Seoul: Khuyến khích nhân viên nghỉ trưa và nghỉ chiều
Hãng Google, Nike, AOL sẽ có chính sách riêng để khuyến khích nhân viên nghỉ ngắn quãng trong giờ làm việc, nhưng thành phố Seoul đã đi trước một bước. Mới đây, chính quyền của đại đô thị nổi tiếng có số giờ làm việc cao nhất toàn cầu, vừa cho phép các quan chức thành phố được nghỉ ngắn trong buổi chiều nhằm tăng năng suất lao động trong các tháng hè nóng bức.
Chính sách này bắt đầu được áp dụng từ tháng 8, số giờ nghỉ ngắn trong buổi dài kéo dài đến 1 giờ đồng hồ, với điều kiện nhân viên phải làm thêm (để bù vào giờ đã nghỉ) và báo cáo với sếp về kế hoạch làm việc của họ trong buổi sáng. Ngoài các phòng nghỉ ngơi thông thường, nhân viên được phép sử dụng phòng hội nghị trống và những chỗ khác nếu có thể dùng.
Chính quyền thành phố Seoul cũng đang có kế hoạch xây dựng nhiều phòng nghỉ hơn cho người lao động.
Kim Ki-bong, một nhân viên nhân sự tại Chính quyền thủ đô Seoul (Seoul Metropolitan Government) cho biết "Một số người ngủ ngay tại bàn làm việc sau giờ ăn trưa. Cảnh tượng đó không đẹp chút nào. Nghỉ kiểu đó cũng chẳng giúp tăng năng suất làm việc là bao nhiêu. Thể nên, một quãng nghỉ ngắn và hợp lý có tác dụng tốt để giảm mệt mỏi và duy trì sức khỏe của nhân viên".
Chính quyền Seoul khá trông đợi vào hiệu quả của chính sách trên bởi đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nghỉ trưa hoặc nghỉ ngơi ngắn quãng giúp tăng năng lượng và nâng cao tính sáng tạo của người lao động. Song, chính quyền và nhiều chủ doanh nghiệp lại kêu gọi cải tổ triệt để cách làm việc trong tuần của người lao động, trong bối cảnh nhân khẩu học trên toàn thế giới đang xuất hiện nhiều thay đổi.
Mới tuần trước, Carlos Slim, tỷ phú số một thế giới người Mexico với khối tài sản lên tới 80 tỷ USD, đưa ra lời kêu gọi thế giới hãy thay đổi quy định giờ làm việc. Theo đó, con người chỉ nên làm việc 3 ngày/tuần, bù lại thời gian làm việc lâu hơn và nghỉ hưu muộn hơn.
Lý lẽ của ông Carlos Slim là, nếu làm được điều trên, chúng ta sẽ cải thiện được chất lượng cuộc sống và tạo ra lực lượng lao động có năng suất hơn. Vấn đề này được ông Slim đưa ra trong khuôn khổ hội nghị kinh doanh Growing Together diễn ra tại Paraguay, với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo và doanh nhân hàng đầu tại Mỹ Latin.
Hiện ông Slim đang là chủ tịch tập đoàn viễn thông Telmex và hàng loạt các công ty nhỏ tại nhiều quốc gia khác nhau. Các nhân viên tại tập đoàn Telmex thuộc sở hữu của tỷ phú Carlos Slim sẽ được xem xét nghỉ hưu sớm hơn nếu họ gia nhập công ty từ sớm.
Ngoài ra, với những ai muốn tiếp tục làm việc khi đã đến tuổi nghỉ hưu, Telmex sẵn sàng cho phép họ làm việc toàn thời gian nhưng chỉ giới hạn 4 ngày/tuần.
Seoul hiện sở hữu lực lượng lao động gồm khoảng 10.000 nhân viên. Không ít người lao động tìm kiếm chỗ ngủ sau giờ ăn trưa nhằm lấy sức đối phó với giờ làm việc dài và căng thẳng. Đây là nguyên nhân chính khiến số lượng câu lạc bộ cung cấp dịch vụ phòng ngủ riêng tư ban ngày tăng lên tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, văn hóa làm việc hà khắc của Hàn Quốc có thể cấm người lao động xin xỏ cấp trên để ra ngoài nghỉ trưa.
"Anh nghỉ trong 1 tiếng đồng hồ, trong khi bao nhiêu người khác vẫn làm việc - chuyện này chẳng ổn chút nào", ông Kim nói.
Người Hàn Quốc thuộc nhóm "người cuồng việc nhất thế giới". Số liệu gần đây nhất từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cho thấy người Hàn Quốc làm việc trung bình
2.092 giờ trong năm 2012. Tuy nhiên, năng suất làm việc theo giờ của Hàn Quốc chỉ bằng 66% so với mức trung bình của OECD và chưa bằng một nửa so với Mỹ.
Ngay cả quan chức chính quyền thành phố Seoul cũng không là ngoại lệ - mỗi ngày họ làm việc trung bình khoảng 11 giờ đồng hồ, theo ông Kim.
Nếu tuân thủ chính sách nghỉ ngơi mới, ngày làm việc của quan chức thành phố Seoul sẽ kéo dài tới tối. Theo đó, số giờ ngủ trung bình của người Hàn Quốc sẽ tăng lên 7 giờ 49 phút. Nếu so sánh với người Pháp, những người trung bình ngủ 8 giờ 50 phút, năng suất lao động của người Hàn Quốc vẫn thấp hơn, bất chấp nền kinh tế Pháp hiếm khi tăng trưởng.
"Nghỉ ngơi ngắn quãng cho phép anh làm việc tốt hơn và dài hơi hơn đến tận chiều", ông Bae Kyu-shik, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Lao động Hàn Quốc cho hay. "Tuy nhiên, chẳng có mấy sếp lại cho phép nhân viên ngả lưng lúc làm việc".
Nguồn GAFIN, FT/DVO
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư