Hủy
Tài Chính

Thị trường đang mang lại nhiều cơ hội giao dịch ngắn hạn

Nhật Lệ Thứ Hai | 10/04/2023 14:11

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: VDSC.

 
 
Những nhóm ngành có độ nhạy cao với lãi suất đang mở ra những cơ hội giao dịch ngắn hạn cho nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối tháng 3 sau hàng loạt quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và Thông tư sửa đổi nhằm giãn/giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Các động thái này cho thấy nhà điều hành đang hướng đến các ưu tiên trọng tâm là hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Do vậy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng sẽ tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành trong tháng 4, qua đó tạo xung lực giúp thị trường chứng khoán duy trì sự sôi động. 

 

Tuy nhiên, VDSC muốn lưu ý rằng giải pháp chính sách và lãi suất hạ nhiệt sẽ mang lại cơ hội tồn tại cho doanh nghiệp. Song để có thể tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cần cho thấy sự phục tích cực hơn. 

Ở khía cạnh này, VDSC nhận thấy kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất định, với tăng trưởng chậm trong khi lạm phát vẫn giữ ở vùng cao và rủi ro thanh khoản của hệ thống tài chính ngân hàng thế giới. Hay nói cách khác, kinh tế toàn cầu đang đối diện rủi ro “đình lạm”. Chỉ số PMI tháng 3 của Việt Nam cũng giảm về mức dưới 50 điểm, thấp hơn so với các quốc gia lân cận, cho thấy triển vọng phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước còn khá mong manh. 

Trên cơ sở đó, VDSC cho rằng thị trường đang mang lại các cơ hội giao dịch ngắn hạn, đặc biệt ở các nhóm ngành có độ nhạy cao với lãi suất như ngân hàng, chứng khoán, và bất động sản – xây dựng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý I/2023 tích cực hơn mặt bằng chung của thị trường cũng là những cơ hội giao dịch ngắn hạn đáng xem xét. 

Với quan điểm là cơ hội ngắn hạn, VDSC bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư chỉ phân bổ 30-50% giá trị danh mục cho các ý tưởng đầu tư này, và cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận khi các số liệu kinh doanh quý I chính thức được công bố.

 

Thanh khoản hệ thống ngân hàng trong nước ổn định và sự cân nhắc chậm lại tốc độ thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương thế giới là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, ưu tiên thực hiện mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế. 

Các quan ngại lớn nhất của VDSC với ngành ngân hàng vào đầu năm là tăng trưởng tín dụng chậm, NIM thu hẹp, và ẩn số chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong 3 nút thắt này, có thể thấy quan ngại về tín dụng đã hiện thực hóa, khi mà tăng trưởng tín dụng (theo năm) toàn ngành chỉ tương đương mức tăng trưởng thời kỳ trải qua đại dịch. Đây là dấu trừ đối với thu nhập lãi, cũng như các thu nhập khác từ hoạt động bán chéo của ngân hàng. 

Ở chiều ngược lại, với (1) các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất và Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành trong tháng 3, (2) dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 về quy định các tổ chức tín dụng mua - bán trái phiếu doanh nghiệp (kỳ vọng sớm được thông qua) và (3) quyết định giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp (kỳ vọng sớm được ban hành), mặc dù mục tiêu cuối cùng là giúp doanh nghiệp tồn tại và chờ cơ hội phục hồi khi kinh tế khởi sắc, thì trước hết, các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để xử lý gánh nặng về nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Ngoài ra, VDSC kỳ vọng NIM sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến, và theo đó, thu nhập lãi thuần vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng 10-12%.

“Trong các ngân hàng chúng tôi đề xuất vào đầu năm gồm ACB, CTG, VCB, MBB và VPB, chúng tôi ưa thích ACB, VCB và MBB hơn cả, trong giai đoạn hiện tại”, VDSC nhìn nhận. 

Có thể bạn quan tâm 

Tổng công ty Lương thực miền Nam lần đầu tiên có lãi sau cổ phần hóa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới