Hủy
Kinh Doanh

Sợi Thế Kỷ trước giờ G

Thứ Ba | 04/08/2015 13:00

Việt Nam chỉ có 5 công ty đủ khả năng sản xuất sợi DTY, Trong đó, Sợi Thế Kỷ và Hưng Nghiệp Formosa đang vượt trội 3 công ty còn lại.
 

Trong danh sách công ty dự kiến sẽ niêm yết trong quý III tới, Sợi Thế Kỷ là cái tên được chú ý. Công ty này từng tạo sức hút ngay từ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cách đây hơn nửa năm. Ở thời điểm đó (9.12.2014), đã có 103 nhà đầu tư tranh mua với lệnh đặt mua gấp gần 3 lần lượng đặt bán. Kết quả là 5 triệu cổ phần của Sợi Thế Kỷ (gồm 3 triệu cổ phần do Công ty phát hành và 2 triệu cổ phần thoái vốn của Red River Holding) đã nhanh chóng bán sạch với giá đấu bình quân là 24.124 đồng/cổ phiếu, cao hơn 34% so với giá khởi điểm.

Có nhiều lý do khiến Sợi Thế Kỷ lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư. Xét yếu tố ngành, Sợi Thế Kỷ hoạt động trong ngành sản xuất sợi tổng hợp polyester filament (PFY) bao gồm sợi DTY và sợi FDY. Đây đều là những loại sợi được dùng trong dệt may cao cấp, đồ thể thao, phụ kiện và dây an toàn. Theo Technopak, công ty tư vấn quản lý về ngành dệt may, xu hướng thế giới là chuyển sang dùng sợi PFY thay thế sợi bông và dự báo sợi PFY sẽ tăng bình quân hằng năm 5%/năm để đến năm 2021 có thể chiếm 42% tổng nhu cầu sợi trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, nhu cầu sử dụng sợi PFY trên toàn cầu ngày càng tăng, từ 15 triệu tấn năm 2005 lên 32 triệu tấn năm 2014 và thị phần theo đó cũng tăng từ 21% lên 34%. Và khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Nhật (EPA), với châu Âu (EVFTA), với Hàn Quốc (KVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhu cầu sợi trên thị trường Việt Nam được dự báo sẽ càng tăng cao. Bởi lẽ, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, sản phẩm may mặc phải có nguyên liệu vải (khi xuất vào thị trường châu Âu, Nhật) hoặc nguyên liệu sợi (khi vào thị trường Mỹ) xuất xứ từ các nước thành viên.

Nhưng Việt Nam hiện chỉ có 5 công ty đủ khả năng sản xuất DTY. Trong đó, Sợi Thế Kỷ và Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) là 2 công ty cung cấp sợi DTY chất lượng cao, vượt trội hơn so với Hualon, Đồng Tiến Hưng và PVTex. Vì thế, dù hoạt động hết công suất nhưng các công ty sợi này vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn sợi DTY, FDY và POY (nguyên liệu sản xuất DTY). Riêng ở Sợi Thế Kỷ, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Đặng Triệu Hòa, năng lực sản xuất của Công ty mới chỉ đáp ứng được 60-65% khả năng tiêu thụ của khách hàng hiện hữu. Đặc biệt, trước xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhu cầu sợi có thể lên tới hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.

Trước cơ hội này, từ tháng 5.2014, Sợi Thế Kỷ đã đầu tư thêm nhà máy sợi mở rộng Trảng Bàng 3. Khi dự án được hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, tổng công suất của Sợi Thế Kỷ sẽ được tăng từ 37.000 tấn sợi DTY và FDY/năm lên khoảng 52.000 tấn/năm. Khi đó, Công ty ước tính sẽ ghi nhận doanh thu đột biến. Hiện tại, từ đầu tháng 7 năm nay, Sợi Thế Kỷ đã đưa 50% công suất dự án Trảng Bàng 3 đi vào hoạt động. Dự án này ước tính đóng góp thêm 10% doanh thu cho Công ty vào năm 2015. Ngoài ra, Công ty cũng đang triển khai đầu tư dự án mở rộng Trảng Bàng 4. Theo dự kiến, từ quý III/2016 khi dự án Trảng Bàng 4 đi vào khai thác chính thức, công suất sản xuất của Sợi Thế Kỷ sẽ đạt khoảng 60.000 tấn/năm.

Soi The Ky truoc gio G
Tình hình kinh doanh và sản xuất của Sợi Thế Kỷ trong năm 2014 và kế hoạch năm 2015

Đáng chú ý, theo thông tin từ Sợi Thế Kỷ, toàn bộ sản phẩm sợi tăng thêm ở nhà máy mở rộng Trảng Bàng 3 đều đã có đầu ra, chủ yếu bán cho khách hàng truyền thống tại thị trường châu Âu và châu Á. Trên thực tế, 75-85% doanh thu của Sợi Thế Kỷ đến từ xuất khẩu và số lượng khách hàng, đơn hàng của Sợi Thế Kỷ đều tăng lên qua từng năm. Theo báo cáo từ Ban Tổng Giám đốc và Hội đồng Quản trị, năm 2014 lượng khách hàng mới của Sợi Thế Kỷ đã tăng 21%, còn đơn hàng mới tăng 37%. Đặc biệt, trong hơn 250 khách hàng giao dịch thường xuyên của Công ty, tốp 10 khách hàng chiếm đến 46% doanh thu năm 2014. Phần lớn khách hàng của Sợi Thế Kỷ đều là những đơn vị sản xuất dệt may cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Uniqlo, Reebok, Columbia, Puma… Ngoài ra, Công ty còn cung cấp sợi cho các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như Formosa Taffeta, May Thành Công, Dệt Thái Tuấn…

Hiện tại, theo ông Đặng Triệu Hòa, với việc đầu tư thiết bị công nghệ và hệ thống quản trị tiên tiến, Sợi Thế Kỷ đã có thể cạnh tranh tốt về chất lượng lẫn giá cả với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong ngành sợi PFY như Formosa. Nhưng Sợi Thế Kỷ vẫn tìm cách gia tăng sức cạnh tranh cũng như gia tăng giá trị kinh doanh thông qua chiến lược đầu tư phát triển vào ngành dệt nhuộm sản xuất vải.

Cuối tháng 6 vừa qua, Sợi Thế Kỷ được cấp phép thành lập Công ty sợi dệt nhuộm Unitex với quy mô vốn điều lệ 80 tỉ đồng. Trong đó, Công ty nắm 49,99% vốn điều lệ. Đây là dự án có vốn đầu tư dự kiến 1.890 tỉ đồng, cho công suất ước đạt 15.000 tấn xơ, sợi/năm và 12.000 tấn vải thành phẩm. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, việc đầu tư này cần thiết và thích hợp để Sợi Thế Kỷ tận dụng các cơ hội kinh doanh đang đến.

Chiến lược trong trung và dài hạn của Sợi Thế Kỷ là có thể hợp tác với các đối tác quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư nhà máy sản xuất hạt polyester chip. Nguyên vật liệu polyester chip của Sợi Thế Kỷ phải nhập khẩu và chiếm 60-70% giá vốn. Vì thế, nếu kết hợp sản xuất polyester chip, Công ty sẽ có thể gia tăng biên lợi nhuận gộp. Do khả năng sản xuất hàng chất lượng cao nên khi giá dầu sụt giảm mạnh, chi phí nguyên liệu của Sợi Thế Kỷ sẽ giảm đáng kể, nhưng giá bán lại giảm với tốc độ chậm hơn. Điều này giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty được cải thiện. Đơn cử, trước đà giảm 28% về giá hạt polyester, biên lợi nhuận gộp quý I/2015 của Sợi Thế Kỷ đã tăng lên 15,9% so với mức 11,6% của cùng kỳ năm ngoái. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, giá hạt polyester năm 2015 sẽ giảm khoảng 16% so với cuối năm ngoái và tác động tích cực lên bức tranh kinh doanh của Sợi Thế Kỷ.

Hỗ trợ cho Công ty còn đến từ ưu đãi thuế. Theo nghị định mới ban hành năm nay, việc xây mới hay mở rộng công suất sẽ được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm tiếp theo. Nhờ đó, các nhà máy ở Khu Công nghiệp Trảng Bàng sẽ được ưu đãi thuế và Sợi Thế Kỷ có thể tiết kiệm được khoảng 8,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp ngay trong năm 2015. 

 Xét các yếu tố cơ bản, Sợi Thế Kỷ đạt kinh doanh ổn định. Cụ thể, giai đoạn 2010-2014, mức tăng trưởng kép bình quân về doanh thu là 30,32%. Con số này ở lợi nhuận sau thuế là 7,8%. Năm 2015 Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu tăng doanh thu 16%, còn lợi nhuận tăng khoảng 9% so với năm 2014.

Các chỉ số tài chính của Sợi Thế Kỷ cũng khá lành mạnh với dòng tiền kinh doanh luôn tăng, đầu tư thận trọng và cơ cấu nợ an toàn khi 70% vốn cho đầu tư dự án Trảng Bàng 3 là vay bằng ngoại tệ với lãi suất chỉ 2,7%/năm. Red River Holding, quỹ đầu tư do Red River Associates quản lý, từng nhận xét rằng hiếm có công ty nào có các hệ số tài chính tốt như Sợi Thế Kỷ.

Soi The Ky truoc gio G
Cơ cấu cổ đông của Sợi Thế Kỷ

Tuy nhiên, đầu tư vào Sợi Thế Kỷ không phải không có hạn chế. Hạn chế lớn nhất là số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa nhiều. Hiện Sợi Thế Kỷ có 365 cổ đông nhỏ (bao gồm cán bộ công nhân viên và cổ đông bên ngoài) với tỉ lệ nắm giữ là 37,02%. Hơn 60% tổng cổ phiếu của Công ty nằm trong tay cổ đông nội bộ, các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Các đối tượng này không có nhu cầu giao dịch thường xuyên.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới