Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu CTD tăng trần, sau thông tin chủ tịch muốn “gom”

Nhật Lệ Thứ Ba | 31/05/2022 15:41

Quá trình tái cấu trúc hao tốn nhiều nguồn lực nhưng Coteccons cho biết, quyết định này đã kiểm soát hiệu quả chi phí và cải thiện tỉ suất sinh lời. Ảnh: Quý Hòa

Coteccons có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan đến người nội bộ của Công ty.
 

Theo đó, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã đăng ký mua 730.000 cổ phiếu CTD với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 3/6 đến ngày 2/7/2022 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ sở hữu của ông Bolat Duisenov sẽ tăng từ 0,72% lên 1,6%.

Phản ứng trước thông tin này, ở phiên giao dịch 31/5, cổ phiếu CTD đã đạt mức tăng trần từ đầu phiên sáng. Hiện nay, CTD đang được giao dịch ở mức giá 54.400 đồng/cổ phiếu và đang trong nhịp hồi phục từ vùng đáy gần nhất khi thị trường chung điều chỉnh vào tháng 4/2022. 

 

Thông tin thêm về Coteccons, năm 2021 mở đầu cho kế hoạch 5 năm của Coteccons, cũng là năm bản lề để đưa Công ty hoạt động theo định hướng chiến lược mới. Sau một năm được triển khai, điều chỉnh và phát triển, định hướng mới ngày càng rõ ràng và đã mang đến những kết quả thực tế đầu tiên trên nhiều phương diện, từ nội lực được chuyển biến, môi trường văn hóa doanh nghiệp sinh động hơn đến lời đáp sôi nổi từ khách hàng.

Khi vừa bắt đầu được chia sẻ, chiến lược mới để chuyển đổi Coteccons đã nhận không ít sự quan ngại và hoài nghi. Tâm lý này diễn ra từ nội bộ đến các bên có liên quan khác. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu khi Coteccons đã có một lịch sử thành công khá lâu. Tuy nhiên, sự quan ngại và hoài nghi nhanh chóng thay đổi, chuyển thành sự quan tâm, hứng thú, đồng cảm và ủng hộ. Bởi diễn biến phức tạp của thị trường chung và thách thức mới trong ngành xây dựng đã đưa đến những cảnh báo ngày càng rõ rệt.

Biểu đồ giá của cổ phiếu CTD trên thị trường. Ảnh: FireAnt.
Biểu đồ giá của cổ phiếu CTD trên thị trường. Ảnh: FireAnt.

Đến năm 2021, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 40,4%. Mục tiêu của Chính phủ đã được công bố là 45% vào 2025 và 50% vào 2030. Đây là cơ hội rất lớn dành cho các doanh nghiệp xây dựng. Coteccons vẫn thường được nói đến với tình hình nội bộ bị xáo trộn và bức tranh kinh doanh không mấy tốt đẹp trong năm 2021 như hệ quả của việc thay đổi thành phần lãnh đạo chủ chốt. 

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu khách quan và phân tích thấu đáo, sẽ thấy rằng đây thực ra chỉ là điểm rơi của những bất cập tiềm tàng từ trước đó. Tiêu biểu là mô hình kinh doanh không đa dạng khi sản phẩm - dịch vụ và nguồn thu gần như chỉ tập trung vào một lĩnh vực trọng điểm là công trình dân dụng - thương mại. Điều này đặt Công ty vào tình trạng nguy hiểm khi bị phụ thuộc vào chu kỳ của ngành xây dựng và dễ bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường. Tình trạng bị ngưng trệ hoàn toàn do COVID-19 là minh chứng rõ nhất cho nguy cơ này.

Trong năm 2022, Coteccons tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc công ty, mục tiêu ưu tiên của Coteccons là chất lượng tăng trưởng hơn là chạy đua về các chỉ số. Đây là nền tảng cần thiết cho nhu cầu phát triển bền vững và xây dựng một doanh nghiệp có giá trị đích thực trong dài hạn.

Có thể bạn quan tâm 

Tam đấu Coteccons - Newtecons - Central

Chứng khoán đã qua thời hoàng kim?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới