Hủy

Du lịch vũ trụ có thể làm thủng tầng ozone

Phùng Mỹ Thứ Tư | 21/07/2021 09:23

Virgin Galactic's SpaceShipTwo sử dụng một loại cao su tổng hợp làm nhiên liệu và đốt cháy nó trong oxit nitơ, một loại khí nhà kính cực mạnh. Ảnh: AFP.

Để phục vụ chuyến tham quan ngoài không gian chóng vánh trong vài chục phút, tên lửa phóng tàu vũ trụ sinh ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng đến môi trường.
 

Theo The Guardian, triển vọng du hành vào vũ trụ an toàn và giá cả phải chăng là một điều khiến nhiều người phấn khích. Nhưng du lịch hiện đại đi kèm với rất nhiều lời phàn nàn và những lời phàn nàn này không biết sẽ tồn tại đến khi nào.

Chuyến bay lên vũ trụ của tỉ phú Richard Branson đã tạo tiền đề cho du lịch ngoài không gian, mở ra lĩnh vực kinh doanh mới, đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, đây không phải là ngành “công nghiệp không khói”. Ngược lại, nó tạo ra rất nhiều khí thải, gây hại cho môi trường nếu trở nên phổ biến trong tương lai.

Với việc ông Jeff Bezos phóng tên lửa Blue Origin trong ngày 20.7 và SpaceX của tỉ phú Elon Musk lên kế hoạch cho một sứ mệnh trên quỹ đạo với phi hành đoàn toàn dân dụng vào tháng 9, ngành du lịch vũ trụ non trẻ đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về tác động môi trường của nó.

Phi hành đoàn của sứ mệnh Chuyến bay đưa con người đầu tiên của Blue Origin sẽ khởi động trên tên lửa New Shepard của công ty vào ngày 20.7.2021. Họ là (từ trái sang): Oliver Daemon, Wally Funk, Jeff Bezos và anh trai Mark Bezos. Ảnh: Blue Origin.
Phi hành đoàn của sứ mệnh Chuyến bay đưa con người đầu tiên của Blue Origin khởi động trên tên lửa New Shepard của công ty vào ngày 20.7.2021. Họ là (từ trái sang): Oliver Daemon, Wally Funk, Jeff Bezos và anh trai Mark Bezos. Ảnh: Blue Origin.

Hiện tại, các vụ phóng tên lửa nói chung không thường xuyên xảy ra để gây ô nhiễm đáng kể.

Để đưa tàu du hành mang theo CEO Virgin Galactic cùng các vị khách thoát khỏi trọng lực, lơ lửng khoảng 4 phút ngoài rìa không gian, tên lửa đẩy SpaceShipTwo đã đốt cháy lượng nguyên liệu khổng lồ và tạo ra hàng trăm tấn khí khải.

“Chuyến bay đường dài sinh ra trung bình 1-3 tấn carbon dioxide trên mỗi hành khách. Trong khi đó, vụ phóng tên lửa tạo ra khoảng 200-300 tấn để đưa tàu du hành có 4 khách lên vũ trụ”, Phó Giáo sư Địa lý tự nhiên Eloise Marais tại Đại học College London cho biết.

Tầng ozone sẽ bị đe dọa một khi ngành du lịch vũ trụ trở nên phổ biến hơn. Ảnh: Reuters.
Tầng ozone sẽ bị đe dọa một khi ngành du lịch vũ trụ trở nên phổ biến hơn. Ảnh: Reuters.

Tệ hơn, lượng khí thải khổng lồ của tên lửa đẩy bơm trực tiếp lên thượng tầng khí quyển, tồn tại nhiều năm ở đó. Trong quá trình phóng, chúng cũng sinh thêm các khí độc hại khác khi đốt dầu hỏa và metan, có khả năng gây thủng tần ozone bao quanh trái đất.

Điều may mắn là số vụ phóng tên lửa hiện nay còn ít. Theo số liệu của NASA, trong năm 2020, có khoảng 100.000 lượt máy bay cất cánh nhưng chỉ 114 tên lửa phóng lên quỹ đạo.

Tuy nhiên, khi ngành du lịch vũ trụ bắt đầu khởi động và chi phí cho mỗi vụ phóng tên lửa ngày càng rẻ hơn, con số này sẽ nhanh chóng tăng, gây tác hại nặng nền đến môi trường.

Các công ty du lịch vũ trụ mới nổi như Virgin Galactic hay Blue Origin chưa tuân thủ bất kỳ quy định nào về hạn chế phát thải khí nhà kính.

“Hiện tại, chúng ta không có quy định nào xung quanh việc phát thải của tên lửa. Giờ là lúc phải hành động, trong khi các tỉ phú vẫn tiếp tục mua vé lên vũ vụ”, bà Eloise Marais cho biết.

Thay vì đổ tiền cho cuộc đua lên vũ trụ, các tỉ phú có lẽ nên đầu tư vào những lĩnh vực giúp cuộc sống con người tốt đẹp hơn, giải quyết vấn đề cháy rừng, khí hậu ấm lên toàn cầu và những thảm họa môi trường khác.

Có thể bạn quan tâm:

Tỉ phú Richard Branson hoàn thành giấc mơ bay vào vũ trụ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới