Hủy
Kinh Doanh

Thị trường đồng hồ: Thêm các đối thủ Trung Quốc

Viết Nguyên Thứ Ba | 13/08/2019 10:00

Ảnh: Quý Hòa

Thêm đối thủ nước ngoài muốn chia miếng bánh trong thị trường đồng hồ tại Việt Nam.
 

Tại Triển lãm quốc tế về đồng hồ tổ chức ở TP.HCM mới đây, các công ty Trung Quốc tỏ ra tự tin rằng đồng hồ Made in China, với đủ kiểu dáng, chất liệu và giá phải chăng sẽ sớm có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam. Ông Hứa Giáo Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Đồng hồ Quảng Châu (Trung Quốc), còn cho biết: “Nhiều nhà sản xuất đã lên kế hoạch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để đầu tư và tìm kiếm cơ hội”.

Trung Quốc từ lâu đã là công xưởng của các thương hiệu đồng hồ thế giới. Qua đó, Trung Quốc có cơ hội nắm bắt công nghệ, quy trình sản xuất. Nước này hiện có nhiều thương hiệu đồng hồ có tiếng như Seagull, Peacock, Memorigin, Longio hay nhiều thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam như SKMEI, Sunrise, Aolix, Curren... Nhưng cũng trên nền tảng này, Trung Quốc đã trở thành thủ phủ của đồng hồ nhái. Theo Liên đoàn Đồng hồ Thụy Sĩ, mỗi năm Trung Quốc bán ra thị trường thế giới khoảng 30 triệu chiếc đồng hồ nhái của Thụy Sĩ, nhiều hơn con số 25 triệu chiếc đồng hồ thật mà các hãng đã bán ra.

Vì vậy, nếu có thêm các nhà sản xuất, kinh doanh đồng hồ đến từ Trung Quốc, thì thị trường đồng hồ tại Việt Nam càng chịu nhiều sức ép. Hiện nay, thị trường này thu hút các khoản đầu tư lớn từ PNJ, Doji, Thế Giới Di Động. Đây đều là các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ và trang sức và đều nhắm tới việc gia tăng lợi nhuận từ mảng kinh doanh đồng hồ.

Theo một nghiên cứu được PNJ công bố năm 2018, thị trường đồng hồ tại Việt Nam có giá trị gần 750 triệu USD, tương đương 17.000 tỉ đồng. Trong khi đó, như đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường này lại phân mảnh, chưa có nhà phân phối nào chiếm từ 20% thị phần trở lên. Đặc biệt, cho đến hiện tại, rất ít chuỗi bán lẻ đồng hồ xây dựng được thương hiệu lớn.

Thi truong dong ho: Them cac doi thu Trung Quoc
 

Với tình hình đó, từ 7 năm trước, PNJ đã lấn sân sang mảng bán lẻ đồng hồ. Đến nay, PNJ đã thiết lập được 22 cửa hàng PNJ Watch, với hàng ngàn mẫu từ 23 thương hiệu. Doji cũng lấn sân vào lãnh địa bán lẻ đồng hồ từ năm ngoái và tỏ ra dè dặt hơn khi chỉ bán 61 mẫu đồng hồ từ 3 thương hiệu Emporio Armani, Michael Kors và Versace.

Riêng Thế Giới Di Động dù tham gia muộn hơn cả, bắt đầu tháng 3 năm nay nhưng đã có bước tăng tốc. Chỉ sau 2 tháng thử nghiệm, Thế Giới Di Động đã mở 18 cửa hàng bán đồng hồ, tăng gấp 9 lần so với lúc khởi đầu và tạo được doanh thu trung bình mỗi tháng từ 10,8-18 tỉ đồng. Sắp tới, Công ty dự kiến thử nghiệm mô hình shop-in-shop này tại 30-40 cửa hàng và đặt mục tiêu kiếm thêm 5.000 tỉ đồng/năm từ lĩnh vực kinh doanh mới.

Thế Giới Di Động đang rất hào hứng với mảng bán lẻ đồng hồ và kỳ vọng có thể tạo nên những thay đổi đáng kể trong thói quen mua sắm, sử dụng đồng hồ của người Việt. Bởi vì như ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, đánh giá, khi đồng hồ trở thành phụ kiện thời trang thì nhu cầu mua sắm đồng hồ sẽ ngày càng gia tăng. Trước mắt, phân khúc thị trường Thế Giới Di Động tập trung là nhóm đồng hồ giá 1-3 triệu đồng. PNJ và Doji thì tập trung vào những dòng đồng hồ thời trang và thông thường, chủ yếu dành cho nữ, giá từ 10 triệu đồng trở xuống. Đây là những phân khúc còn bỏ ngỏ và các cửa hàng tư nhân, các website bán lẻ đồng hồ vẫn chưa chú ý.

Điểm hấp dẫn khác của thị trường bán lẻ đồng hồ là tỉ suất lợi nhuận cao. Ước tính, nếu đồng hồ bán ra với giá 2 triệu đồng thì giá vốn ước dao động từ 1-1,2 triệu đồng. Trừ các chi phí, biên lợi nhuận gộp của đồng hồ thời trang có thể đạt 60-70%, ít nhất cũng là 40%. Còn với PNJ, số liệu tài chính quý IV/2018 chỉ ra, biên lợi nhuận gộp ở mảng này đạt 30%, cao hơn đáng kể so với  mảng vàng bạc, đá quý.

Triển vọng thị trường và biên lợi nhuận gộp cao là những yếu tố thôi thúc các nhà đầu tư nhập cuộc, cũng là động lực để các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đồng hồ đẩy mạnh đầu tư mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, theo nhận định của VDSC, bán lẻ đồng hồ không hề dễ ăn.

Thi truong dong ho: Them cac doi thu Trung Quoc
 

Thứ nhất, mặc dù người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu mua sắm đồng hồ nhưng giá của đồng hồ chính hãng vẫn khá cao so với thu nhập của đa số. Đây là lý do không riêng Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, đồng hồ giả, đồng hồ nhái luôn có đất sống. Một chuyên trang thẩm định đồng hồ từng đưa ra thông tin, trong 20.000 chiếc được thẩm định thì có tới 8.600 chiếc là giả, nhái dù không ít trong số này được bán tại những cửa hàng ghi rõ là phân phối đồng hồ chính hãng.

Thực tế,  không ít người có nhu cầu sở hữu đồng hồ nhái, đồng hồ giả. Bởi vì, theo Douglas Clark, một luật sư chuyên chống hàng giả tại Hồng Kông, những bản sao giả mạo đôi khi giống tới 90% mà giá chỉ bằng 1/10 đến 1/300 tùy theo loại. Hơn nữa, không riêng đồng hồ thật mà đồng hồ giả cũng có độ bền cao, không cần bảo trì thường xuyên. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng xách tay trở nên phổ biến do giá thường rẻ hơn so với giá mua trong nước.

Các nhà bán lẻ đồng hồ sẽ phải đối mặt với thách thức đến từ hàng giả, hàng nhái và hàng xách tay. Đặc biệt, nếu thị trường có thêm những tay chơi mới từ nước ngoài, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Nhưng lãnh đạo PNJ, Doji, Thế Giới Di Động tin tưởng, với mạng lưới phân phối, với bước đi tạo dựng niềm tin thông qua thương hiệu uy tín, các cam kết đổi trả, chính sách bảo hành... các doanh nghiệp sẽ có được chỗ đứng tốt trong thị trường bán lẻ đồng hồ vẫn còn bát nháo.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới