Hủy

CSR vì người, vì mình

Kim Thùy Thứ Sáu | 01/01/2021 08:30

CSR vì người, vì mình. Ảnh minh họa: TL.

Những tổn thương do đại dịch càng đòi hỏi doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm xã hội (CSR) với cộng đồng.
 

Một nghiên cứu của GlobalWebIndex năm 2020 cho biết, 68% người tiêu dùng trực tuyến ở Mỹ và Anh sẽ hoặc có thể ngừng sử dụng một thương hiệu vì CSR kém hoặc gây hiểu lầm; 84% có thể sẽ ngừng mua hàng của một thương hiệu nếu có hồ sơ theo dõi môi trường kém và gần 50% sẵn sàng trả giá cao cho thương hiệu có ý thức xã hội hoặc thân thiện với môi trường.

Ở thị trường Việt Nam, khảo sát của Nielsen vào tháng 6 vừa qua cũng chỉ ra, có đến 73% người ở Việt Nam khi được hỏi, chấp nhận trả giá cao hơn cho sản phẩm của các công ty có uy tín về CSR. Đặc biệt, đối tượng quan tâm các sản phẩm thân thiện môi trường nhiều nhất là thế hệ Y (18-35 tuổi) và người có thu nhập cao.

 

Bà Harini Gopalakrishnan, Giám đốc kiêm Trưởng nhóm ESG của Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ: “Thị hiếu của người tiêu dùng Việt đã có nhiều thay đổi đáng kể sau đại dịch, hiện tại nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam đã ưu tiên các hoạt động cộng đồng hơn là chỉ số tài chính. Các chương trình CSR đang là hệ tham chiếu tốt cho nhà đầu tư hiểu hơn về sự phát triển của thị trường trong tương lai gần”.

Theo ghi nhận của Younet Media, COVID-19 như một đòn bẩy để tăng tốc hoạt động CSR. Tính tới tháng 11.2020 cả nước có trên 22.800 thảo luận của người dùng đã được tạo ra liên quan đến các chủ đề CSR, ghi nhận 12 hoạt động CSR nổi bật của nhiều thương hiệu bán lẻ lớn. Chẳng hạn, MM Mega Market thực hiện chương trình đồng hành cùng “Việt Nam tái chế”, đã nhanh chóng đạt kỷ lục 4.069 đề xuất chỉ trong tháng 1.

Sau đó là LOTTE Mart với một chuỗi hoạt động kịp thời chung tay phòng chống COVID-19, phát triển nội dung trên fanpage “LOTTE Eco Green” để thay đổi nhận thức về sống xanh. Song song với chiến dịch “LOTTE Love Human” đồng hành cùng các tổ chức như Chữ Thập Đỏ, hướng đến đối tượng trẻ em, người nghèo để triển khai hoạt động ý nghĩa xuyên suốt năm.

Thứ 3 là Co.opmart, một doanh nghiệp Việt hiếm hoi vào top những thương hiệu tích cực trong hoạt động CSR được người dùng thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội trong năm 2020. Thông qua hoạt động ủng hộ phòng chống dịch cho người bị cách ly, hưởng ứng ngày tái chế, tháng tiêu dùng xanh, giảm giá hàng hóa hướng về miền Trung..., Co.opmart đã duy trì được sự trung thành của khách hàng, góp phần nâng tỉ suất lợi nhuận ròng của Co.opmart lên 40% trong quý III/2020.

Nếu xét mức độ chủ động, tích cực trong CSR, các doanh nghiệp ngoại vẫn có phần ưu thế hơn doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam, doanh nghiệp làm CSR không phải vì họ là doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn mà vì đó là ý thức và văn hóa của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát triển bền vững thì cần có những hành động bền vững. “Việc thay đổi nhận thức về giá trị của CSR ở Việt Nam cần phải có một chuỗi hoạt động mang tính tham chiếu cao, từ đó tạo ra những động lực thực tế để chuyển đổi”, ông Vương chia sẻ.

 

Nestlé Việt Nam được vinh danh Top 3 doanh nghiệp bền vững năm 2020 trong Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI). Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD, chia sẻ kinh nghiệm: “Đại dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu nhắc nhở chúng ta rằng thế giới chúng ta đang sống dễ bị tổn thương và có tính liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác vì sự phát triển bền vững nhằm đem đến sự thịnh vượng lâu dài và ổn định cho toàn xã hội”. 

Mỗi năm, Nestlé thu mua từ 20-25% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia khoảng 600 triệu USD/năm thông qua các hoạt động này. Ưu tiên của Nestlé bao gồm những lĩnh vực mang lại lợi ích kinh doanh phù hợp với lợi ích của xã hội, gồm giúp cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn; giúp phát triển cộng đồng thịnh vượng và vững mạnh; quản lý tài nguyên cho thế hệ mai sau.

“Những công ty bỏ qua lời kêu gọi hành động này và tiếp tục không tích hợp các hoạt động CSR của họ như một chức năng cốt lõi của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thấy mình bị bỏ lại phía sau”, bà Michelle DiSabato, Cố vấn Tác động cho bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp và Nền tảng của Blackbaud, nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới