Khoảnh khắc của ánh sáng và lông vũ
-trong-chuyen-di-chup-anh-cung-“nguoi-ban-chim”-peter-g.-kaestner_21949252.jpg)
Nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Sâm Thương (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến đi chụp ảnh cùng “người bạn chim” Peter G. Kaestner
Doanh nhân Đặng Ngọc Sâm Thương (sinh năm 1969) hiện giữ vị trí Trưởng Văn phòng Đại diện tại TP.HCM của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hải Vương, phụ trách kênh phân phối siêu thị trong nước. Tuy vậy, mọi người biết đến ông nhiều hơn với một vai trò khác: nhiếp ảnh gia nằm trong Top đầu Việt Nam về số lượng loài chim hoang dã được ghi lại bằng ống kính.
Hơn một thập niên rong ruổi khắp rừng sâu núi thẳm để săn ảnh các loài chim, ông Thương hiện nằm trong Top 7 thành viên có ảnh chim nhiều nhất của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Thiên nhiên Hoang dã Việt Nam (VWPC), tổ chức quy tụ các tay máy hàng đầu trong lĩnh vực này và là nơi ông giữ vai trò Phó Chủ nhiệm. Ông cũng là hội viên Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (HOPA).
Với ông, nhiếp ảnh chim hoang dã không chỉ là cách thư giãn sau những áp lực thường nhật mà còn là một hành trình ý nghĩa - nơi mỗi cú bấm máy là một cơ hội để gìn giữ vẻ đẹp hoang sơ và đánh thức tình yêu thiên nhiên trong cộng đồng.
Sở hữu bộ sưu tập ảnh chim hoang dã đứng tốp đầu Việt Nam hiện nay, đâu là loài chim khiến ông nhớ mãi, bởi vẻ đẹp, sự quý hiếm hoặc câu chuyện phía sau cú bấm máy?
Hầu như mỗi bức ảnh chim hoang dã của tôi đều gắn liền với một câu chuyện không thể quên. Trong đó, chuyến đi chụp một loài chim đặc hữu của Việt Nam có tên là Khướu Đuôi Cụt - White-throated Wren-babbler (Rimator pasquieri) là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất.
Đó là hành trình dài leo núi Hoàng Liên Sơn, từ bản Nậm Cang (Lào Cai) lên đến vùng núi có độ cao 2.200m. Cung đường có nhiều dốc đứng đến 60 độ, lại trơn trượt khiến gần 13 giờ leo núi gần như vắt kiệt sức tôi. Sau 2 ngày tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng ghi được những bức ảnh quý giá về loài chim ấy – khướu đuôi cụt. Thời điểm đó, tôi là người thứ năm trên thế giới chụp được loài này.
![]() |
Nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Sâm Thương (giữa) tại Cuộc đua chụp ảnh chim hoang dã Việt Nam lần 2 (2nd Vietnam Birdrace) tại Vườn quốc gia Bidoup vào tháng 6/2025. |
Và cũng rất vui khi trong chuyến đi có 2 người bạn Việt Nam cũng từng chụp được loài chim quý hiếm ấy. Và đặc biệt còn có mặt một “người bạn chim” rất nổi tiếng trong “làng chim thế giới”. Đó là ông Peter G. Kaestner (người Mỹ) - người đã xem được 10.000 loài chim trên khắp quả địa cầu.
Điều gì đã khiến một doanh nhân bận rộn như ông gắn bó với việc chụp ảnh chim hoang dã suốt hơn 10 năm qua, trong khi những chuyến đi rừng thường rất vất vả, chưa kể những quãng thời gian chờ đợi để bắt được một khoảnh khắc đẹp thường rất… mỏi mòn?
Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô thành phố - nơi tuổi thơ gắn liền với những trò chơi dân dã giữa thiên nhiên như thả diều, bắt dế, câu cá… Có lẽ vì thế mà mỗi lần cầm máy đi giữa đồng ruộng hay rừng núi để chụp ảnh chim hoang dã, tôi như được trở lại những ngày thơ bé.
Khác với nhiều thể loại nhiếp ảnh khác, chim hoang dã là đối tượng hoàn toàn không thể điều khiển. Chính sự bất định đó buộc người chụp phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và hết sức tinh tế. Việc bắt được khoảnh khắc hiếm hoi ấy qua ống kính khiến người chụp thấy rất sảng khoái.
Những bức ảnh chim hoang dã không bao giờ giống nhau. Mỗi lần bấm máy là một lần khác về góc chụp, ánh sáng, hành vi của loài chim. Có lúc nhìn thấy chim nhưng không chụp được tấm nào, lại thôi thúc phải quay lại. Có lần chụp được rồi nhưng chưa ưng ý, cũng không yên lòng. Chụp được ảnh chân dung sắc nét thì lại mong có thêm khoảnh khắc bay lượn. Sự “bất toàn” đó luôn thôi thúc người chụp ghi lại những bức ảnh ngày càng đẹp hơn của từng loài chim. Có thể tạm gọi đó là hành trình “chinh phục thiên nhiên” của con người.
Ngoài việc chụp cho đẹp từng loài chim, người chơi ảnh chim hoang dã còn mong muốn ghi nhận được thật nhiều loài khác nhau để đưa vào bộ sưu tập của riêng mình. Chụp được càng nhiều loài đồng nghĩa với công sức bỏ ra càng lớn, và bộ sưu tập càng giá trị.
![]() |
Khướu đuôi cụt |
Khi chụp chim hoang dã, chúng tôi thường phải băng qua ruộng đồng, len lỏi vào rừng sâu, leo lên những triền núi cao để tìm kiếm. Ở đó, tôi được hít thở bầu không khí trong lành, nghe tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng suối róc rách, tiếng gió vi vu xuyên qua những rặng cây. Không gian xung quanh rộng mở và thoáng đãng, hoàn toàn tách biệt với sự bức bối của bê tông, khói bụi và dòng xe cộ ngược xuôi nơi phố thị.
Việc được hòa mình vào thế giới tự nhiên trong trẻo, đầy âm thanh và hình ảnh sống động như vậy giúp tôi rũ bỏ hoàn toàn những căng thẳng trong công việc lẫn cuộc sống mưu sinh.
Ngoài ra, leo núi, đi bộ trong rừng cũng là cách vận động toàn thân để cơ thể thêm dẻo dai và bền bỉ. Dù đôi khi vất vả vì dốc cao, đường trơn trượt, hay phải đối mặt với côn trùng độc hại như vắt, rắn rết... và cả những khoảng thời gian mỏi mòn chờ chim về, tất cả đều được xua tan khi ống kính bắt được một khoảnh khắc quý giá.
Ông từng chia sẻ rằng việc định danh loài chim sau mỗi lần chụp còn giúp nhân đôi niềm vui của việc chụp được một loài chim lạ. Vì sao lại như vậy?
Việc chụp được ảnh một loài chim lạ luôn khơi dậy nhu cầu biết tên gọi chính xác của nó, hay nói cách khác là định danh được loài chim đó. Quá trình tìm kiếm thông tin qua sách chuyên ngành, tài liệu khoa học hay các nguồn trên internet không chỉ giúp xác định tên loài mà còn mở ra cả một thế giới kiến thức về môi trường sống, tập tính, thức ăn, mùa sinh sản, tính di cư, vùng và độ cao phân bố. Chính những hiểu biết đó cũng sẽ hỗ trợ ngược lại, giúp tôi dễ dàng tìm kiếm loài chim ấy ở khu vực và vị trí chính xác hơn.
Những so sánh, đối chứng giữa thông tin trên sách báo và thực tế ngoài thiên nhiên như vậy thường giúp tôi hiểu thêm rất nhiều điều mới.
Trong cộng đồng nhiếp ảnh hiện nay, ông thấy nhận thức về bảo tồn thiên nhiên đã thay đổi thế nào trong hơn 10 năm qua nhờ các hoạt động chụp ảnh chim hoang dã?
Rất nhiều điều đã thay đổi. Đầu tiên là số lượng người chụp chim hoang dã đã tăng đáng kể so với 10 năm trước đây. Hiện nay, số người chụp chim trong môi trường tự nhiên thậm chí còn vượt trội so với những người chụp chim theo kiểu sắp đặt (thường là tạo cảnh với hoa lá cành để có ảnh đẹp như tranh).
Sự thay đổi này đến từ ảnh hưởng của nhiều tay máy chụp hoang dã xuất sắc. Họ mang đến những hình ảnh sống động, quý hiếm, được ghi lại trong môi trường tự nhiên, làm say mê người xem bằng vẻ đẹp chân thực và thuần khiết của các loài chim. Sự lan tỏa đó cũng góp phần thay đổi nhận thức của không ít người từng chụp chim theo kiểu sắp đặt. Nhiều người trong số họ đã chuyển hướng, bởi nhận ra những bức ảnh dàn dựng thiếu sức sống, thiếu tự nhiên và dần trở nên nhàm chán trong góc chụp.
![]() |
Khướu hông đỏ Việt Nam. |
Bên cạnh chia sẻ những bức ảnh đẹp, nhiều nhiếp ảnh gia chụp hoang dã còn lồng ghép thông tin về các loài chim cũng như những mối đe dọa đến sự sinh tồn của chúng trong các bài đăng trên mạng xã hội. Chính sự kết hợp giữa hình ảnh sống động và nội dung giàu giá trị đã góp phần nâng cao nhận thức, rằng các loài chim cần được bảo vệ, gìn giữ vì vẻ đẹp tự nhiên cũng như vai trò thiết yếu của chúng trong hệ sinh thái.
Việc chia sẻ ảnh chim trên mạng xã hội và các diễn đàn đã góp phần “kéo” thêm nhiều người về cùng một chiến tuyến bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Vì đối tượng của người chụp chim là các loài chim đẹp, quý hiếm, có ích, nên họ luôn muốn bảo vệ, luôn muốn chúng được sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Thực tế, không ít anh em trong giới chụp ảnh chim hoang dã từng phải “đối mặt” với các thợ săn, người bẫy chim trong những lần đi thực địa. Họ chủ động tiếp cận, trò chuyện và thuyết phục những người này từ bỏ, bằng cách nhắc nhở rằng hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có các quy định cụ thể cấm săn bắt, bẫy, vận chuyển và mua bán chim hoang dã. Nhiều người trong số đó, sau khi được giải thích, đã dần ngừng bẫy bắt và tìm hướng sinh kế khác.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các hội nhóm và câu lạc bộ nhiếp ảnh thiên nhiên như Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Thiên nhiên Hoang dã Việt Nam (VWPC) cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua các chương trình tuyên truyền, vận động không săn bắt, bẫy chim, tổ chức các cuộc thi ảnh chim hoang dã…
Từng đồng hành với nhiều bạn bè có chuyên môn sâu về các loài chim, ông thấy điều gì làm nên một chuyến đi chụp ảnh chim “đúng nghĩa”, ngoài kỹ thuật nhiếp ảnh?
Trong những chuyến đi chụp chim hoang dã, ngoài việc trao đổi kỹ thuật nhiếp ảnh và cùng hướng đến mục tiêu ghi lại các loài chim có mặt tại khu vực, anh em chúng tôi còn thường xuyên bàn luận về nhiều chủ đề, như thắc mắc liên quan đến đặc điểm nhận dạng, tập tính của các loài chim, hay sự khác biệt giữa các phân loài ở từng vùng.
![]() |
Quạ thông. |
Chúng tôi cũng chia sẻ thông tin về những loài chim mục tiêu chưa từng chụp được, kể cả những loài đã có trong danh lục chim Việt Nam nhưng từ lâu không còn được ghi nhận ngoài thực tế.
Đôi khi, chúng tôi còn chia sẻ với nhau những trăn trở về các cánh rừng đang đứng trước nguy cơ biến mất, nhường chỗ cho một dự án kinh tế hoặc dân sinh nào đó sắp được triển khai.
Nếu được nhắn gửi một điều đến những người mới bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh chim hoang dã hoặc những người yêu thiên nhiên nói chung, ông sẽ nói gì?
Hãy luôn giữ lửa đam mê. Hãy đi khi có thể. Hãy đặt chân đến những vùng rừng núi để khám phá các loài chim và thiên nhiên hoang dã. Hãy biết quý trọng và bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên. Hãy luôn tìm tòi học hỏi từ sách vở và ngoài thực địa.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
