Hủy
Tài Chính

“Bước ngoặt” trong xử lý nợ xấu ngân hàng

Thứ Ba | 04/03/2025 17:28

Ảnh: TL.

 
 
Nếu không có những quy định này, việc giải quyết nợ xấu chủ yếu dựa vào quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng để luật hoá một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Bản dự thảo dự kiến sẽ được trình và có thể được thông qua tại kỳ họp Quốc Hội vào tháng 5/2025. Ba chính sách liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo tại Nghị quyết số 42 được đề xuất luật hóa theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng bao gồm:

1. Quyền Thu Giữ Tài Sản Đảm Bảo: Trao quyền cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp khách hàng vay không thanh toán được nợ, với điều kiện hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về quyền này. 

2. Quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án: Tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. 

3. Hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự cũng như tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Thiết lập một khung pháp lý rõ ràng về hoàn trả tài sản bị thu giữ liên quan đến các vụ án hình sự hoặc hành chính. 

Nếu không có những quy định này, việc giải quyết nợ xấu chủ yếu dựa vào quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án. Thời gian hoàn tất mỗi vụ có thể kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi và chịu chi phí vốn hàng ngày, gây áp lực lên bảng cân đối kế toán. Vấn đề này đặc biệt khó khăn đối với các ngân hàng có tỉ trọng cho vay bán lẻ cao với rất nhiều khoản vay có quy mô nhỏ và phân tán về mặt địa lý, làm tăng chi phí vận hành cũng như hạn chế khả năng mở rộng tín dụng mới hoặc giảm lãi suất cho vay.

Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng việc luật hóa các quy định nói trên của Nghị Quyết 42 là một bước quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tổng tài sản có vấn đề (bao gồm nợ xấu, trái phiếu VAMC và các khoản nợ xấu tiềm ẩn khác) của hệ thống đã tăng lên khoảng 7%. 

“Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và GDP được Chính phủ đặt ở mức tương đối cao, chúng tôi tin rằng hệ thống ngân hàng cần một khung pháp lý ổn định và toàn diện để giải quyết nợ xấu, thay vì một chương trình thí điểm tạm thời trong một khoảng thời gian xác định như trước đây”, SSI Research nhận định. 

Theo quan điểm của tổ chức này, việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ củng cố nền tảng pháp lý cho việc giải quyết nợ xấu, giảm thời gian xử lý và cải thiện hiệu quả thu hồi nợ;  cải thiện quy trình thanh lý tài sản, cho phép các ngân hàng đẩy nhanh việc bán tài sản đảm bảo và thu hồi vốn hiệu quả hơn.

Cùng với đó là giảm chi phí vận hành và tăng cường khả năng mở rộng tín dụng, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ trong việc cải thiện tiếp cận tín dụng và giảm lãi suất cho vay vào năm 2025.

“Mặc dù các sửa đổi đề xuất sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các tổ chức tín dụng, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có tỉ trọng cho vay bán lẻ cao - những ngân hàng phải xử lý nhiều khoản vay nhỏ - sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, vì việc giải quyết nợ xấu nhanh sẽ giảm đáng kể gánh nặng vận hành và cải thiện khả năng sinh lời”, SSI Research nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp

Nguồn Theo SSI Research


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới