Hủy
Góc nhìn chuyên gia

VN-Index có thể tiến tới các vùng giá cao hơn

Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Chứng khoán Guotai Junan Thứ Ba | 27/08/2024 21:38

Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS). Ảnh: PV.

 
 
Trong các giai đoạn trước, đã có những yếu tố kìm hãm thị trường, chẳng hạn như tỉ giá, nhưng hiện nay tỉ giá đang ổn định.

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) đánh giá tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo đại diện của Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, thị trường đã vượt qua mốc 1.200 và hiện đang vững chắc, tiến đến mốc tiếp theo là 1.300 điểm. Trong các giai đoạn trước, đã có những yếu tố kìm hãm thị trường, chẳng hạn như tỉ giá, nhưng hiện nay tỉ giá đang ổn định quanh mức 24.900-24.950, chỉ cách khoảng 2% so với mức cao giai đoạn vừa qua. Tỉ giá hiện tại rất ổn định, vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam và các can thiệp linh hoạt, hợp lý của Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan quản lý đã phát huy hiệu quả. 

 

Cùng với đó, thị trường vàng cũng đã ổn định trở lại nhờ các chính sách kịp thời. Thanh khoản trên thị trường gần đây cũng đã cải thiện, với một số phiên giao dịch vượt 20.000 tỉ đồng. Từ đầu tháng 8 đến nay, chúng ta thấy các nhà đầu tư ngoại đang mua ròng trở lại, mặc dù có những phiên mua bán đan xen, nhưng không còn thấy những phiên bán ròng liên tục nữa. 

“Với tất cả những yếu tố này, tôi nghĩ Việt Nam đang ở vị thế rất tốt và có khả năng VN-Index sớm vượt qua mốc 1.300, thậm chí có thể kiểm định lại mốc 1.500 điểm của năm 2022. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức định giá rất hấp dẫn, với chỉ số P/B thấp nhất trong 5 năm qua và chỉ số P/E cũng ở mức tương đối thấp. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm và sẵn sàng giải ngân trở lại”, ông Nguyễn Kỳ Minh chia sẻ. 

Đối với nền kinh tế Việt Nam, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam cho rằng chúng ta đang ở một trong những giai đoạn tương đối đặc biệt. Bởi vì từ những năm 1990 trở lại đây, nền kinh tế thế giới nhìn chung diễn biến theo hướng toàn cầu hóa. Khi toàn cầu hóa, dòng sản xuất sẽ tìm đến những nơi có chi phí sản xuất thấp nhất. Điều này đã giúp nền kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng 2008 hay những cuộc khủng hoảng gần đây, khi các Ngân hàng Trung ương bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế nhưng không gây ra lạm phát.

 

Nếu bơm nhiều tiền ra nhưng lượng hàng và năng lực sản xuất tăng lên tương ứng, sẽ không xảy ra lạm phát, và đây là điều tích cực đã xảy ra gần đây. Tuy nhiên, từ năm 2018, chúng ta đã thấy một xu hướng manh nha rằng chi phí sản xuất có xu hướng tăng. Vì vậy, hiện tại là một giai đoạn cửa ngõ và rất khác biệt so với 30 năm qua; nó có thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội.

“Trong quý I và quý II, tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm 2024 rất tốt. Tôi nghĩ rằng tiềm năng để năm nay tăng trưởng cao hơn nữa là rất lớn”, ông Nguyễn Kỳ Minh nhìn nhận. 

Từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu đã phục hồi liên tục, với tăng trưởng khoảng 15% tính đến hết tháng 6 và tháng 7. Dòng vốn FDI cũng đang trở lại mạnh mẽ, với giải ngân FDI tăng khoảng 8,5% trong nửa đầu năm nay. Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp nước ngoài và dự kiến tăng trưởng trong nửa sau năm nay cũng như những năm tiếp theo sẽ tiếp tục cao. 

Đầu năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5%, và hiện tại chúng ta đang đạt khoảng 6,5% đến 7%. Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng này.

(*) Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) tại Talkshow Phố Tài chính. 

Có thể bạn quan tâm 

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp kỳ vọng ở mức 33%


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới