Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu thép "sáng rực" trong ngày thị trường đỏ lửa

Minh Đức Thứ Sáu | 26/02/2021 15:00

Cổ phiếu thép dậy sóng trong ngày thị trường đỏ lửa (26.2). Ảnh: MĐ.

 
00:00
Cổ phiếu thép
     
    Nhóm cổ phiếu thép tạo nên điểm nhấn khi thị trường chịu áp lực rung lắc mạnh ở phiên 26.2.

    Điểm nhấn cổ phiếu thép

    Có thể nói, cho đến thời điểm hiện tại thì 1.200 điểm vẫn được xem là ngưỡng thiên đường, khi đã nhiều lần thị trường chinh phục thất bại ngưỡng này.

    Trong phiên giao dịch 26.2, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực rung lắc khá mạnh. Ngay từ đầu phiên sáng, đã có lúc chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm, sự rung lắc tiếp diễn cho đến phiên chiều.

    Số liệu ghi nhận lúc 13H20, chỉ số VN-Index đang giảm hơn 8 điểm với độ rộng nghiêng về bên bán. Nhóm VN30 có tới 25 mã giảm điểm và chỉ có 4 mã tăng điểm.

     

    Trong khi đó, trên sàn Hà Nội chỉ số HNX-Index lại tăng hơn 3,5 điểm trong khi chỉ số UPCoM-Index cũng giảm hơn 0,35 điểm. Trong lúc thị trường chứng khoán gần như đỏ lửa, nhóm cổ phiếu ngành thép lại tạo nên điểm nhấn khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này tăng trần.

    Tiêu biểu như cổ phiếu của Thép Nam Kim (mã NKG); Thép Pomina (mã POM) và cổ phiếu của Thép Việt Ý (mã VIS) đang được giao dịch ở mức giá trần.

    Cổ phiếu của Thép Hòa Phát (mã HPG); Tôn Hoa Sen (mã HSG) và Thép Việt Nam (mã TVN) cũng đều đang tăng giá rất tích cực.

    Trên thực tế, năm 2020 cũng được xem là năm sáng rực đối với cổ phiếu ngành thép. Từ sau khi dịch COVID-19 diễn ra, các cổ phiếu ngành thép đã có nhịp tăng giá vượt trội so với chỉ số VN-Index. Tính từ đáy COVID-19 vào tháng 4.2020, chỉ số VN-Index đã hồi phục 62%, lên mức 1.055 điểm (nửa cuối tháng 12).

    Tuy nhiên, việc hưởng lợi trực tiếp từ sự khan hiếm nguyên liệu cũng như gia tăng nhu cầu thép từ Trung Quốc đã giúp các cổ phiếu thép ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với VN-Index.

    Theo số liệu thống kê của NCĐT, kể từ vùng đáy tháng 4.2020 đến nay (25.12) giá cổ phiếu HPG, HSG và NKG ghi nhận mức tăng giá lần lượt đạt 196%, 402% và 251%. Và đây cũng là những công ty có sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh trong năm 2020.

    Lạc quan triển vọng ngành thép

    Nhìn nhận về triển vọng của ngành thép, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research cho biết họ khá lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành thép.

    Tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

     

    Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020, được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.

    SSI Research ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.

    Đối với giá thép, SSI Research cho rằng giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định. Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỉ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường

    “Chúng tôi khá lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành thép. Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới”, SSI Research nhận định.

    Ngoài ra, SSI Research cho rằng các công ty như Hòa Phát có thể tận dụng tối đa nguồn cung thép cuộn cán nóng HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.

    Về mặt định giá, hệ số P/E của các công ty thép đã vượt xa mức trước COVID-19 do tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2020, triển vọng tích cực cho năm 2021, xu hướng tăng giá thép và tâm lý thị trường chứng khoán tăng mạnh. SSI Research cho rằng ngành thép có thể tiếp tục được định giá lại cao hơn trong những tháng tới do giá thép tăng mạnh.

    * Có thể bạn quan tâm 

    ► Thép sáng cửa tăng trưởng


    Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

    Tin cùng chuyên mục

    Tin nổi bật trong ngày

    Tin mới