Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Dòng vốn FDI kỳ vọng vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2024

Ông Chung Jae Hoon, Chứng khoán BIDV Thứ Sáu | 26/01/2024 16:36

Ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC). Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài chính

Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang trong xu hướng chậm lại.
 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những biến động, giải ngân vốn FDI vẫn tăng trưởng trong năm 2023 với tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới của hơn 3.000 dự án, tương đương 20 tỉ USD, tăng trên 60%. Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 23 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. 

 

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc dòng vốn đăng ký cấp mới gia tăng rất cao cho thấy mức độ hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang trong xu hướng chậm lại. 

Còn đối với dòng vốn FII, theo thống kê của BSC, năm 2023, khối ngoại đã bán ròng 10 trong số 12 tháng của năm với giá trị gần 23.000 tỉ đồng trên cả ba sàn, lực bán chủ yếu đến từ dòng vốn chủ động. Theo đại diện của BSC, nguyên nhân dòng vốn FII rút dòng xuất phát từ các yếu tố cơ bản như hiệu suất đầu tư các quỹ chủ động nước ngoài không mang lại hiệu quả đã tạo áp lực rút vốn. Bên cạnh đó là các quy định mới về thuế tại các quốc gia có đầu tư lớn tại Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai là sự chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, cùng với sự chênh lệch lãi suất trái phiếu của Việt Nam với các nước. Nguyên nhân thứ ba là do tỉ suất sinh lời tại các thị trường khác trong năm 2023 cao hơn so với Việt Nam.

Ông Chung Jae Hoon cho biết tổ chức của họ kỳ vọng trong năm 2024 nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhờ các yếu tố sau. Thứ nhất là nhờ sự hồi phục của khu vực thương mại, kéo theo sự phục hồi của dòng vốn FDI khi các Ngân hàng Trung ương lớn như Hoa Kỳ hay Châu  Âu nới lỏng chính sách tiền tệ.

 

Thứ hai là nhờ sự hồi phục của tiêu dùng trong nước. Thứ ba là nhờ chính sách tài khóa, Chính phủ tiếp tục thực hiện tăng chi ngân sách Nhà nước để hỗ trợ phát triển kinh tế như tăng đầu tư công, tiếp tục giảm thuế VAT đến hết tháng 6/2024 và tăng lương cơ sở. Yếu tố cuối cùng là dự báo FED sẽ hạ lãi suất trong 2024, nhờ đó giảm bớt áp lực lên tỉ giá, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Theo chúng tôi đánh giá, dòng vốn FDI dự kiến tăng trưởng tốt, mở ra một làn sóng đầu tư FDI mới vào Việt Nam trong bối cảnh vị thế quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao. Thêm vào đó, Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, an toàn, hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Còn đối với dòng vốn FII, BSC dự báo áp lực bán của khối ngoại vẫn tiếp tục hiện hữu và dần cải thiện vào nửa sau năm 2024 khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần cải thiện. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh quá trình IPO, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước sẽ là chất xúc tác tốt cho dòng vốn FII”, ông Chung Jae Hoon chia sẻ. 

Có thể bạn quan tâm 

Thị trường chứng khoán vẫn rất hấp dẫn

Nguồn Theo Talkshow Phố Tài Chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới