Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Cuộc chiến chống hàng hiệu giả: Châu chấu đá xe?

Thứ Ba | 04/08/2015 13:00

Theo ước tính, tổng giá trị hàng giả được bán ra trên toàn thế giới mỗi năm có thể lên tới 1.800 tỉ USD.
 

Những cánh cửa màu vàng to lớn tại số 500 Pearl Street ở Manhattan luôn rộng mở chào đón các thương hiệu hàng xa xỉ nổi tiếng như Hermès, Tiffany & Co và Kering. Tòa nhà này không phải là một khách sạn sang trọng hay một trung tâm thương mại, mà là tòa án liên bang khu vực Southern District của New York, một đấu trường ưa thích cho cuộc chiến chống lại hàng giả.

Tòa án này hiện là nơi diễn ra vụ kiện của Kering (một tập đoàn Pháp sở hữu các nhãn hàng Gucci và Bottega Veneta) với Alibaba, một tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc. Kering cáo buộc Alibaba tiếp tay cho những kẻ làm hàng giả bán hàng hóa trên các website của nó. Vụ kiện của Kering là vụ kiện quan trọng nhất trong ngành hàng xa xỉ trong 1 thập niên qua, bởi Alibaba có hơn 1 triệu sản phẩm đăng trên các website của nó trong khi công ty này đang có tham vọng bành trướng rộng ra thế giới.

Kering không phải là trường hợp duy nhất đi kiện Alibaba. Giữa tháng 7 vừa qua, Hiệp hội May mặc và Da giày Mỹ (AAFA) đã yêu cầu Alibaba phải thẳng tay giải quyết nạn hàng giả. Nhưng cuộc chiến chống hàng giả luôn kéo dài và đầy cam go.

Điều dễ thấy là doanh số bán hàng giả rất khó biết chính xác. Năm ngoái, các cơ quan cửa khẩu Mỹ đã bắt được lô hàng giả mà nếu xét theo giá trị lô hàng thật trị giá lên tới 1,2 tỉ USD. Các cơ quan cửa khẩu Liên minh châu Âu (EU) thì đã bắt được lô hàng giả trị giá tới 768 triệu bảng Anh (1 tỉ USD) vào năm 2013. Nhưng đó chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì không biết có bao nhiêu lô hàng giả qua trót lọt các cửa khẩu và các kênh khác. Ước tính tổng giá trị hàng giả được bán ra trên toàn thế giới mỗi năm có thể lên tới 1.800 tỉ USD.

Cuoc chien chong hang hieu gia: Chau chau da xe?
Những loại hàng giả nào bị bắt lại tại các cửa khẩu?

Hàng giả rất đa dạng, bao gồm mọi thứ từ phần mềm, dược phẩm cho đến bột giặt và linh kiện ô tô và với quy mô cực lớn. Ngày 26.7, các quan chức Trung Quốc cho biết cảnh sát đã đột kích một nhà máy sản xuất ra một khối lượng khổng lồ hàng nhái iPhone. Tuy nhiên, đồng hồ, túi xách, quần áo, trang sức và nước hoa lại chiếm phần lớn số hàng bị bắt tại các khu vực biên giới. Vào ngày 21.7, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tổn hại về doanh số bán trước sự ồ ạt của quần áo và phụ tùng giả đã lên tới 10% tổng doanh thu của ngành tại châu Âu. Điều này khiến cho các công ty hàng xa xỉ phải rùng mình. Bởi lẽ, họ luôn “nâng niu” danh tiếng về chất lượng và tính độc quyền sản phẩm, theo Antonio Achille, Giám đối Điều hành tại Boston Consulting Group, trong khi những sản phẩm nhái chất lượng kém cứ nhan nhản đang làm tổn hại đến tiếng tăm này.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi ngành kinh doanh hàng giả tấn công mạnh sang internet. Đại diện thương mại của Mỹ đã đưa ra dự báo hồi tháng 4 rằng doanh số bán hàng giả, hàng nhái qua mạng có thể vượt qua cả doanh số bán trên các thị trường mua bán vật chất. Trên mạng, những tay buôn hàng giả có thể nặc danh, bán xuyên biên giới và thường xuyên tung ra các website mới để trốn tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Ông Armando Branchini, Phó Chủ tịch Altagamma, một tổ chức thương mại của các doanh nghiệp hàng xa xỉ Ý, thừa nhận chính phủ các nước đã gặp nhiều khó khăn theo dõi lượng hàng giả bán qua mạng và được gửi qua bưu điện. Hàng giả được vận chuyển số lượng lớn thì càng khó để các lực lượng cửa khẩu nhận diện. “Khi hàng giả được vận chuyển lên tới hàng triệu gói hàng, mỗi gói là một đôi giày hoặc một cái túi, áo sơ mi thì gần như không thể nào kiểm tra được”, ông Branchini thở dài.

Vì khó mà đối phó cả với các website bán hàng giả và các tổ chức làm hàng giả đứng đằng sau (vì nếu đóng cửa 1 nhà máy thì ngay lập tức sẽ có một nhà máy khác dựng lên gần đó), nên các công ty hàng xa xỉ đang ngày càng nhắm đến các công ty kinh doanh hợp pháp mà tạo điều kiện cho hoạt động hàng giả như các website đấu giá, các tổ chức đăng ký tên miền internet và các công ty xử lý giao dịch thanh toán. Thế nhưng, kết quả của nỗ lực này cũng rất vô chừng.

Vào năm 2014, Tiffany yêu cầu eBay chịu trách nhiệm cho phần doanh số bán hàng giả trên trang web của nó. eBay thì nói rằng Công ty khó mà ngăn được mỗi lần xuất hiện những vụ đăng sản phẩm bất hợp pháp, nhưng sẽ ra sức để loại bỏ những trường hợp như vậy. Các quan tòa cũng đồng tình. Trong khi đó, vụ kiện của Kering với Alibaba lại còn có nhiều thách thức hơn. Trên eBay, một kẻ giả mạo có thể đấu giá 1 hoặc 2 túi xách tại một thời điểm. Nhưng trên các website của Alibaba thì khác. Kering cáo buộc một nhà bán sỉ trên Alibaba đã yêu cầu mua tối thiểu 500 túi xách Gucci giả mạo và nói rằng người này có thể giao tới 8 triệu túi mỗi tháng. Những ông chủ hàng xa xỉ rất choáng váng trước viễn cảnh 8,5 triệu người bán của Alibaba tuồn ra khối lượng khổng lồ hàng giả ở cả thị trường Trung Quốc và khắp thế giới.

Kering cáo buộc rằng Alibaba không chỉ tạo ra một thị trường giao dịch hàng giả mà còn khuyến khích họ. Alibaba phản hồi rằng Công ty cũng là một nạn nhân của những kẻ làm hàng giả và đang tìm cách đối phó. Công ty có hơn 2.000 nhân viên rất tận tâm xử lý vấn đề này. Họ đã lần ra những vụ đăng sản phẩm đáng ngờ nhờ các thuật toán của Alibaba và nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng xa xỉ. Trong thời gian trước khi diễn ra đợt chào sàn của Alibaba năm ngoái, Công ty đã gỡ bỏ tới 90 triệu trường hợp đăng sản phẩm. Alibaba cũng đã ký thỏa thuận với Louis Vuitton, Coach và các công ty khác để cùng chống lại hàng giả. Nhưng những tranh chấp giữa Kering và Alibaba không hề nguội lại mà còn nóng lên. Hiệp hội AAFA muốn Alibaba phải xây dựng một hệ thống tự động để tháo xuống những trường hợp đăng sản phẩm đáng ngờ, một yêu cầu không dễ gì thực hiện được. Cuộc chiến với Kering sẽ còn tiếp tục khi cả hai đều không đi đến một sự đồng thuận nào. 

Trong lúc đó, doanh số bán hàng giả qua mạng thì vẫn cứ tăng mạnh. Và việc thóp cổ những tay kinh doanh hàng giả lại càng khó khăn hơn. Một hình thức đang phổ biến là các website xưng danh là các nhà kinh doanh hợp pháp những mặt hàng giảm giá. Họ có thể có tên miền đăng ký ở một nước, nhưng máy chủ thì đặt ở một nước khác, rồi xử lý thanh toán giao dịch ở một nơi khác nữa, vận chuyển cũng từ một nơi khác, theo MarkMonitor, chuyên giúp các công ty bảo vệ thương hiệu trên mạng. Roxanne Elings, một luật sư tại Davis Wright Tremaine, cho biết một cơ sở kinh doanh hàng giả có thể điều hành tới... 14.000 website, một con số quá khủng khiếp.

Nói như vậy, không có nghĩa là các doanh nghiệp hàng xa xỉ hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến chống hàng giả. Họ cũng đã có một số thành công nhất định khi “đấu” với những website nói trên, cũng bằng cách nhắm vào các công ty hợp pháp mà phục vụ các website như thế.

Vào năm 2010, bà Elings đã giúp North Face và Polo Ralph Lauren có được án lệnh của tòa bắt buộc các tổ chức đăng ký tên miền phải bài trừ các mạng lưới website lừa đảo và buộc công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal phải giao lại tài sản của những tay kinh doanh hàng giả. Tory Burch, Hermès và Michael Kors cũng đã giành được những chiến thắng tương tự vào năm 2011 và 2012.

Tuy nhiên, kể từ đó hàng giả lại càng tinh vi, khó bắt hơn. Bà Elings cho biết mạng lưới các website đang sử dụng các tổ chức đăng ký tên miền khác nhau và vô số tên giả. Joseph Gioconda, một luật sư đại diện cho Hermès, Michael Kors và Lululemon, cho biết săn lùng những kẻ làm hàng giả, hàng nhái rất gian nan khi tài sản của chúng nằm ở bên ngoài nước Mỹ. Rõ ràng, cuộc chiến chống hàng giả đang cam go hơn bao giờ hết.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới