông Hưng, TPBank, trong khoảng 5 năm tới, việc thanh toán qua thẻ nội địa vẫn là kênh phổ biến. Việc thanh toán qua QR hay qua thẻ cơ bản vẫn là bình thông nhau, có thể tồn tại song song. “Với công nghệ chip dual lần này, thẻ nội địa đã tiến lên một bước phát triển mới. Số lượng và doanh số thẻ nội địa trong thời gian tới sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ”, ông Tâm, Sacombank, đặt kỳ vọng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới