Hủy
Kinh Doanh

Navibank, ACB không nhận là nguyên đơn vụ án Huyền Như

Thứ Hai | 06/01/2014 22:59

Nếu Ngân hàng VietinBank không được xác định là bị đơn dân sự.
 

Sáng ngày 6-1, Tòa án Nhân dân TPHCM đã đưa vụ án Huỳnh Thị Huyền Như ra xét xử. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank, ACB… đã đề nghị Hội đồng xét xử tạm hoãn phiên tòa để xác định lại tư cách nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án; cũng như Hội đồng xét xử cần triệu tập thêm một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án như Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên), nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB...

Tại tòa, luật sư của Navibank cho rằng Navibank không thể là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự này (như xác định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tòa án), vì Navibank chưa bao giờ cho rằng bà Huyền Như chiếm đoạt tài sản của mình. Số tiền hơn 200 tỉ đồng của Navibank được cáo trạng xác định do bà Huyền Như chiếm đoạt thực chất là số tiền mà Navibank gửi vào tài khoản ở VietinBank nên VietinBank phải chịu trách nhiệm.

Tương tự, luật sư của ACB cũng cho rằng số tiền hơn 718 tỉ đồng của ACB "bị mất" trong vụ án này được gửi vào VietinBank, sau đó Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối rút số tiền này từ VietinBank.

"Nếu xác định ACB là nguyên đơn dân sự trong vụ án này thì Vietinbank phải là bị đơn dân sự mới hợp lý", vị luật sư nói.

Ngoài ra, các luật sư tại phiên tòa còn cho rằng, phiên tòa không triệu tập lãnh đạo VietinBank (những người ký hợp đồng vay tiền của các khách hàng) cùng một số cá nhân có liên quan đến vụ án (ký các hợp đồng vay vốn) như ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB)… là không thỏa đáng nên kiến nghị hoãn.

Tuy nhiên, sau gần một tiếng đồng hồ tạm dừng phiên tòa để hội ý, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM, chủ tọa phiên tòa cho biết đề nghị của các luật sư không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Ông Sáu cho biết, cáo trạng đã xác định 15 nguyên đơn dân sự và 79 tổ chức cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
"Vì vậy, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập thêm", ông Sáu nói.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 6-1-2014 đến ngày 25-1-2014. Tuy nhiên, theo chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, phiên tòa có thể kết thúc sớm hoặc kéo dài tùy vào diễn biến của các vụ việc trong quá trình xét xử.

Theo cáo trạng của Viên kiểm sát nhân dân tối cao, Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro của VietinBank chi nhánh TPHCM (sau này được bổ nhiệm thêm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ).

Từ năm 2007, bà Huyền Như với vai trò là cán bộ tín dụng ngân hàng VietinBank đã vay trên 200 tỉ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc làm ăn thua lỗ, lại phải trả lãi suất cao nên bà Huyền Như mất khả năng thanh toán. Có nghiệp vụ ngân hàng và lợi dụng là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, bà Huyền Như giả danh VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM huy động tiền.

Từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, bà Huyền Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng… lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, bà Huyền Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.

Đa phần số tiền chiếm đoạt được bà Huyền Như dùng để trả tiền vay nặng lãi cho 14 cá nhân (hơn 1.200 tỉ đồng), chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân hơn 42 tỉ đồng, trả nợ gốc, nợ lãi cho 4 công ty hơn 925 tỉ đồng.

Cũng theo bản cáo trạng, tháng 5-2011, bà Huyền Như huy động được hơn 2.500 tỉ đồng của 3 pháp nhân: Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên với thỏa thuận mức lãi tiền gửi là 18-22%/năm tùy vào số tiền và thời hạn gửi. Sau khi tiền của các công ty này được chuyển vào tài khoản của họ tại VietinBank chi nhánh TPHCM, bà Huyền Như đã làm giả 127 lệnh chi, chữ ký của các giám đốc công ty để rút tiền đem trả nợ cho những người đã vay trước đó, đến nay còn chiếm đọat gần 1.600 tỉ đồng.

Từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, bà Huyền Như đã huy động của ACB hơn 1.100 tỉ đồng dưới danh nghĩa tiền gửi của 19 nhân viên của ngân hàng đứng tên với mức lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8 đến 4,5%. Sau đó, bà Huyền Như làm giả lệnh chi, chuyển tiền từ những tài khoản các khách hàng này mở tại VietinBank TPHCM và Nhà Bè để trả nợ và chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỉ đồng.

Tương tự, Ngân hàng Navibank thông qua 14 nhân viên gửi 1.543 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM với lãi suất từ 16,5% - 22,5% cũng bị bà Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng. Bà Huyền Như còn huy động của Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông và Công ty đầu tư An Lộc gửi vào VietinBank chi nhánh TPHCM 1.860 tỉ đồng với lãi suất 14%/năm, trả ngoài hợp đồng 5 - 5,5%/năm đã bị Huyền Như chiếm đoạt 550,35 tỉ đồng…

Được xác định là người cầm đầu vụ án, bà Huyền Như bị truy tố về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" với mức án tối đa là chung thân. Với vai trò là người giúp sức tích cực cho Huyền Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng và chiếm đoạt, Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) cũng bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan đến vụ án, 21 bị cáo khác cũng bị truy tố về một trong các tội lừa đảo, cho vay lãi nặng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, có 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc ngân hàng VietinBank và nhiều giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp.

Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới