Hủy
Kinh Doanh

Một nửa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dễ gặp nguy cơ mất cân đối tài chính

Thứ Tư | 18/07/2012 09:59

Theo kiểm toán Nhà nước, 11/21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.
 

Sáng nay (18/7), kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2011, trong đó nổi bật có báo cáo về tình hình 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo đó, năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi như lãi suất ngân hàng, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao..., nhưng 19/21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được kiểm toán vẫn có lãi, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 lỗ 8.416 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.

Tại nhiều doanh nghiệp, tỷ  lệ vốn bị chiếm dụng cao, như nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 50,88%, Tổng công ty Xây dựng đường thủy là 37,58%, tập đoàn HUD là 22,73%, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng 22,49%...

Một số đơn vị đưa tài sản cố định vào sử dụng nhưng chưa quyết toán; không nghiên cứu kỹ nhu cầu nên sử dụng tài sản cố định sau đầu tư không hiệu quả.

Ngoài ra, kiểm toán Nhà nước cho biết, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ các doanh nghiệp không lớn nhưng đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nươc có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính.

Cụ thể, đầu tư ngoài ngành của công ty mẹ - Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; công ty mẹ - Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) là 1.828,8 tỷ đồng (không bao gồm điện, năng lượng), bằng 12,09% vốn điều lệ; công ty mẹ EVN là 4.511,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ...

11/21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính.

Cụ thể, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn 9,19 lần, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng 4,79 lần, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện 4,12 lần, tập đoàn HUD 4,01 lần, EVN 3,83 lần, Vinalines 3,12 lần, TKV 2,15 lần...

Một số doanh nghiệp cũng huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn.

Nguồn DVT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới