Lizks: Hệ sinh thái âm nhạc kiểu mới
Sơn Phạm
“Tôi hát không hay nhưng rất yêu âm nhạc. Một bài nhạc hay có thể làm tôi bỏ đũa, nhảy theo rồi tiếp tục ăn sau cũng được”, Võ Đức Thọ, nhà sáng lập và CEO của Hanet, hóm hỉnh chia sẻ.
Lấy cứng nuôi mềm
Là thương hiệu sinh sau đẻ muộn nhưng Hanet đã chiếm tới 30% thị phần đầu karaoke. Có cách đi khác biệt, vị trí của Hanet được xác lập không chỉ bằng việc bán đầu đĩa như những đối thủ khác.
Tại Trung tâm thương mại Pearl Plaza (TP.HCM), nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú khi có thể làm ra một MV (music video) riêng chỉ với 20.000 đồng. Một studio di động kim loại chắc chắn, có khoang chứa được 2 người, cách âm, thoáng đãng tên Lizks là sản phẩm Hanet đang đưa vào thử nghiệm. Với studio này, các bạn trẻ có thể vừa hát, thu âm, thu hình để tạo MV theo ý muốn, tùy chọn hiệu ứng khuôn mặt, phông nền với hình ảnh chuẩn HD. “Tôi đã có được một MV đẹp để khoe với bạn bè trên Facebook hay SoundCloud. Lizks là một trải nghiệm khá vui!”, Hải Đăng, 25 tuổi ở Bình Thạnh, cho biết.
Với ý tưởng muốn cung cấp một sản phẩm giải trí cho khách hàng trong thời gian chết, như chờ tại rạp chiếu phim, lang thang ở trung tâm thương mại... Lizks được Hanet phát triển trong 2 năm qua từ phần cứng đến phần mềm. Các phòng karaoke mini hiện nay chỉ hát được trên nền âm thanh. Trong khi đó, Lizks phát triển trên nền tảng video, khách hàng sau khi trải nghiệm chỉ cần quét QR code hoặc nhập số điện thoại để nhận MV về, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội.
Lizks là một dự án startup trong doanh nghiệp của Hanet. So với những thương hiệu khác như Arirang, Việt KTV, Acnos Sơn Ca... thì điểm sáng của Hanet là khả năng sáng tạo. Đây là doanh nghiệp tiên phong những công nghệ mới trong trải nghiệm karaoke như chọn bài hát bằng máy tính bảng, hay gần đây là chọn bài hát bằng giọng nói, tăng doanh thu cho trung tâm karaoke nhờ dữ liệu lớn (big data).
“Bán phần cứng chỉ là bước đệm để tạo độ phủ, từ đó tạo ra hiệu quả kinh doanh nhờ những dịch vụ theo sau”, anh Thọ chia sẻ. Trước đây, chủ các cửa tiệm karaoke khó kiểm soát được hoạt động khi không ở quán. Vì vậy, các đầu thu của Hanet là đơn vị đầu tiên cung cấp phần mềm quản lý giúp chủ quán biết có bao nhiêu phòng hoạt động, vận hành hiệu quả không, liên kết với thiết lập hóa đơn để tránh thất thoát...
Cách đây 4-5 năm, hệ thống đầu karaoke kết nối internet đã từng bước giúp Hanet xây dựng dữ liệu lớn, mà theo anh Thọ, là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, để phân tích và hiểu được hành vi khách hàng nhằm tăng doanh thu cho trung tâm karaoke. Ví dụ, hệ thống big data có thể “hiểu” được một khách hàng nữ, 25 tuổi có sở thích gì để đề xuất bài hát tiếp theo, đề xuất cho khách ăn thêm gì, uống thêm gì... giúp tăng vài trăm ngàn đồng cho mỗi hóa đơn. Tính tổng trên doanh thu tháng là con số không hề nhỏ.
Công nghệ phân tích giọng nói và trí tuệ nhân tạo đang được Hanet chạy thử nghiệm. Về lâu dài, khả năng máy sẽ từng bước cải thiện để nhận diện được các giọng nói vùng miền, biết gọi phục vụ theo yêu cầu của khách nói trên micro. Doanh thu của Hanet trong năm qua là 10 triệu USD, tốc độ tăng trưởng 20%, phần lớn đến từ bán đầu karaoke, nhưng từ năm 2018 tỉ lệ này sẽ đến từ dịch vụ nhờ những ý tưởng “táo bạo”.
Gần đây, trước quy định mỗi bài hát trong phòng karaoke phải đóng phí 2.000 đồng cho Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), Hanet là cái tên tiên phong nghĩ ra mô hình để các trung tâm karaoke không những không phải đóng tiền, mà còn được tăng doanh thu nhờ tích hợp quyền lợi của các đối tượng liên quan. Theo đó, 20.000 phòng hát đang sử dụng thiết bị của Hanet sẽ hiển thị quảng cáo trên màn hình karaoke. Doanh thu từ quảng cáo sẽ chi trả mức phí RIAV yêu cầu, đồng thời chia thêm 10% cho trung tâm karaoke, 30% cho các đại lý quảng cáo, 15% cho Hanet và 20% để tái đầu tư hệ thống.
Công nghệ karaoke
Thị trường karaoke tại Việt Nam phát triển không ngừng trong thời gian qua. Hơn 50% người được hỏi chọn quán karaoke là điểm đến trong những cuộc vui và sẵn lòng chi trả 100.000 -300.000 đồng/lần hát, theo khảo sát của Q&Me. Tuy vậy, lợi nhuận nếu chỉ bán thiết bị, phần cứng karaoke, theo anh Thọ, là không hấp dẫn. Đó là lý do mà cách Hanet làm là thể hiện của một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực karaoke, chứ không phải một công ty kinh doanh thiết bị karaoke.
Lizks là một điển hình. Lizks studio mới chỉ là bước đầu để dẫn dụ khách hàng tiếp tục sử dụng Lizks App trên thiết bị di động để lấy MV về, sau đó chia sẻ, sinh hoạt trong một cộng đồng mà Lizks xây dựng. “Xây dựng một hệ sinh thái cho những người yêu ca hát là ước mơ của tôi”, anh Thọ chia sẻ.
Lizks là biến thể khi chữ “n” của Links (liên kết) được quay ngang thành chữ “z”. Tiềm năng của mô hình rất lớn khi thị trường karaoke booth tại Trung Quốc được định giá đến 470 triệu USD. Đó là lý do Hanet tập trung cho thị trường trong nước, Lizks hướng đến thị trường toàn cầu như một công ty độc lập, được anh Thọ đặt mục tiêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư và niêm yết trong vài năm tới. Lizks được Hanet phát triển từ công nghệ đến thiết kế, sản xuất, lắp đặt... nên sẽ là một khoảng cách cho đối thủ muốn thực hiện mô hình tương tự.
Ngoài studio Lizks, người dùng có thể hát mọi nơi qua ứng dụng Lizks trên điện thoại, Lizks lắp đặt ở smart TV tại nhà. Theo tính toán của Hanet, mỗi studio Lizks có mức đầu tư 150 triệu đồng, dự kiến có doanh thu từ 1.000-2.000 USD/tháng. Tỉ suất lợi nhuận 30-40% sẽ giúp hòa vốn sau 7 tháng đến 1 năm. Từ nay đến cuối năm, Hanet dự định đặt 500 studio Lizks tại các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và đã thiết lập công suất sản xuất 10.000 chiếc cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy vậy, tương tự Hanet, nguồn thu tương lai của Lizks không đến từ thu tiền của khách hát mà từ quảng cáo trên màn hình, hoặc biết đâu là màn hình quảng cáo phía bên ngoài của các studio.
Theo Hanet, mô hình quảng cáo này đem lại hiệu quả có thể đo lường khi trí não con người lúc hát, lúc hưng phấn có thể tiếp thu và có cảm tình với những thương hiệu được quảng bá hơn so với lúc căng thẳng, như đang ngồi làm việc trên máy tính, thường đem lại cảm giác bực dọc.
Khởi nghiệp từ năm 19 tuổi ở quê Hạ Long bằng việc lắp ráp máy tính, viết phần mềm. Đam mê qua nhiều năm thúc đẩy anh Thọ thành lập công ty hoạt động về công nghệ vào năm 2005. Theo lời kể của anh, Công ty khi đó trúng gói thầu 2 tỉ đồng về cung cấp hệ thống máy tính, hạ tầng mạng cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hạ Long. Mọi người vừa làm vừa... run trước những việc chưa từng làm. Dự án êm xuôi, anh mới thở phào và tự tin hơn.
Cùng năm đó, phần mềm karaoke anh viết cho quán của người bạn trở nên đắt khách khi quán là nơi đầu tiên cập nhật những bài hát mới nhất. Tiếng lành đồn xa, các quán karaoke trong thành phố đặt hàng tới tấp, đưa tiền trước nhận hàng sau. Dần dần, anh tìm đến những thị trường lớn hơn, những người giỏi hơn để học hỏi và chính thức lập nghiệp tại TP.HCM và phát triển mạnh thị trường phía Nam. Đến nay, Hanet có khoảng 150 nhân sự thạo việc. Còn người sáng lập vẫn tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, cách làm sáng tạo để chinh phục. “Vì tôi nghiện cảm giác có sức ép để bản thân gồng mình cố gắng”, anh Võ Đức Thọ cho biết.
Lan Anh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư