Hủy
Kinh Doanh

Ủy ban Giám sát Tài chính: Mục tiêu tăng trưởng 5,5% vẫn là thách thức lớn

Thứ Bảy | 03/08/2013 09:14

Tăng trưởng kinh tế có một số dấu hiệu chuyển biến nhưng vẫn ở mức thấp và đối mặt nhiều khó khăn để có thể đạt mục tiêu cả năm là 5,5%.
 

Theo báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, chỉ số IIP 7 tháng đầu năm tăng 5,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (4,8%). Đặc biệt, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khá, đạt mức 5,8% so với 4,3% cùng kỳ.

Cùng với đó, chỉ số hàng tồn kho so với cùng kì năm trước đã giảm đáng kể xuống mức 8,8% (tại thời điểm 1/7/2013) so với mức 21,5% tại thời điểm đầu năm 2013.

Bên cạnh đó, tình hình phát triển doanh nghiệp đã bước đầu có những cải thiện. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã bắt đầu tăng so với cùng kỳ những tháng gần đây, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng.

Dù vậy, NFSC vẫn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng cả năm 5.5% vẫn là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Với kết quả GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 4,9%, tương đương với cùng kỳ năm 2012 (4,93%), tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xét về tổng cầu, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy giảm, xuất khẩu đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng với kim nghạch xuất khẩu tăng khá và tốt hơn so với một số nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI.

Theo đó, NFSC đánh giá, có thể thấy sự suy yếu của cầu nội địa đang tạo lực cản đáng kể cho tăng trưởng. Sản xuất của nền kinh tế vì vậy tiếp tục phải chịu sự chi phối lớn từ cầu tiêu dùng bên ngoài.

Phân tích chỉ số PMI-HSBC tháng 6/2013 cũng cho thấy khá rõ về nhận định này. Cụ thể, khi lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 6 sụt giảm, chỉ số PMI đã có tháng thứ 2 liên tiếp giảm dưới ngưỡng 50 điểm và ở mức thấp hơn tháng 5. Điều này cho thấy nền kinh tế sẽ khó có thể thực sự hồi phục ổn định khi cầu trong nước không được cải thiện.

Theo đánh giá của NFSC, nguyên nhân chính khiến tổng cầu suy yếu là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 29,6% GDP, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (34,5% GDP).

Do đó, Ủy ban này cho rằng, cần tập trung chỉ đạo điều hành để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12-14% so với 2012.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới