Hủy
Kinh Doanh

Thí điểm thành lập Quỹ hưu trí từ năm 2013

Thứ Năm | 02/08/2012 09:16

 
 
Ở nhiều nước, ngoài cho phép đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong nước, Quỹ hưu trí còn được đầu tư mua cổ phiếu trên TTCK nước ngoài.

Trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu quỹ hưu trí bổ sung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang xây dựng khung pháp lý cho sự ra đời của quỹ, với dự kiến cho phép thí điểm thành lập quỹ từ năm 2013. Từ đây, mở ra cơ hội tạo thêm dòng tiền mới cho thị trường chứng khoán (TTCK).

Thí điểm lập quỹ từ năm 2013

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, quỹ hưu trí bổ sung (quỹ hưu trí tự nguyện) là quỹ do các doanh nghiệp, tổ chức tự nguyện đóng góp thêm (ngoài tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc) cho người lao động, để sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức.

Cũng theo bà Nga, Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương dự thảo khung pháp lý cho việc ra đời của quỹ hưu trí bổ sung. Lộ trình xây dựng và hoạt động của quỹ đã được Bộ đề xuất. Theo đó, dự kiến giai đoạn 1 (2012 - 2015) sẽ hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trong năm 2013, một số đơn vị sẽ thí điểm thực hiện quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn 2 (2015 - 2020) có nhiệm vụ chính là hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ. Giai đoạn 3 (sau năm 2020), tập trung nghiên cứu chuyển đổi mô hình quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc.

Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết, theo thông lệ quốc tế, quỹ hưu trí bắt buộc và quỹ hưu trí bổ sung được đa dạng hóa đầu tư, trong đó chủ yếu vào 3 mảng chính là: cổ phiếu, trái phiếu và đầu tư trên thị trường tiền tệ theo các tỷ lệ khác nhau, nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời mang lại một khoản lợi nhuận khá ổn định cho quỹ.

Tại nước ta, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì trên thực tế một phần tiền từ quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được đầu tư vào TTCK thông qua mua trái phiếu, tín phiếu, đồng thời một phần vốn từ quỹ này cũng đã đầu tư vào thị trường tiền tệ. Câu hỏi còn lại đặt ra là sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội và xây dựng hành lang pháp lý cho sự ra đời của quỹ hưu trí bổ sung, cơ chế dẫn vốn từ quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu sẽ như thế nào?

Dẫn vốn vào thị trường cổ phiếu, cách nào?

Trả lời câu hỏi trên, bà Nga cho hay, theo thông lệ quốc tế, ngoài khắc phục tính đơn lẻ của hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay, quỹ hưu trí bổ sung sẽ góp phần phát triển thị trường vốn. Trong quá trình thiết kế quy định pháp lý về hoạt động của quỹ, Bộ LĐTB&XH đang tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, để có chọn mô hình quỹ sẽ đầu tư vào thị trường cổ phiếu hay không, nếu có thì tỷ lệ đầu tư cụ thể là bao nhiêu...

"Vấn đề trên đang được Bộ LĐTB&XH nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm vừa đảm bảo tính khả thi cho việc lập quỹ, đồng thời tạo ra những cơ chế giúp cho quỹ sinh lời với tỷ lệ hợp lý nhưng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, qua đó mang lại nguồn lợi nhuận khả quan cho người lao động", bà Nga chia sẻ.

Theo một số công ty quản lý quỹ, theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa các kênh đầu tư là nhu cầu tất yếu của quỹ hưu trí bắt buộc và quỹ hưu trí bổ sung. Để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận bền vững cho quỹ, cũng như thiết thực hỗ trợ TTCK phát triển, khi thiết kế khung pháp lý cho sự ra đời của quỹ, các nước thường quy định cụ thể tỷ lệ đầu tư mà quỹ được phép đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như: cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào thị trường tiền tệ.

Ở nhiều nước, ngoài cho phép đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong nước, quỹ còn được đầu tư mua cổ phiếu trên TTCK nước ngoài. Tùy trình độ phát triển của quỹ, cũng như quy mô phát triển của TTCK mà tỷ lệ này được linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển quỹ và TTCK mà cơ quan quản lý đề ra.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới