Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Kịch bản tích cực, VN-Index có thể lên đến vùng 1.400 điểm

Ông Trần Thăng Long, Chứng khoán BSC Thứ Ba | 21/05/2024 16:37

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng Khoán BIDV (BSC). Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài chính.

 
 
Ở kịch bản cơ sở, VN-Index có thể kết thúc năm 2024 ở mức xấp xỉ 1.300 điểm, trong khi kịch bản tích cực có thể lên đến 1.425 điểm.

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng khi đánh giá các yếu tố về mặt vĩ mô cũng như thị trường, BSC đang đưa ra 2 kịch bản chính đối với thị trường chứng khoán Việt Nam mà nhà đầu tư có thể tham khảo. 

Ở kịch bản cơ sở, VN-Index có thể kết thúc năm 2024 ở mức xấp xỉ 1.300 điểm, trong khi kịch bản tích cực, chỉ số này có thể lên đến 1.425 điểm. 

Ông Long đánh giá năm 2024 là một năm phục hồi về kết quả kinh doanh chung cũng như lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp. EPS (tỉ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phần) của toàn bộ thị trường sẽ rơi vào khoảng 15-17% so với cùng kỳ năm trước. 

 

“Ngoài ra, trên cơ sở dữ liệu của BSC thì định giá P/E của thị trường đang ở mức 14,5 lần và tôi nghĩ đây cũng vẫn là mức tương đối thấp so với trung bình trong giai đoạn 5 năm của VN-Index. Nó dẫn đến việc tại sao chúng tôi đưa ra kịch bản lạc quan thì VN-Index có thể tiến về vùng 1.400 điểm”, ông Long chia sẻ. 

Thêm vào đó, nhiều người vẫn thường nhắc đến đó là tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, cộng với đó là những thay đổi về mặt cấu trúc thị trường như là sản phẩm cũng như về mặt công nghệ. Đây đều là những thông tin tốt mặt định hướng cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng đây không phải là điều xảy ra ngay lập tức mà là một quá trình lâu dài. Và trong suốt quá trình đó chính bản thân thị trường chứng khoán sẽ tự thay đổi, tự thích nghi, tự phát triển và chính vì thế thị trường xứng đáng với vùng định giá cao hơn.

 

Theo đại diện của BSC, trong điều kiện thị trường phục hồi thì về mặt kết quả kinh doanh, nhà đầu tư có thể xem xét những ngành đang được kỳ vọng khả quan trong năm nay như: Ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, những ngành liên quan đến logistics, hay là những ngành phục vụ cho những nhu cầu trong thời gian sắp tới, khi mà thị trường có những chuyển biến để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như là khu công nghiệp hay xuất khẩu dệt may, da giày. 

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc đến những nhóm ngành đang “tụt lại phía sau” bởi vì như vậy thì mức định giá của những ngành này vẫn ở mức khá là tốt so với mặt bằng chung của thị trường như là bán lẻ chẳng hạn.

Theo ông Long, đối với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên quan tâm đến chính sách của Chính phủ liên quan đến kinh tế. Thứ nhất là nhóm chính sách về tài khóa. Hai năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã dồn rất nhiều những công sức trong việc thúc đẩy triển khai nhanh hơn các dự án liên quan đến hạ tầng. Kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đang cải thiện rất đáng kể. 

Thứ hai là chính sách tiền tệ. Ông Long đánh giá có khá nhiều công cụ của Ngân hàng Nhà nước được nhắc đến như lãi suất hay các chính sách liên quan đến tỉ giá. Việt Nam vẫn đang là một trong những quốc gia rất sớm thay đổi chính sách theo hướng nới lỏng và hỗ trợ cho sự tăng trưởng cũng như phục hồi của kinh tế. Chúng ta đã thấy được những kết quả về sự phục hồi của kinh tế trong hai quý vừa qua, sau giai đoạn được gọi là “vùng đáy”.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ tích cực vào cuối 2024


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới