Hủy
Tài Chính

Theo chu kỳ, 2024 được kỳ vọng là năm khởi sắc của thị trường chứng khoán

Song Luân Thứ Tư | 31/01/2024 16:15

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

 
 
Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng, trái phiếu và thị trường bất động sản là các ẩn số chính cho đà phục kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại năm 2023, chỉ số VN-Index tăng khoảng 10%, tuy nhiên nếu loại trừ nhịp tăng của tháng 1, gần như chúng ta có một năm đi ngang của thị trường. Thị trường năm 2023 không còn khốc liệt như năm 2022 nhưng cũng là một năm không hề dễ dàng.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán DSC, trong sự đi ngang đó, thị trường ở giữa 2 lằn ranh kỳ vọng. Có thể chia thị trường năm 2023 thành một sóng tăng và một sóng giảm chính. Trong đó sóng tăng chính từ đầu năm đến tháng 9 có thể nói là sóng tăng nhờ kỳ vọng chính sách.

 

“Với nền kinh tế yếu, chúng ta đã dũng cảm đi ngược, nới lỏng tiền tệ với 4 lần hạ lãi suất liên tiếp. Thêm vào đó chính sách tài khóa cũng theo hướng mở rộng, cùng hàng hoạt biện pháp khác như văn bản pháp lý về gia hạn trái phiếu đáo hạn hay hoãn trích lập nợ xấu… Tất cả các biện pháp trên giúp thị trường chứng khoán sống trong kỳ vọng và tăng trưởng tốt trước khi tạo đỉnh vào tháng 9”, DSC nhìn nhận. 

 

Nửa thứ 2 là sóng giảm từ tháng 9 cho đến khi tạo đáy ngắn hạn vào tháng 11. Nguyên nhân chính là do kỳ vọng của thị trường đã không được đáp ứng khi số liệu kinh tế cho thấy kinh tế rất yếu và phục hồi chậm.

Tâm lý thận trọng được thể hiện rõ khi dù lãi suất thấp kỷ lục, tiền vẫn ở kênh tiết kiệm do niềm tin của nhà đầu tư kém và môi trường kinh doanh xấu.

Theo DSC, năm 2024 bắt đầu với một nền lãi suất thấp và kỳ vọng phục hồi kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý là dư địa về chính sách tiền tệ có vẻ như chúng ta đã dùng gần hết. Nền kinh tế sẽ là câu trả lời cho kỳ vọng của các bên. Nếu nhìn ở góc nhìn chu kỳ, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế. Về mặt lý thuyết, với chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng như hiện tại, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024. “Một nguyên tắc được biết đến phổ biến là thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế, do đó về mặt kỳ vọng lý thuyết, 2024 được kỳ vọng là năm khởi sắc của thị trường chứng khoán sau khi năm 2023 có thể xem là năm chuyển tiếp từ đà rơi của năm 2022 sang xu hướng đi ngang”, DSC nhận định. 

Tuy nhiên tổ chức này cũng cho rằng rủi ro phục hồi chậm của nền kinh tế vẫn sẽ là rủi ro chính. Một ví dụ nổi bật trong thời gian qua là thị trường Trung Quốc, nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng khiến năm 2023 là năm rất tệ với chứng khoán nước này. Việt Nam và một số thị trường Đông Nam Á có rủi ro tương tự với nợ xấu ở mức cao và sự đi xuống của thị trường bất động sản. Đối với Việt Nam, nợ xấu ngân hàng, trái phiếu và thị trường bất động sản là các ẩn số chính cho đà phục kinh tế. 

Có thể bạn quan tâm 

Yếu tố then chốt quyết định xu hướng thị trường


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới