Hủy
Phong Cách Sống

Báo động tội phạm cao tuổi

Thứ Ba | 07/06/2016 12:30

Thay vì chọn cuộc sống dưới mức nghèo, một số người cao tuổi chọn cách phạm tội để đổi lấy cuộc sống dễ thở hơn trong tù.
 

Cuối mùa đông năm ngoái, Hatton Garden, trung tâm giao dịch đá quý và trang sức lớn nhất London, Anh đã bị chấn động bởi nhóm 9 tên cướp cao tuổi, có độ tuổi trung bình trên 65. “Lão tướng” Brian Reader, 76 tuổi, được cho là cầm đầu lập kế hoạch vụ cướp manh động và kỳ quặc trong lịch sử Anh Quốc. Họ đã “đào tẩu” thành công 300 triệu USD (tiền mặt và đá quý) bằng máy khoan điện hạng nặng, sau khi vô hiệu hóa hệ thống an ninh hiện đại. Theo sở cảnh sát London Metropolitan, những tên cướp cao tuổi này đã thực hiện phi vụ với kỹ năng điêu luyện như những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm.

Vụ việc dẫn dắt công luận đến sự thật bất ngờ khác. Số lượng người lớn tuổi phạm pháp phải chịu mức án tù chung thân, theo Bloomberg, đã tăng lên mức báo động, gấp 3 lần trên phạm vi toàn cầu. Tại châu Âu năm 2009, số lượng người cao tuổi là công dân Hà Lan và Anh bị bắt giữ và tạm giam đã tăng lên hơn 10%. Còn tại các quốc gia phát triển của châu Á, bức tranh có nhiều mảng xám hơn. Điển hình ở Hàn Quốc, theo Korea Times, số ca phạm tội của người trên 65 tuổi trong vòng 2 năm (2011-2013) đã tăng thêm 12,2%, trong đó hơn 40% số ca phạm trọng tội như bạo lực, giết người, cướp tài sản và hiếp dâm.

Riêng tại Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, thống kê về tội phạm tại nước này cho thấy có đến 35% số người phạm tội ăn cắp vặt trong các cửa hàng, siêu thị... là người già trên 60 tuổi; trong số này, có đến 40% tái phạm hơn 6 lần. Những tội phạm cao tuổi tại đất nước mặt trời mọc có xu hướng “tự nguyện” đi tù khi chủ động tái diễn tội ăn cắp vặt nhiều lần. Tỉ lệ người già ăn cắp vặt tại Nhật còn cao hơn tội phạm vị thành niên.

Một nghiên cứu về kinh tế học tội phạm cao tuổi của tổ chức nghiên cứu Custom Products Research đã chỉ ra 2 nhóm nguyên nhân chính của hiện tượng “công dân cao tuổi phạm tội” trên phạm vi toàn cầu. Ở nhóm nguyên nhân khách quan xuất phát từ cơ cấu dân số tự nhiên. Theo đó, các quốc gia phát triển có tỉ lệ sinh thấp hoặc thuộc nhóm các nước có dân số già thì tỉ lệ người cao tuổi trong tổng số người phạm pháp sẽ cao. Tỉ lệ công dân trên 65 tuổi của Anh và Hà Lan đều chiếm khoảng 18%. Trong khi đó, cứ 4 trong số 10 người dân trên đường phố Nhật là người trên 65 tuổi. Theo IndexMundi, tỉ lệ này cũng chiếm 14% dân số Mỹ.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, cùng với trẻ em, người cao tuổi cũng thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi có biến động từ các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra với tần suất ngày càng nhiều trên thế giới. Vì vậy, người cao tuổi mỗi ngày đều đối mặt với nguy cơ suy giảm chất lượng cuộc sống và đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến họ bị đẩy vào vòng lao lý.

Cảnh sống dưới mức nghèo không chỉ thấy ở các quốc gia châu Phi mà còn xuất hiện ngày một phổ biến trong tầng lớp hưu trí tại các quốc gia giàu có. Đơn cử như tại thành phố Tokyo (Nhật), mức lương hưu trung bình gần 7.000 USD/năm khiến người cao niên hầu như không thể chống đỡ trước tình trạng chi phí sinh hoạt leo thang, rủi ro bệnh tật tuổi già. Dù ăn uống tằn tiện và sống ở những nơi tồi tàn và rẻ tiền, một người hưu trí Nhật độc thân vẫn phải chịu chi phí sinh hoạt cao hơn 25% so với khoản lương hưu cơ bản mà họ được nhận vào cuối mỗi tháng.

“Giải pháp” để cải thiện mức sống của họ là chỉ cần ăn cắp một chiếc bánh sandwich có giá 200 yen là có thể bị kết án 2 năm tù. Và trong 2 năm này, Chính phủ sẽ “nuôi” họ với mức tiêu tốn 8,4 triệu yen cho mỗi phạm nhân. Rõ ràng, thay vì lựa chọn một cuộc sống dưới mức nghèo, đơn độc và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế thì nhiều người trong số hơn 40% người già Nhật đang độc thân đã không ngại ngần lựa chọn “được ở tù” và tái phạm nhiều lần tội ăn cắp vặt để đổi lấy một cuộc sống cuối đời dễ thở hơn trong tù.

Tại Việt Nam, 7,1% dân số là người cao tuổi, cũng đang phải đối mặt với việc lương hưu cơ bản tăng không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt leo thang trong suốt thập niên qua. Điều đáng nói hơn là tỉ lệ người thất nghiệp thực tế tại Việt Nam cao hơn nhiều lần con số thống kê chính thức, càng làm gia tăng áp lực cuộc sống của lực lượng lao động không có việc làm này khi họ bước vào tuổi trung và cao niên.

Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới khi tuổi thọ tăng gấp 1,5 lần mức tăng tuổi thọ trung bình trên toàn cầu. Trung bình một người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật và 95% người cao tuổi có bệnh. Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tỉ lệ bao phủ lương hưu đối với người cao tuổi thấp khi mới chỉ có gần 4,2 triệu người cao tuổi lĩnh lương hưu và trợ cấp mất sức lao động. Còn lại khoảng 62% người cao tuổi phải sống phụ thuộc khi họ không được trợ cấp hay tiếp cận các khoản lương hưu. 

Còn bà Ritsu Nacken, đại diện Quỹ dân số Liên hiệp Quốc tại Việt Nam, cho biết năm 2014 có gần 1/5 người cao tuổi sống dưới mức nghèo; hơn 1/3 trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp. Gần đây, người cao tuổi Việt Nam còn là nạn nhân của các vụ lừa đảo quy mô lớn như quỹ hưu trí “ma”, chơi hụi...

Xã hội các quốc gia phát triển và có dân số già đang đương đầu với vấn đề thời đại: giải pháp nào giảm tỉ lệ tội phạm “tóc hoa râm”? Chính phủ các quốc gia nghiên cứu các phương án đồng bộ cân đối chính sách phúc lợi và an sinh xã hội cho người về hưu, cao tuổi neo đơn. Khi dân số ngày một già hóa, một số nền kinh tế thịnh vượng như New Zealand và các quốc gia Bắc Âu như Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển đều đang xem xét kế hoạch cấp mỗi tháng từ 2.000-3.000 USD cho tất cả các công dân trong đó bao gồm những người cao tuổi bên cạnh nhóm phúc lợi xã hội khác.

Chính phủ Nhật, Pháp, Bỉ cũng đang xem xét lại toàn bộ hệ thống pháp lý nhà tù và chuẩn bị những kế hoạch nhằm phóng thích tù nhân cao tuổi nhằm giảm áp lực ngân sách khổng lồ chi tiêu cho hệ thống nhà giam đang đứng trước nguy cơ quá tải. Một vài quốc gia Đông Nam Á đang tăng chi tiêu công cho đầu tư quỹ hưu trí và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho “thị trường xám”.

“Chúng tôi cũng rất muốn được thong dong xem phim cuối tuần tại rạp, đi du lịch đây đó như người già ở Anh, Pháp. Nhưng với mức lương hưu 3 triệu đồng/tháng, tiền ăn và uống thuốc mỗi tháng còn chưa đủ thì mơ gì đến những thú vui chơi giải trí khác”, Giáo sư đại học của Trường Bách Khoa TP.HCM đã về hưu tâm sự.

Minh Nguyệt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới