Hủy

Gắn sao cho nhà vệ sinh

Viết Nguyên Thứ Năm | 18/10/2018 14:26

Nhà vệ sinh là tấm gương phản ánh trình độ văn minh xã hội.
 

Ở thành phố Suwon của Hàn Quốc có công viên Restroom Cultural, nơi trưng bày bộ sưu tập khổng lồ các hình thức nhà vệ sinh từ xa xưa đến hiện đại, từ xổm, đứng, ngồi, đến cả nằm. Công viên toilet này có thể làm nhiều người bật cười nhưng thông điệp của chúng lại rất quan trọng: nâng cao nhận thức về nhà vệ sinh ở các nước phát triển: “Nhà vệ sinh không đơn thuần chỉ là nơi bài tiết, nó còn là nơi giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh. Một nơi để thư giãn và thanh lọc cơ thể, nơi để chúng ta tự quan sát. Nhà vệ sinh cũng chính là một thiết chế văn hóa”.

Có lẽ thông điệp này vẫn chưa được nhận thức đúng đắn tại Việt Nam khi thiếu nhà vệ sinh vẫn là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, riêng TP.HCM hiện có 208 nhà vệ sinh công cộng. So với mật độ hàng chục triệu dân thành phố, đây là con số rất ít ỏi.

Gan sao cho nha ve sinh
 

Đó là chưa kể hầu hết nhà vệ sinh trong số này đã xuống cấp, thiếu các điều kiện phù hợp để người dân ghé đến như thiếu chỗ đậu xe, nguồn nước yếu, thiết bị chưa đạt chuẩn, thiếu người dọn dẹp hoặc giờ giấc bị giới hạn... Chính vì thế, nạn “xả thải” bừa bãi gây mất vệ sinh công cộng vẫn diễn ra, bất chấp các quy định về xử phạt. Tình trạng này cũng xảy ra khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang...

Tại các trường học, một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy, khoảng 88% trường học ở nông thôn Việt Nam không có nhà vệ sinh đạt chuẩn Bộ Y tế. Kéo theo đó là các dịch bệnh tiêu chảy, giun sán, gia tăng chi phí y tế cho cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, vệ sinh môi trường kém đang làm tăng chi phí cho công tác khám chữa bệnh, tiêu tốn mỗi năm khoảng 780 triệu USD, gây ra thiệt hại 1,3% GDP, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng động và là nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam lên đến 26%.

Ngành du lịch cũng là “nạn nhân” của việc thiếu nhà vệ sinh. Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Công ty Du lịch Ecosea Travel, dẫn chứng, rất nhiều nơi, những homestay chỉ có một nhà vệ sinh phục vụ 30 khách. Các điểm, khu du lịch phía Tây Bắc như Lũng Pô (Lào Cai), Cao Phạ (Yên Bái) đều không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Từ đây, nhiều du khách không dám quay lại Việt Nam còn vì lý do nhà vệ sinh... quá mất vệ sinh.

Gan sao cho nha ve sinh
 

Andrea Bruce, nữ nhiếp ảnh gia Mỹ, người từng chụp hình cho đề tài “nhà vệ sinh lộ thiên” ở 3 nước Ấn Độ, Haiti và Việt Nam, đã chia sẻ, ở nhiều vùng thôn quê, người ta hầu như không xây công trình quan trọng này trong nhà.

Tình trạng đi vệ sinh bừa bãi trên phố hay nhà vệ sinh kiểu “cầu cá” ở miền Tây Việt Nam... trở thành nỗi ám ảnh của nhiếp ảnh gia này.

Trong khi đó, thế giới có cả Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (Toilet Organization) và ngày 19.11 là “Ngày nhà vệ sinh thế giới” để khẳng định tầm quan trọng của nhà vệ sinh trong đời sống văn minh xã hội.

Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và đầu năm 2030 thì 100% hộ gia đình người Việt có nhà vệ sinh hợp chuẩn. Mục tiêu này đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và ý thức của người dân và doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng thường tốn kém và không dễ kêu gọi đầu tư vì không hiệu quả về mặt kinh doanh. Nếu tìm cách quảng cáo, nhà đầu tư chỉ có thể mời gọi giới hạn các nhãn hàng đặc trưng như nước giặt, nước xả, xà bông, chất tẩy rửa... Bởi thế, các công ty như Unilever  Việt Nam (nhãn hàng Vim), Sacombank, Vinasing, Mister Loo, Samsung, Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro, ChildFund Việt Nam... tài trợ cho các hoạt động này nghiêng về mục đích công tác xã hội hơn là kinh doanh.

Ông Hyunwoo Bang, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, hy vọng: “Trong một môi trường sạch sẽ, an toàn sẽ đảm bảo điều kiện để nâng cao tri thức, phát triển thể chất khỏe mạnh và toàn diện”.

Theo gợi ý của ông Fan Gia Hưng, cựu Giám đốc dự án quốc gia về chương trình xây nhà vệ sinh cho nông thôn Việt Nam, thuộc Unilever nên thúc đẩy một chiến dịch sâu rộng “Chia sẻ nhà vệ sinh”. Nghĩa là các trung tâm thương mại, tòa nhà, văn phòng, quán ăn, cà phê, trà sữa, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... có thể mở rộng cửa đón thêm lượng khách ghé nhà vệ sinh mà không yêu cầu phải sử dụng dịch vụ/sản phẩm.

Thực tế, Tổng cục Du lịch phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng miễn phí, dành cho du khách tại các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước. Tại Đà Nẵng, đã có hơn 400 đơn vị đăng ký tham gia dự án, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch và xây dựng hiệu quả nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của thành phố du lịch.

Rõ ràng, phong trào “xã hội hóa” nhà vệ sinh cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bằng ưu đãi về giá nước, phí môi trường... Bên cạnh đó, nên kêu gọi nhiều doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau tham gia để có sự cộng hưởng của xã hội trong phong trào này như các doanh nghiệp cung cấp, sản xuất thiết bị vệ sinh, cung cấp giấy, cung cấp tinh dầu thơm, đơn vị quảng cáo...


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới