Hủy
Kinh Doanh

"Liều thuốc EVFTA" cho thị trường dược phẩm

Hoàng Hà Thứ Hai | 27/07/2020 08:30

AstraZeneca cam kết đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng vào thị trường Việt Nam.

Với EVFTA, doanh nghiệp dược Việt sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp đến từ EU.
 

Mở cửa chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối

Một nghiên cứu mới đây của BMI Research cho thấy, trong vòng 5 năm tiếp theo, ngành dược Việt Nam được dự đoán tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới. Dự báo từ Công ty Nghiên cứu thị trường IBM về độ lớn thị trường dược phẩm của Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2021 và 16,1 tỉ USD năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, để cạnh tranh với dòng thuốc giá rẻ của Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều công ty dược của Mỹ đã nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược ở những nước có thị trường dược chưa phát triển như Việt Nam, để có thể sử dụng lao động giá rẻ hơn, nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Vì vậy, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, từ đó xuất sang các quốc gia khác. Rất nhiều dự án có quy mô khá lớn đã được khởi động như dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (TP.HCM) giữa Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) và Tập đoàn Dược phẩm Sanofi của Pháp với tổng mức đầu tư 80 triệu USD.

Mới đây, thị trường dược Việt Nam đã chính thức đón nhận thêm một nhà sản xuất dược lớn của thế giới là AstraZeneca Việt Nam trực thuộc Tập đoàn AstraZeneca (Anh). Tập đoàn này cam kết đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng (xấp xỉ 220 triệu USD) vào Việt Nam giai đoạn 2020-2024.

Đáng chú ý, AstraZeneca Việt Nam đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị trong nước, trong đó có lĩnh vực phân phối dược phẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: “Đây là một trong những thỏa thuận đầu tiên giữa một doanh nghiệp phân phối thuốc trong nước với một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia”. Theo lộ trình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam theo đúng quy định.

 


Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, cho biết AstraZeneca được phép thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu dược tại Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình vận hành để bệnh nhân tại Việt Nam được tiếp cận sớm hơn các giải pháp điều trị tiên tiến trên thế giới.

Với chính sách này, sản phẩm dược phẩm khi được nhập khẩu và quản lý trực tiếp bởi chính nhà sản xuất là các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia sẽ giúp ổn định nguồn hàng, rút ngắn thời gian cung ứng sản phẩm.

Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế trong dịch vụ phân phối thuốc bao gồm cả các dịch vụ kho bãi và vận chuyển... Nhưng khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp đến từ EU như AstraZeneca. Doanh nghiệp dược phẩm của Việt Nam có lý do để lo lắng khi doanh nghiệp dược EU có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối tại thị trường Việt.

Thực tế, hiện nhiều loại thuốc nội chất lượng đã tương đương thuốc ngoại mà giá chỉ bằng 1/20 nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng thuốc ngoại. Ngay như thị trường thuốc trong bệnh viện chiếm tới 65% thị trường thuốc cả nước, thuốc ngoại chiếm ưu thế do thuộc nhóm ưu tiên trong đấu thầu. Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, Việt Nam đã chi 3,07 tỉ USD cho thuốc nhập khẩu (+10,2%) trong năm 2019; gần 55% trong số này nhập từ EU (+12%).

 

Thúc đẩy cuộc đua toàn diện

Động lực này thúc đẩy cả công ty trong nước và nước ngoài trong cuộc đua toàn diện từ sản xuất đến phân phối tại thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp sản xuất dược lớn như Dược Hậu Giang, Bidiphar, Imexpharm, Pymepharco... đang có các khoản đầu tư lớn để nâng cấp nhà máy, hứa hẹn sẽ tạo bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, đầu tư công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu GMP - EU với chi phí khoảng 300 tỉ đồng là rào cản khó vượt qua đối với doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Traphaco, dù sẵn sàng đầu tư GMP - EU nhưng thương hiệu chưa thể bằng các doanh nghiệp EU nên vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.

Trong khi đó, các công ty dược phẩm nước ngoài có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn nhằm giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, Taisho mua lại Dược Hậu Giang trong năm 2019. KT Kimia Farma, một công ty dược phẩm của Indonesia, đang xem xét mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm Việt Nam.

Gần đây, Bidiphar đã đề xuất nới room ngoại lên 100%. Vì vậy, trước cơ hội EVFTA mang lại cho thị trường dược, dự đoán sẽ có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực dược phẩm trong những năm tới khi Chính phủ có kế hoạch giảm tỉ lệ sở hữu tại các công ty dược phẩm trong nước.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới