Hủy
Kinh Doanh

Tìm động lực cho cơ chế đặc thù của TP.HCM

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 20/11/2017 08:30

Kỳ vọng TP.HCM vững vàng là đầu tàu kinh tế của Việt Nam đòi hỏi có những cơ chế đặc thù cho thành phố này.
 

Đặc thù hay bù đắp?

Thế nhưng, những tiếng nói phản biện đối với Dự thảo Nghị quyết về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM dường như rất chừng mực. Tinh thần ủng hộ, đồng thuận cao với dự thảo tại các phiên thảo luận tổ, Kỳ họp 4, Quốc hội khóa 14 được truyền thông phản ánh đậm nét. Quả thật, những lý luận kiểu như đầu tàu chậm thì các toa đi sau sẽ chậm theo, TP.HCM nhận đặc thù là cho cả nước dựa trên nhiều chứng cứ vững vàng.

Giai đoạn 2011-2015, GDP của TP.HCM tăng 9,6%/năm, gấp 1,65 lần mức tăng của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122USD, gấp 2,37 lần bình quân cả nước. Năm 2016, TP.HCM đóng góp 21,6% GDP, 27,8% thu ngân sách của cả nước. Vì thế, mức tăng chậm lại ở một số mặt của TP.HCM nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ TP.HCM mà cả tới thành tích tăng trưởng chung, vẫn đang được đặt ở mức tương đối cao của Việt Nam.

Trong bộn bề khó khăn và thách thức, TP.HCM chỉ được giữ lại 18% ngân sách so với mức 23% trước đây. Dù giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương cam kết hỗ trợ TP.HCM 10.000 tỉ đồng tiền thu từ cổ phần hóa để xử lý chống ngập; hỗ trợ 8.800 tỉ đồng để đầu tư 2 bệnh viện nhi và ung bướu, bài toán ngân sách cho TP.HCM được dự báo là khó khăn.

Tim dong luc cho co che dac thu cua TP.HCM
 

Những cơ chế đặc thù nghiêng nhiều hơn về tăng thu và nhờ đó, những thiệt thòi của TP.HCM có thể được bù đắp xứng đáng. Có lẽ vì lý do trên, Dự thảo Nghị quyết về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được soạn thảo với chỉ hơn 3.000 từ, bao gồm cả chữ ký. Ba câu hỏi chính yếu, thông tin không thể thiếu trong rất nhiều trường hợp khác lại không được trình bày một cách rõ ràng trong bản dự thảo nghị quyết này.

Thứ nhất, cơ chế đặc thù mang lại cho TP.HCM nguồn lực lớn thế nào? Trong bản dự thảo, TP.HCM xin được thí điểm thuế tài sản, tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thí điểm hoặc tăng mức thu phí và lệ phí...

Các khoản thu đáng kể khác là 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước, số thu từ cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban Nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Tuy nhiên, trong cả những thảo luận bên lề cũng như trong phần trả lời báo chí ủng hộ cơ chế đặc thù cho TP.HCM, không một con số khái toán nào được đưa ra nhằm giúp ai quan tâm ước lượng TP.HCM sẽ nhận bao nhiêu ngàn tỉ đồng từ cơ chế đó. Điều này đồng thời làm giảm khả năng giám sát của dư luận, thậm chí, của cơ quan giám sát cao nhất về cách thức TP.HCM sử dụng nguồn lực trên.

Thứ hai, TP.HCM sẽ dùng ngân sách được giữ lại để làm gì? Những mục tiêu chung chung như đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công hay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thể là lời giải trình thuyết phục người dân mà từng đồng ngân sách đều thuộc về quyền sở hữu của họ. Người ta nhìn ngay sang những lời khẳng định của các đặc khu kinh tế về mức sống, mức thu nhập tương lai. Dù thế nào, đó vẫn là cái đích để hướng đến, đồng thời, là căn cứ để quy trách nhiệm.

Thứ ba, TP.HCM sẽ kéo các toa tàu khác như thế nào? Dễ thấy, với mức ngân sách được giữ lại, TP.HCM sẽ có nguồn lực dư dả để đầu tư các công trình hạ tầng, cơ sở. Chỉ có điều, dù hiệu quả hay không thì việc mạnh tay chi tiêu đó cũng sẽ đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của TP.HCM. Nếu chỉ đặt mục tiêu này, ràng buộc hiệu quả như vậy là ít ỏi. Đặc biệt, nếu đầu tư theo cách này, sức lan tỏa tới các vùng kinh tế khác không thể rõ rệt.

Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấp cho TP.HCM những cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, ông lưu ý, TP.HCM nên giải trình cụ thể về mục tiêu và đường hướng sử dụng những điều kiện thuận lợi được cấp để phát triển kinh tế. “Không chỉ là xin cơ chế mà quan trọng hơn là xin rồi thì sử dụng ra sao".

Thậm chí, cần có một nghiên cứu sâu và cụ thể về vấn đề này. Điều này cũng làm tăng tính minh bạch trong sử dụng ngân sách quốc gia, tránh những vấn đề tham nhũng, tư túi hoặc sử dụng ngân sách không đúng mục đích”, vị chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Chứng minh để cất cánh bay

Từ thực tế và tâm huyết nhiều năm với TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), tiếp cận từ một góc nhìn khác. Ông cho rằng, điều đầu tiên TP.HCM cần để có thể vươn mình, xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế không phải là cơ chế đặc thù.

Vị chuyên gia kinh tế dẫn chứng về chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đã được hứa cho giữ lại ngân sách cổ phần hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng từ đầu năm tới nay, TP.HCM vẫn chưa cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp. Ông Hải thẳng thắn đặt câu hỏi, cổ phần hóa chưa được có phải do lợi ích cục bộ níu kéo hay không? Cứ kêu thiếu vốn, sao không bán vốn doanh nghiệp nhà nước đi? Nói nhiều rồi nhưng đã làm được bao nhiêu? Cơ chế hiện tại đã cho làm mà không làm, vậy thì có thêm cơ chế đặc thù có khác không?

“Chuyện lớn đã vậy, chuyện nhỏ thì sao? Tôi lấy ví dụ việc dẹp vỉa hè, những người làm tốt như ông Đoàn Ngọc Hải cần phải được hỗ trợ mạnh hơn vì tinh thần dọn vỉa hè đó đã lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Đây có thật sự là trọng dụng nhân tài không? Về mặt điều kiện xã hội, bản thân TP.HCM hay Hà Nội đã có nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là nơi tích tụ của cải của cả nước. Nếu có cách làm linh hoạt và thông minh, cơ hội để phát triển rất rộng mở”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Yêu cầu của vị chuyên gia kinh tế chắc chắn sẽ được dư luận chia sẻ, TP.HCM hãy tự chứng minh năng lực sử dụng nguồn lực hiệu quả trước khi xin thêm. Đơn giản bởi lẽ, kể cả có cơ chế đặc thù mà cách làm việc vẫn không thay đổi, những kịch bản như 2 tuyến metro đội vốn cả ngàn tỉ đồng sẽ vẫn lặp lại. Còn giấc mơ vươn mình sẽ chẳng khác nhiều việc đặt mục đích TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực nhưng lại chưa đưa ra được bất cứ giải pháp nào.

“Người tài còn hơn cả cơ chế đặc thù”, mong mỏi của vị chuyên gia kinh tế tưởng chừng như đơn giản mà lại khó thực hiện. Vấn đề có thể không nằm ở chế độ đãi ngộ mà nằm ở cách chúng ta đón chào và tạo điều kiện, cơ hội để người tài có thể và muốn phát huy năng lực của họ.

Về phần TP.HCM, dù được chấp thuận cơ chế đặc thù ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này, họ vẫn nợ các đại biểu, các chuyên gia kinh tế và đặc biệt, nợ người dân nhiều câu trả lời.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới