Hủy
Kinh Doanh

World Bank: Việt Nam dự báo tăng trưởng khiêm tốn chỉ 5,5%

Thứ Hai | 07/04/2014 10:55

Theo WB, những điểm yếu của ngành tài chính vẫn tồn tại và tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung của Việt Nam.
 
 
Theo WB, những điểm yếu của ngành tài chính vẫn tồn tại và tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung của Việt Nam.

Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương được phát hành hôm nay của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á Và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay, nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Báo cáo nhận định các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ có mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay, không thay đổi mấy so với 2013. Kết quả là khu vực Đông Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, cho dù tăng trưởng đã giảm so với tốc độ tăng trưởng trung bình 8% của giai đoạn 2009 - 2013.

Nhận xét về Việt Nam, WB cho rằng mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện hơn trong năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng, và do những méo mó về mặt chính sách tiếp tục gây cản trở đầu tư tư nhân trong nước và cạnh tranh trong các ngành quan trọng. Các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định dựa trên cơ sỏ lạm phát giảm và tăng cường các tài khoản đối ngoại.

Tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,4% năm 2013. Chính phủ đang phải đối mặt với những thách thức tài khóa ngày càng tăng do thu ngân sách giảm. Tăng trưởng có khả năng vẫn ở mức khiêm tốn trong năm 2014 do không có tiến bộ rõ rệt trong việc giải quyết các vấn đề về cơ cấu nói trên.

Tăng trưởng tín dụng và giá lương thực thực phẩm giảm đã giúp giảm tỷ lệ lạm phát. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ và Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Defaults Swaps) của Việt Nam cũng đã thu hẹp, hiện đang ở xấp xỉ với mức trước khủng hoảng 2009. Tỷ giá tiền đồng/USD đã tương đối ổn định kể từ khi điều chỉnh chính thức 1% tháng 7/2013. Chênh lệch giữa thị trường tỷ giá chính thức và phi chính thức đã thu hẹp kể từ đó.

WB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu, với sự quan tâm đặc biệt đến tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai của Việt Nam dự kiến vẫn thặng dư trong năm 2014, WB nhận định, mặc dù ở mức thấp hơn so với năm 2013. Lạm phát có thể nằm trong chỉ tiêu của chính phủ là 7% năm 2014 với giả định tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.

Với chương trình tái cơ cấu đang được đà, dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014. Những nỗ lực để thoái vốn nhà nước ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và cổ phần hóa một số lớn các doanh nghiệp nhà nước có thể gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư về cam kết của chính phủ đối với chương trình này. WB khuyến nghị cần cấp thiết giải quyết vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng, mặc dù do sự phức tạp của các vấn đề liên quan, có khả năng đây sẽ là một quá trình kéo dài hơn dự tính. Nhiều hoạt động trong số những hành động này sẽ liên quan đến chi phí và không rõ những chi phí này sẽ được đáp ứng như thế nào.

Mặc dù vậy, WB đánh giá những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến các yếu tố bất lợi như tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế tiêu cực nào. Tuy xác xuất nhỏ nhưng vẫn còn rủi ro nữa là các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu, và đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và giảm bền vững tài khóa.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới