Hủy

Việt Nam tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Minh Anh Thứ Năm | 22/10/2020 09:35

150 ha rừng được phát triển bằng cách áp dụng phương pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn nhằm đảm bảo khả năng tăng trưởng cao nhất cho cây. Ảnh: HSBC

Ngân hàng HSBC vừa hợp tác với WWF-Việt Nam thực hiện một dự án phục hồi rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ở cực Nam của đất nước.
 

►Ngân hàng HSBC Việt Nam hợp tác với WWF-Việt Nam trong dự án năm năm nhằm phục hồi rừng ngập mặn, tăng cường khả năng tích tụ carbon

►Rừng ngập mặn sẽ tạo thành vùng đệm giữa đất liền, biển và sông ngòi, giúp duy trì và che chắn vùng đồng bằng sông Cửu Long trước thiên tai

►Dự án này là một phần trong chương trình tài trợ toàn cầu của Tập đoàn HSBC với mục tiêu  đầu tư 100 triệu đô la Mỹ vào các chương trình đổi mới khí hậu từ nay đến năm 2025

Dự án có trị giá 10 tỉ đồng kéo dài trong thời gian 5 năm sẽ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 150 ha rừng ngập mặn tự nhiên, từ đó sẽ giúp giải quyết các thách thức nghiêm trọng về môi trường xã hội như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước, an ninh lương thực, sức khỏe con người và quản lý rủi ro thiên tai.

Theo báo cáo gần đây của Khối Nghiên cứu HSBC với tựa đề “Giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp theo”, đối với khu vực châu Á, biến đổi khí hậu được xác định là cuộc khủng hoảng của thế kỷ chứ không hẳn là đại dịch COVID-19 và Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. TP.HCM nằm trong số các thành phố ở châu Á (cùng với thành phố Mumbai, Thượng Hải, Bangkok và Jakarta) đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao.

Theo số liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tập đoàn HSBC, Việt Nam cũng nằm trong nhóm năm nước có nguy cơ rủi ro ngành nông nghiệp và những thiệt hại do bão gây ra đối với sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, châu Á hiện giờ không chỉ là nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu mà còn là một tác nhân quan trọng của quá trình này. Khu vực này chiếm tới 87% lượng khí nhà kính toàn cầu và lượng phát thải khí CO2 tăng 78% kể từ năm 1990. Trong đó nạn chặt phá rừng trở thành một nguyên nhân chính đóng góp vào lượng khí phát thải lớn ở khu vực Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết “Chúng tôi mong muốn đóng góp tích cực vào nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một vấn đề quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Ảnh:
Dự án dự kiến ​​sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Ảnh: tepbac

Dự án dự kiến ​​sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 của Thỏa thuận Paris so với kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực quốc gia hoặc tăng lên 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, dự án này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%.

150 ha rừng được phát triển bằng cách áp dụng phương pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn nhằm đảm bảo khả năng tăng trưởng cao nhất cho cây. Khi đạt đến tuổi trưởng thành, khu rừng ngập mặn rộng 150 ha này có thể hấp thụ và dự trữ ít nhất 20.000 tấn carbon mỗi năm, làm giảm nồng độ khí CO2. Rừng ngập mặn cũng sẽ tạo thành vùng đệm giữa đất liền, biển và sông ngòi, giúp duy trì và che chắn vùng đồng bằng sông Cửu Long khỏi các hiện tượng thiên tai.

Ngoài ra, khu rừng mới này sẽ cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tại chỗ cho hơn 10.000 hộ gia đình được bảo vệ khỏi tình trạng lũ lụt và cải thiện bãi sinh sản thủy sản của họ lên đến 350-390 tấn hải sản mỗi năm. Dự án này cũng được thành lập để nghiên cứu và giới thiệu các phương pháp quản lý tốt nhất về giải pháp sinh kế thay thế cho các cộng đồng cư dân sống tại vùng đệm của Vườn Quốc gia.  

Ảnh:
Khi đạt đến tuổi trưởng thành, khu rừng ngập mặn rộng 150 ha này có thể hấp thụ và dự trữ ít nhất 20.000 tấn carbon mỗi năm, làm giảm nồng độ khí CO2. Ảnh:vietnamforestry

Một hợp phần khác của dự án là chương trình giáo dục về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho khoảng 3.000 hộ gia đình trong vùng lõi của Vườn Quốc gia, nâng cao nhận thức của họ về các vấn đề bảo tồn. 

Theo ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia của WWF-Việt Nam, “HSBC và WWF-Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác lâu dài trong năm 2020”. Phương thức hợp tác này đã góp phần nhân rộng tác động của chương trình Bảo tồn nước của HSBC, mang nước sạch đến hơn 2,5 triệu người sống tại năm lưu vực sông lớn trên thế giới, góp phần đảo ngược sự mất mát đa dạng sinh học đến năm 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ tương lai của quốc gia.

Dự án này tại Việt Nam là một phần trong cam kết khí hậu mới nhất của Tập đoàn HSBC được công bố vào ngày 9.10.2020, một chương trình tài trợ 100 triệu USD cho các dự án đổi mới khí hậu, năng lượng tái tạo và các giải pháp dựa trên thiên nhiên trên toàn cầu trong cùng thời gian năm năm. Và đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 150 năm ngân hàng HSBC có mặt tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm:

► Vượt qua thử thách của quá trình chuyển đổi năng lượng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới