Hủy
Tài Chính

Các quỹ ETF trở lại mua ròng ở thị trường chứng khoán Đông Nam Á

Phạm Vũ Thứ Ba | 21/12/2021 16:01

Ảnh minh họa: TL.

Ở tuần giao dịch 13-17/12, dòng vốn ETF đã có những diễn biến tích cực hơn tại thị trường chứng khoán Đông Nam Á.
 

Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, ở tuần giao dịch thứ hai của tháng 12, thị trường chứng khoán Đông Nam Á ghi nhận sự tích cực đến từ dòng vốn của các quỹ ETF. Cụ thể, dòng vốn tích cực đã quay trở lại Đông Nam Á, ghi nhận ở mức 19 triệu USD, cao nhất trong 4 tuần qua. Cụ thể, dòng vốn đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán Malaysia và Singapore sau khi 2 quốc gia này trải qua 4 tuần liên tiếp bị rút vốn. Ngoài ra, dòng vốn tích cực tiếp tục được duy trì ở mức cao tại thị trường chứng khoán Philippines. Tuy nhiên, số liệu từ KIS cũng cho thấy thị trường chứng khoán Indonesia bị rút vốn mạnh trong tuần trước. 

Số liệu thống kê giao dịch của các quỹ ETF ở thị trường Việt Nam. Nguồn: KIS.
Số liệu thống kê giao dịch của các quỹ ETF ở thị trường Việt Nam. Nguồn: KIS.

Trong khi đó, tại Việt Nam dòng vốn tích cực đã quay trở lại, ghi nhận ở mức 2 triệu USD. Cụ thể, hoạt động rút vốn trên VanEck Vietnam ETF đã không còn. Tuy nhiên, lực cầu chỉ tập trung trên VFMVN30 ETF và và không lan rộng sang các ETF chủ đạo khác, điều này hàm ý rằng dòng vốn tích cực hiện tại vẫn chưa ở mức ổn định.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng, ghi nhận ở mức hơn 2.030 tỉ đồng ở tuần giao dịch vừa qua. Trong đó, áp lực bán đã quay trở lại đối với nhóm cổ phiếu ngành tài chính. Cụ thể, VPB, VCB, và SSI chịu áp lực bán mạnh nhất trong khi VND thu hút phần lớn lực cầu ngoại. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp và nguyên vật liệu tiếp tục chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại, chủ yếu đến từ HPG, GEX, và CII. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản và tiêu dùng thiết yếu tiếp tục thu hút lực cầu ngoại nhờ vào hoạt động mua mạnh trên VIC, VRE, VHM, DGC, và VNM. 

 

Trên thực tế, dù thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chinh phục đỉnh mới thì khối ngoại vẫn bán ròng ở thị trường Việt. Trong 11 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 55.000 tỉ đồng (tương đương 2,6 tỉ USD), tập trung vào các mã HPG; VPB; VNM và VIC. Ở chiều ngược lại, STB và VHM là 2 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng chủ yếu trong thời gian qua. 

Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đà bán ròng của khối ngoại gia tăng đáng kể trong năm nay, gấp 3 lần so với mức bán ròng trong năm 2020. Đáng chú ý, khối ngoại đã bắt đầu rút ròng liên tiếp kể từ tháng 8/2019. 

Năm 2021, xu hướng rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường khu vực Châu Á (như Hàn Quốc: -25,6 tỉ USD, Đài Loan: -18,4 tỉ USD, Thái Lan: -2,3 tỉ USD, Philippines: -1,7 tỉ USD), ngoại trừ thị trường Ấn Độ (+5,5 tỉ USD) và Indonesia (+2,6 tỉ USD).

Câu chuyện dài hạn về triển vọng nâng hạng thị trường lên các thị trường mới nổi. So sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và thị trường trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E tương đối hấp dẫn với mức ROE cao và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. Tầm nhìn đến cuối năm 2022, khi các công ty phục hồi hoạt đồng sản xuất kinh doanh hoàn toàn, mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 khoảng 24%, tương đương mức P/E dự phóng cuối 2022 khoảng 13,9x.

Như vậy, mức định giá hiện tại vẫn hấp dẫn trước các cơ hội mở ra khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu. Theo Mirae Asset, điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại khi thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong khi đó, các đổi mới nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Có thể bạn quan tâm 

Tiền đổ về ETF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới