Hủy
Đi cùng F0

Những phương pháp được sử dụng để nghiên cứu và dự báo xu hướng giá của cổ phiếu trong tương lai

Kim Anh Chủ Nhật | 03/10/2021 17:39

Ảnh minh họa: TL.

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật được sử dụng để nghiên cứu và dự báo xu hướng giá của cổ phiếu trong tương lai.
 

Trên thị trường chứng khoán, có rất nhiều phương pháp đầu tư và các trường phái đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, hai phương pháp đầu tư theo phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là phổ biến nhất.

Phân tích cơ bản nghiên cứu tất cả các yếu tố có tác động đến giá cổ phiếu của công ty trong tương lai, chẳng hạn như báo cáo tài chính, quy trình quản lý, ngành,…Nó phân tích giá trị nội tại của công ty để xác định xem cổ phiếu của công ty đang bị định giá cao hay thấp.

Trong khi đó, phân tích kỹ thuật sử dụng các biểu đồ, mô hình và xu hướng trong quá khứ để dự báo giá của cổ phiếu trong tương lai. Phương pháp này có 3 giả định chính để làm cơ sở, bao gồm Giá phản ánh tất cả; Giá di chuyển theo theo xu hướng và Lịch sử sẽ luôn lặp lại.

phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật được sử dụng để nghiên cứu và dự báo xu hướng giá của cổ phiếu trong tương laiẢnh: Fincash.
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật được sử dụng để nghiên cứu và dự báo xu hướng giá của cổ phiếu trong tương lai. Ảnh: Fincash.

Giá cổ phiếu thay đổi từng phút, do vậy mọi nhà đầu tư đều muốn biết xu hướng giá cổ phiếu của công ty trong tương lai để đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý. Với mục đích này, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật được sử dụng để nghiên cứu và dự báo xu hướng giá của cổ phiếu trong tương lai. Vậy, nhà đầu tư nên lựa chọn phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức, Công ty chứng khoán SSI, việc lựa chọn phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng đầu tư của mỗi nhà đầu tư, là ngắn hạn hay dài hạn.

 

Đối với phân tích cơ bản, nhà đầu tư có thể có cái nhìn toàn cảnh về doanh nghiệp, và dự phóng được tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một vài năm tới; từ đó có thể định giá một cách tương đối giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này phù hợp hơn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn.

Còn phân tích kỹ thuật, tương đối ngắn hạn hơn. Dựa vào phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư có thể biết được liệu xu hướng tăng giảm của cổ phiếu có còn tiếp tục hay không, khi nào đảo chiều, kháng cự hỗ trợ của cổ phiếu ra sao, và lựa chọn điểm mua như thế nào sẽ hợp lý.

Trên thực tế, ông Đức cho rằng đối với nhà đầu tư tổ chức họ có tầm nhìn xa, từ 1 đến 3 hoặc 5 năm, nên thông thường họ dựa vào phân tích cơ bản. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân trong nước thường thiên về phân tích kỹ thuật, có bỏ qua hoặc xem nhẹ yếu tố cơ bản.

“Tôi thì khuyên các nhà đầu tư cá nhân rằng, tuy sử dụng phân tích kỹ thuật là chủ yếu, nhưng vẫn phải hết sức  chú trọng đến phân tích cơ bản để có thể nhìn được xu hướng trong trung và dài hạn của doanh nghiệp cũng như của cổ phiếu, để tránh được những lỗi sai. Bởi lẽ, những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự hoàn toàn có thể bị phá vỡ nếu yếu tố cơ bản bị thay đổi. Chính vì thế, phân tích cơ bản cũng rất quan trọng”, ông Đức nói.

Ông cũng chia sẻ thêm, nếu phân tích cơ bản mà khó đối với nhà đầu tư, họ có thể lựa chọn đọc các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán để đưa ra được định hướng chung nhất, trước khi ra quyết định đầu tư.

Có thể bạn quan tâm 

292.100 tỉ đồng được “bơm” vào nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới